Khó đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu

(ĐTTCO) - Thời gian tới, nhu cầu tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ hệ số an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II của các NHTM, và yêu cầu này đặc biệt cấp thiết đối với các NHTM có vốn nhà nước, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và mức độ tín nhiệm của hệ thống NH Việt trong khu vực và trên thị trường quốc tế. 
Khó đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu
Đến cuối 2017, CAR của toàn hệ thống NH Việt Nam là 12,1%, cao hơn mức tối thiểu 9%, nhưng đây là cách tính theo Basel I, chưa tính đến rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Nếu tính theo Basel II, CAR của NH Việt sẽ thấp hơn nhiều.
Trong khi đó, hầu hết quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã triển khai và áp dụng Basel II, trong đó Canada, Nhật Bản, Singapore đã áp dụng Basel III (tính đến cả rủi ro chu kỳ do sự biến động của nền kinh tế và rủi ro chéo).
Việt Nam đến nay mới có 4 NH có tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng là BIDV 1,2 triệu tỷ đồng, Vietinbank 1,09 triệu tỷ đồng, Vietcombank 1,03 triệu tỷ đồng và Agribank trên 1 triệu tỷ đồng. Đây cũng là 4 NH có vốn điều lệ (tính theo USD) lớn nhất hệ thống: BIDV 1,5 tỷ USD Vietinbank 1,6 tỷ USD, Vietcombank 1,6 tỷ USD và Agribank 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, mức tổng tài sản và vốn điều lệ này còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
Vì thế, trong thời gian tới, nhu cầu tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel II của các NHTM, nhất các NHTM có vốn nhà nước rất lớn và rất cấp thiết.
Tuy nhiên, theo NHNN, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTM có vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến khuôn khổ pháp lý. Đó là các Nghị quyết 25/2016/QH14, 26/2016/QH14 của Quốc hội quy định không sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để cấp vốn cho nhóm NHTM này.
Bên cạnh đó, nội dung bổ sung vốn cho các NHTM có vốn nhà nước không có trong danh mục đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết 1023/2016/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP, phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, CTCP, công ty TNHH 2 thành viên trở lên không bao gồm trường hợp Nhà nước đầu tư bổ sung vốn cho NHTM.
Cùng với đó, việc thoái vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ chưa nhiều. Năm 2017, các NHTM có vốn nhà nước đã bán cổ phần tại 8 doanh nghiệp và tổ chức, thu về 1.290,4 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Vietcombank đã thoái vốn Tổng công ty Hàng không Việt Nam, thu về 418,5 tỷ đồng. Ngày 15-10 tới, NH này sẽ đấu giá 53,4 triệu cổ phiếu MBB. Giá khởi điểm được đưa ra 19.641 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền Vietcombank có thể thu về khoảng 1.050 tỷ đồng. 
Theo TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, việc thực hiện cơ cấu lại các NHTM có vốn nhà nước đang gặp khó khăn về nguồn vốn, do chưa tương xứng với tốc độ phát triển và quy mô hoạt động. Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM có vốn nhà nước khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II. Trong khi đó, nguồn lực nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các NHTM này lại rất hạn chế. 

Các tin khác