Kênh vay vốn trung dài hạn

(ĐTTCO) - Gần đây, kênh vay vốn bằng USD tại các tổ chức tài chính quốc tế đã được một số TCTD tại Việt Nam tiếp cận. Theo đó, các khoản vay vốn với lãi suất cạnh tranh và kỳ hạn dài từ các tổ chức quốc tế là giải pháp tối ưu để bổ sung tiềm lực tài chính, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) trong nước.
 
Nhiều NH vay vốn quốc tế
Mới đây, FE Credit cho biết sẽ tiếp nhận khoản vay vốn trị giá 100 triệu USD từ Deutsche Bank. Khoản vay này sẽ tiếp tục góp phần gia tăng tiềm lực tài chính cho FE Credit, nhằm hỗ trợ DN và củng cố vị thế dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Trước đó, cuối tháng 12-2016, FE Credit cũng đã vay hợp vốn có thời hạn trị giá 100 triệu USD với Credit Suisse. Đầu tháng 11 này, VIB nhận được công văn của NHNN xác nhận việc NH đã đăng ký khoản vay nước ngoài tại NHNN. Bên cho vay là International Finance Corporation (IFC), hợp đồng vay ký ngày 20-10-2017 với kim ngạch vay 185 triệu USD nhằm bổ sung nguồn vốn tín dụng để đảm bảo cân đối nguồn vốn theo phương án kinh doanh sử dụng vốn vay nước ngoài. 

Hồi tháng 7, IFC cũng đã cấp cho VPBank khoản vay chuyển đổi trị giá 57 triệu USD, với thời hạn 2 năm kèm theo điều khoản có thể được gia hạn thêm 2 năm nữa. Trước đó, trong năm 2016 và đầu năm 2017, VPBank cũng đã được IFC và các bên đồng tài trợ cho vay 158 triệu USD, với thời hạn 5 năm và khoản tài trợ thương mại trị giá 50 triệu USD để mở rộng vốn vay cho DNNVV và siêu nhỏ.
Tháng 4 vừa qua, VietinBank Lào cùng LienVietPostbank và OCB ký kết hợp đồng vay vốn tổng trị giá 115 triệu USD với 8 NH Đài Loan. Theo đó, VietinBank là NH bảo lãnh thanh toán và Cathay United Bank làm đầu mối thu xếp khoản vay này.
Kênh vay vốn trung dài hạn ảnh 1 Lễ ký kết giữa VPBank và IFC trong việc tài trợ vốn bằng ngoại tệ. 
Nhiều cơ hội mở ra
Sở dĩ các TCTD tìm đến kênh vốn ngoại vì việc huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế sẽ hỗ trợ giải quyết được rất nhiều vấn đề trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Trung tâm Huy động vốn FE Credit, trên tổng thể khi vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank, mức lãi suất cũng tương tự những khoản đã vay bằng VNĐ trong nước.
Nhưng điều quan trọng những khoản vay ở nước ngoài có khả năng vay nợ thời hạn dài hơn, giúp tăng cường khả năng thanh khoản cũng như an toàn vốn. Hoạt động cho vay của FE Credit khá dài trong khi huy động vốn trong nước bằng VNĐ từ 1 năm trở lên khó hơn. Hơn nữa, khi làm việc với Deutsche Bank và các tổ chức lớn sẽ có sự hợp tác lâu dài, tức FE Credit sẽ có nguồn tài chính phía sau mạnh và ổn định hơn trong tương lai. 
Khi ký kết hợp đồng vay vốn với 8 NH của Đài Loan, ông Trần Minh Bình, Phó Tổng giám đốc VietinBank, nhận định hợp đồng này không chỉ tạo thêm nguồn lực tài chính để NH tham gia cung ứng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế đất nước và nhu cầu tài chính của khách hàng, mà còn mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa các NHTM của Việt Nam với các NH hàng đầu của Đài Loan.
Tương tự, khoản vay từ IFC đã mang lại cho VPBank nhiều cơ hội đáng kể. Lãnh đạo VPBank cho biết, năm 2016 VPBank đã được IFC cho vay 50 triệu USD với thời hạn 5 năm để tài trợ các dự án của DNNVV do phụ nữ làm chủ. Khoản vay này đã được sử dụng hiệu quả và góp phần củng cố hệ số an toàn vốn tối thiểu của VPBank. Tuy nhiên, hạn chế của khoản vay này là giới hạn đối tượng cho vay chỉ ở các DNNVV do phụ nữ làm chủ.
Do đó, năm 2017 IFC đã chào VPBank một khoản vay thương mại trung hạn mới để mở rộng đối tượng cho vay, kèm quyền chuyển khoản nợ thành cổ phần phổ thông của VPBank. Nếu thực hiện khoản vay này, VPBank không chỉ có thêm nguồn vốn trung hạn để cho vay bằng ngoại tệ, mà còn có cơ hội bổ sung nguồn vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu về vốn, củng cố hệ số an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong trường hợp IFC thực hiện quyền chuyển đổi nợ thành cổ phần.

Phòng rủi ro bằng USD kỳ hạn
Phó tổng giám đốc một NHTMCP tại TPHCM chia sẻ, NHNN định hướng siết lại hoạt động cho vay ngoại tệ, chuyển từ quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Nhưng muốn như vậy cần có các điều kiện như nền kinh tế ổn định, tỷ giá ổn định và làm chủ được vấn đề ngoại tệ. Theo đó, các DN phải cân đối ngoại tệ hoặc cần được hỗ trợ ưu tiên cho vay bằng ngoại tệ.
Tuy nhiên, trong việc huy động ngoại tệ cho các DN vay NH cũng gặp một số khó khăn. Trước đây, khi gửi USD có lãi suất, người dân chỉ chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn và khi NHNN quy định lãi suất tiền gửi USD bằng 0%, khách hàng chuyển các khoản tiền gửi USD vào tiết kiệm không kỳ hạn. Vì thế, NH chủ yếu cho DN vay ngoại tệ ngắn hạn vì lo ngại trường hợp khách hàng đột ngột rút ra hàng loạt. 
Trước thực trạng trên, nhiều NHTMCP trong nước muốn tìm kiếm đến kênh vay USD từ nước ngoài để bổ sung ngoại tệ cho DN vay trung và dài hạn. Ngoài ra, nguồn vốn ngoại tệ này nếu được chuyển đổi thành VNĐ để cho vay trung và dài hạn với lãi suất 9-10%/năm cũng mang lại khoảng chênh lệch lợi nhuận tốt. Trước đây, một số ý kiến lo ngại vay nước ngoài sẽ gây rủi ro hệ thống nếu USD biến động mạnh, nhưng với biên độ biến động tỷ giá hẹp như hiện nay, mối lo này đã giảm.
Hơn nữa, NHNN cũng đã áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, đưa thêm sản phẩm công cụ phái sinh trong việc bán ngoại tệ kỳ hạn cho các NHTM. Vì thế, khi vay ngoại tệ nước ngoài các NH cũng đang phòng ngừa thông qua giải pháp này để kênh vay ngoại tệ vừa bổ sung tiềm lực tài chính, vừa bảo đảm an toàn cho NH.

Các tin khác