Khó tìm cổ đông chiến lược

Ngày 26-4, NHNN ban hành Thông tư số 10, có hiệu lực từ ngày 1-6-2011, quy định tiêu chí cổ đông chiến lược (CĐCL) đối với NHTM nhà nước cổ phần hóa. Theo đó, NHNN quy định những tiêu chí mà theo các chuyên gia khắt khe cả với nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

Ngày 26-4, NHNN ban hành Thông tư số 10, có hiệu lực từ ngày 1-6-2011, quy định tiêu chí cổ đông chiến lược (CĐCL) đối với NHTM nhà nước cổ phần hóa. Theo đó, NHNN quy định những tiêu chí mà theo các chuyên gia khắt khe cả với nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

Tiêu chí khắt khe

Theo NHNN, đối với CĐCL của NHTM nhà nước cổ phần hóa phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu: Có lợi ích chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển của NHTM nhà nước cổ phần hóa; không tạo ra sự xung đột lợi ích; không tạo ra sự độc quyền trong cạnh tranh đối với khách hàng, nhà đầu tư của NHTM nhà nước cổ phần hóa và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. CĐCL phải đáp ứng các tiêu chí: Với CĐCL nước ngoài là TCTD hoặc tổ chức tài chính phải có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ USD vào năm trước năm đăng ký tham gia CĐCL; có trên 5 năm kinh nghiệm hoạt động quốc tế; được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập (Moody’s, Standard & Poor's, Fitch Rating...) xếp hạng ở mức có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình, điều kiện kinh tế biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi; không là CĐCL, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập tại bất kỳ TCTD nào tại Việt Nam; có cam kết bằng văn bản về việc hỗ trợ NHTM nhà nước cổ phần hóa trong các lĩnh vực và cam kết gắn bó lâu dài với NHTM nhà nước cổ phần hóa.

Giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: LÃ ANH

Giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: LÃ ANH

Với CĐCL trong nước, phải là doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực quản trị tốt; có tổng tài sản tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào năm trước năm đăng ký tham gia CĐCL; có đủ nguồn vốn góp; có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 15%, tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản (ROA) trên 1% của năm liền kề trước năm đăng ký tham gia CĐCL, có lợi nhuận ròng dương trong 3 năm liên tiếp trước năm đăng ký tham gia CĐCL; không có nợ xấu tại các TCTD; không là CĐCL, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập tại bất kỳ TCTD nào tại Việt Nam vào thời điểm đăng ký tham gia CĐCL; có cam kết về việc hỗ trợ NHTM nhà nước cổ phần hóa trong một hoặc một số lĩnh vực và cam kết không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời gian tối thiểu 5 năm kể từ ngày trở thành CĐCL, không thực hiện các giao dịch nào với NHTM nhà nước cổ phần hóa dẫn đến xung đột lợi ích và tạo ra sự độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh với khách hàng, nhà đầu tư khác của NHTM nhà nước cổ phần hóa và đối với các TCTD khác.

Ngoài ra, đối với CĐCL  trong nước là TCTD, NHNN quy định ngoài các điều kiện nêu trên đối với CĐCL trong nước, phải đáp ứng thêm các tiêu chí: Đảm bảo an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN; có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) năm liền kề trước năm đăng ký tham gia CĐCL trên 10%; có tỷ lệ nợ xấu năm liền kề trước năm đăng ký tham gia CĐCL dưới 2%; không được mua cổ phần của NHTM nhà nước cổ phần hóa mà NHTM nhà nước cổ phần hóa là cổ đông, thành viên góp vốn của TCTD đó vào thời điểm đăng ký tham gia CĐCL.

Hẹp cửa nhà đầu tư nội

Hiện nay, một trong 2 NH nhà nước cổ phần hóa là VietinBank đã công bố bán 10% cổ phần cho Công ty tài chính Quốc tế IFC. Mới đây, Vietcombank cũng trình cổ đông kế hoạch chào bán cho cổ đông nước ngoài để tăng vốn điều lệ lên 7.035 tỷ đồng, thời điểm phát hành dự kiến cuối năm 2011 hoặc đầu 2012. Giá phát hành theo thỏa thuận giữa VCB và đối tác trên cơ sở tư vấn tài chính quốc tế. TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng tiêu chí CĐCL nước ngoài không quá khắt khe (như tổng tài sản tối thiểu 20 tỷ đồng) là phù hợp. Hơn nữa, dù khu vực tài chính thế giới còn nhiều bất ổn nhưng các nhà đầu tư nước ngoài là những TCTD, định chế tài chính vẫn nhìn thấy tiềm năng dài hạn 5-10 năm đối với NH Việt Nam, nhất là những NH quốc doanh có thị phần nội địa lớn. Do vậy tiêu chí này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực NH.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa quy định mới đã khép cửa với CĐCL trong nước, bởi các doanh nghiệp có tổng tài sản tối thiểu 3.000 tỷ đồng đều có vốn góp ít nhất từ 1-2 NHTM trong nước. Với các tổng công ty, tập đoàn nhà nước càng khó đầu tư vào khu vực NH khi chủ trương của Chính phủ hạn chế đầu tư trái ngành. Ngoài ra, với các tiêu chí khắt khe trên các NH cổ phần trong nước cũng khó tham gia góp vốn vào các NH nhà nước cổ phần hóa. Một lãnh đạo NH cổ phần cho biết thời điểm này các nhà đầu tư sẽ cân nhắc khi đầu tư vào lĩnh vực NH.

Bởi dù các NHTM nhà nước cổ phần hóa có mạng lưới hoạt động và thị phần khách hàng truyền thống lớn, nhưng tính tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu vẫn rất khiêm tốn so với các ngành nghề khác. Chưa kể, việc các NHTM nhà nước vẫn tiếp tục tăng vốn càng làm cho giá trị cổ phiếu NH bị pha loãng. Có thể trong trung hạn 1-2 năm các NHTM nhà nước quốc doanh khó kiếm được đối tác chiến lược trong nước mà chỉ có thể trông chờ vào những nhà đầu tư nước ngoài với chiến lược kinh doanh dài hạn. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này về dài hạn NH vẫn là ngành kinh doanh hàng đầu thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

ª DaiABank vừa công bố quý I-2011 đạt lợi nhuận 80,8 tỷ đồng, (bằng 63% lợi nhuận năm 2010). Đặc biệt, do phát triển thêm nhiều sản phẩm huy động mới cùng với triển khai công tác chăm sóc khách hàng tốt, tốc độ tăng trưởng huy động của DaiABank trong quý khá cao. Tính đến nay, tổng tài sản DaiABank đạt 14.099 tỷ đồng; huy động 4.668 tỷ đồng; tín dụng 6.049 tỷ đồng; có 55 chi nhánh, phòng giao dịch và trên 1.000 CBNV.

ª BAOVIET Bank triển khai chương trình khuyến mại đặc biệt mang tên “Tích lộc tài-Xài LX”.  Khi tham gia gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên với số tiền gửi tối thiểu 15 triệu đồng hoặc 8.000USD, khách hàng sẽ có cơ hội trúng thưởng 5 xe máy Piaggio LX cùng 10.000 phần quà khác. Tổng giá trị giải thưởng trong chương trình gần 1 tỷ đồng. 

ª Vietcombank vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý I-2011. Theo đó, thu nhập lãi thuần của VCB đạt 2.749,5 tỷ đồng, cao hơn mức 1.727 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2010. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 241,9 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 399 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác đạt 35 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đạt trên 16 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro tín dụng đạt hơn 2.174,9 tỷ đồng. Sau khi trích lập 400 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.775 tỷ đồng.

Các tin khác