Huy động vốn cộng đồng

(ĐTTCO) - Không hoặc chưa tiếp cận được vốn từ NH, các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ở Singapore có thể gọi được vốn từ cộng đồng thông qua nền tảng trực tuyến (cho vay ngang hàng – P2P). Tuy nhiên, ở nước ta hình thức này vẫn còn nhiều rủi ro do thiếu hành lang pháp lý.
SMEs - đối tượng chịu thiệt thòi
Tại hội thảo kinh nghiệm quốc tế về cho vay ngang hàng tổ chức tại Hà Nội tháng 9 vừa qua, các quốc gia trong khối ASEAN đang gặp những thách thức tiếp cận tài chính. Hơn 50% dân số trưởng thành ở các nước Đông Nam Á vẫn chưa tiếp cận với dịch vụ tài chính; hơn 40% SMEs trong khối ASEAN hoặc không được phục vụ dịch vụ tài chính, hoặc hạn chế tài chính chính thức; hơn 70% giao dịch tài trợ thương mại bị từ chối trong khu vực là từ SMEs.
Tình trạng này đã mở ra cơ hội về thương mại và tạo ảnh hưởng cho khu vực tài chính phi chính thức, qua con số 52% dự đoán tăng trưởng lũy kế của cho vay P2P tại ASEAN đến năm 2022; tín dụng phi chính thức ước tính lên tới 80 tỷ USD, và các nhu cầu thanh toán điện tử của SMEs trong khu vực trị giá 180 tỷ USD. Đây là những con số mơ ước mà các tổ chức tài chính truyền thống bỏ qua.
Huy động vốn cộng đồng ảnh 1 Khó huy động vốn cộng đồng nên doanh nghiệp chỉ biết dựa vào vốn NH. 
Ngay ở Trung Quốc, SMEs cũng là đối tượng chịu thiệt thòi. Nghiên cứu của Ernst & Young và DBS Bank của Singapore, cho thấy chỉ 20-25% các khoản vay NH được cấp cho SMEs Trung Quốc, mặc dù đối tượng này chiếm 60% GDP, 50% doanh thu cho ngân sách nhà nước và sử dụng 80% lao động thành thị Trung Quốc.
Vì vậy, tăng vốn đầu tư các doanh nghiệp khởi nghiệp và SMEs khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, ASEAN nói riêng đang là vấn đề quan tâm của NH Phát triển châu Á (ADB) và trăn trở của nhiều quốc gia trong khu vực.

Huy động qua nền tảng trực tuyến
Trong khi nhiều quốc gia khá lúng túng để cho vay P2P phát triển tự phát, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) đã đề xuất các biện pháp huy động vốn từ cộng đồng. Theo đó gọi vốn từ các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và SMEs tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn.
Có 2 hình thức huy động vốn là vay vốn và góp vốn cổ phần, được gọi là phát hành chứng khoán (SCF). SCF phải tuân theo quy định về chứng khoán. SCF cũng được gọi là cho vay P2P cho các doanh nghiệp.
Theo đó, nhiều người cho vay một khoản tiền cho một công ty, đổi lại nhận được cam kết ràng buộc về mặt pháp lý của công ty sẽ hoàn trả khoản vay tại thời điểm và theo lãi suất xác định trước. Việc cho vay thường được thực hiện thông qua nền tảng trực tuyến. Bất kỳ lời mời chào cho vay tiền nào cho một công ty được coi là đề nghị nhận nợ, nghĩa là một loại hình chứng khoán.
 Cho đến nay, ở Singapore hình thức huy động vốn là vay vốn và góp vốn cổ phần đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và SMEs phát triển. SCF đã giúp khối doanh nghiệp này đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng kinh tế của quốc đảo Sư tử, khi chiếm đến 70% GDP.
Theo đánh giá của MAS, SCF tạo ra sân chơi hiệu quả để gọi vốn đầu tư cá nhân cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và SMEs. Sự ghi nhận của thị trường thông qua các chiến dịch gọi vốn cộng đồng thành công, có thể tạo ra nhiều hơn cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. SCF cũng có thể mang lại lợi ích cho NĐT tầm trung, thông qua việc tạo ra cho họ cơ hội đầu tư vào cổ phần riêng lẻ. Cơ hội như vậy trước đây chỉ dành cho các NĐT tổ chức hoặc NĐT siêu giá trị cao.
Tuy nhiên, việc đầu tư theo SCF đi kèm các rủi ro. Thứ nhất là mất vốn. Bởi doanh nghiệp khởi nghiệp và các SMEs có thể không có lịch sử hoạt động. Trên toàn cầu, tỷ lệ thất bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở mức cao.
Thứ hai, thiếu thanh khoản. Theo đó, các NĐT đối mặt với rủi ro không thể bán các chứng khoán mình sở hữu hoặc phải bán với giá rẻ.
Thứ ba là rủi ro tội phạm. Do việc huy động vốn được thực hiện thông qua nền tảng công nghệ trực tuyến, các NĐT có thể không có được sự liên hệ cá nhân đối với đối tác chào bán chứng khoán. Bên cạnh đó rủi ro dự án có thể không phải là dự án có tính khả thi.
Thứ tư, thiếu thông tin về chủ thể phát hành để có thể quyết định đầu tư một cách đầy đủ. Thứ năm, nền tảng giao dịch đóng cửa khiến các NĐT có thể không thu hồi được tiền.
Dù vậy, MAS vẫn đánh giá SCF là sự bổ sung hữu hiệu vào bức tranh toàn cảnh tài chính đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và SMEs - những công ty có thể chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính truyền thống. Hiện Singapore một mặt vẫn khuyến khích sự thử nghiệm của SCF, mặt khác tiếp tục tăng cường sự giám sát trên các mặt, như kiểm tra thẩm định đối với nhà phát hành; quản lý việc phá sản của nhà phát hành; quản lý đối với việc chấm dứt hoạt động của nền tảng trực tuyến; công bố các mức lãi suất và tỷ lệ phá sản… cùng nhiều biện pháp khác nhằm nâng cao tính minh bạch cho NĐT.
Ngay từ tháng 11-2016, MAS đã ban hành Cẩm nang hướng dẫn khuôn khổ pháp lý thử nghiệm. Hoạt động cho vay P2P được MAS quy định trong Luật Chứng khoán và Hợp đồng phái sinh, Luật Tư vấn tài chính.

Các tin khác