Khơi dòng chảy tín dụng mùa kinh doanh cuối năm

(ĐTTCO)-Trong 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016. Mặc dù đây là mức tăng trưởng khá cao so những năm gần đây, nhưng lại khá thấp nếu so với kỳ vọng và mục tiêu cho cả năm nay ở mức 21% - 22%.
Doanh nghiệp giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: Huy Anh
Doanh nghiệp giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: Huy Anh
Để hoàn thành mục tiêu, trong 3 tháng cuối năm, tín dụng phải tăng trưởng 10%, tương đương khoảng 550.000 tỷ đồng sẽ chảy vào nền kinh tế. Các ngân hàng khẳng định không thiếu vốn nhưng trên thực tế doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng. 
Hỗ trợ DN vốn “mỏng”
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM ước tính 10 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn TPHCM tăng 14%. Từ nay đến hết năm 2017 còn dư địa khoảng 6%, tức tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho DN trong dịp cao điểm cuối năm. Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho biết, hiện các ngân hàng cũng đã cho vay tín chấp đối với DN có uy tín; điều chỉnh giảm dần lãi suất cho vay ở mức hợp lý; DN xuất khẩu được vay ngoại tệ với lãi suất 2% - 3%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 5% - 6%/năm đối với trung và dài hạn…
Tuy nhiên, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho rằng lãi suất đang áp dụng tại các ngân hàng hiện nay có thể chấp nhận được nhưng vẫn còn hơi cao so với mức lãi vay của các DN trong khu vực. Cụ thể, nguồn vay trung hạn đang áp dụng tại các ngân hàng là 8% - 10%/năm đối với VND, trong khi các nước chỉ có 5% - 7%; và 6% - 8% đối với vay ngoại tệ (USD), trong khi DN khu vực ASEAN là 3% - 4%;  lãi suất ưu đãi đặc biệt của Nhật, Mỹ chỉ từ 0% - 2%. Nếu tính cả các chi phí khác để tiếp cận tín dụng ngân hàng thì chi phí vốn vay còn cao hơn.
Theo các DN, việc chịu lãi suất cao khiến DN hạn chế đầu tư trung - dài hạn và điều này không hướng dòng vốn vào các lĩnh vực có lợi cho nền kinh tế. Ngoài ra, một số DN cũng cho biết, thời hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng cũng đang rất hạn chế, gây nhiều khó khăn cho DN mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bà Bùi Thị Thu, Phó Tổng giám đốc Công ty Dệt Phong Phú, cho biết để đầu tư máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh, DN vay ngân hàng 70% và 30% là vốn tự có. Thế nhưng, trong phần vốn vay 70% thì ngân hàng thường khống chế thời gian chỉ cho vay 7 năm; trong khi thời gian khấu hao tài sản là từ 10 - 15 năm, gây khó khăn cho DN trong sử dụng đồng vốn để trả nợ.
Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - phân tích, hiện đa số các DN huy động vốn để đầu tư chủ yếu qua ngân hàng thương mại. “Vốn cho DN cần phải tách ra hai phần: vốn chủ sở hữu và vốn đi vay. Hiện nay, chúng ta hay gọi chung là vốn nhưng thực chất đa phần là nợ, vì DN phải vay ngân hàng đến 70% - 80%. Đó là lý do vì sao nhiều DN tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn kêu khó, lãi suất cao, dẫn tới hạn chế đầu tư trung và dài hạn”.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, trong bối cảnh các DN nhỏ và vừa đa số có vốn “mỏng” (vốn tự có ít - PV) như hiện nay, các ngân hàng cần đặt niềm tin nhiều hơn vào DN, đặc biệt là những DN có khả năng mở rộng đầu tư nhưng chưa được ngân hàng yên tâm “chọn mặt gửi vàng”. Để gỡ nút thắt này, vai trò của chương trình kết nối ngân hàng - DN cần phát huy hơn nữa vì thông qua chương trình này, có sự tham gia của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, mới có thể giúp những DN này tiếp cận vốn ngân hàng dễ hơn.
Thủ tục cần nhanh hơn
"Ngân hàng Nhà nước không nhất thiết phải thúc đẩy hệ thống ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21% bằng mọi giá, vì nếu như xuất hiện những tín hiệu sớm về khả năng lạm phát sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát, không chỉ trong quý 4-2017 mà còn cả trong năm 2018. Thay vì dồn hết gánh nặng cho chính sách tiền tệ, nếu vẫn muốn thúc đẩy tăng trưởng GDP, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong chính sách tài khóa, cụ thể là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu chính phủ"
Ông PHẠM HỒNG HẢI,
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam
Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng để khơi thông dòng tín dụng mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, cần đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối giữa ngân hàng và DN. Bởi lẽ hiện nay, 80% vốn kinh tế dựa vào vốn vay ngân hàng và 80% thu nhập ngân hàng dựa vào cho vay, trong đó chủ yếu là cho vay DN.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết trên 50% DN nhỏ và vừa trên địa bàn TPHCM có nhu cầu lớn về vay vốn nhưng thiếu tài sản thế chấp, tài sản hình thành trong tương lai, số liệu tài chính chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn… Trong đó, số lượng DN nhỏ rất lớn, họ rất cần các ngân hàng hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc về thủ tục vay và có giải pháp giúp các DN này tiếp cận nguồn vốn vay.
Tại hội nghị về giải pháp nâng cao kết nối ngân hàng và DN mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, những thông tin phản hồi từ DN trong đợt kiểm tra đột xuất của Ngân hàng Nhà nước về cải cách thủ tục hành chính ngành ngân hàng trên địa bàn TPHCM vừa qua cho thấy, lãi suất không còn là mối quan tâm hàng đầu của đa số DN vào lúc này. Thay vào đó, DN đề nghị các ngân hàng cải cách thủ tục mạnh mẽ hơn nữa để nguồn vốn đến với DN dễ dàng hơn.
Ông Nguyễn Bá Tiến, Giám đốc Công ty Xuân Tiến, cho biết ông đã từng bị một ngân hàng trì hoãn việc giải ngân trong vòng 2 tháng, sau đó ông phải chuyển sang một ngân hàng khác thì chỉ mất có 7 ngày để được giải ngân.
Bà Hoàng Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Thu Hiền, cho rằng lãi suất phải trả dù có hơn kém nhau chút ít giữa các ngân hàng cũng không phải là điều quá quan trọng. Thay vào đó, DN rất quan tâm đến các yếu tố dịch vụ như: thời gian xử lý hồ sơ, khả năng hỗ trợ DN hoàn thành chứng từ, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, tư vấn… “Chúng tôi cần vốn của ngân hàng thật, nhưng quan trọng là xét duyệt hồ sơ cho vay phải nhanh chóng, xét duyệt mất vài tháng thì thời cơ kinh doanh qua mất rồi”, bà Hiền bày tỏ.

Các tin khác