Hướng tới xã hội không tiền mặt

(ĐTTCO)- Sáng nay 11-6, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam" tại TPHCM. 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam".
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam".
Nhiều rào cản TTKDTM
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, phần chi trả và phần thu của đối tượng không thanh toán bảo hiểm y tế chiếm tỷ lệ khoảng 30% trong tổng thu dịch vụ sự nghiệp công của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Năm 2018, số thu bảo hiểm y tế 16.426/23.670 tỷ đồng và phần lớn các đơn vị đang thu bằng tiền mặt. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế thực hiện Đề án nhờ NH thu hộ tiền mặt hoặc chủ động chuyển tiền gửi Kho bạc Nhà nước. 
Song có rất ít đơn vị thực hiện Đề án thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng thẻ, trừ những bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, tại các đơn vị đó, tỷ lệ người dân thanh toán bằng thẻ so với nộp tiền mặt không nhiều. Nhiều người còn chưa biết sử dụng máy ATM để đổi mã PIN hoặc đi rút tiền. Do đó, có một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã không thể duy trì thanh toán viện phí bằng thẻ sau một thời gian áp dụng vì quá ít người thanh toán bằng thẻ.
Ông Nguyễn Anh Đức, Quyền Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, tỷ lệ khách hàng có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) hiện chỉ 5%. Nhiều khách hàng đánh giá TTKDTM chưa tiện lợi, chủ yếu chỉ biết hình thức quẹt thẻ trong khi có nhiều hình thức khác như quét mã QR, ví điện tử đều đã được triển khai tại Saigon Co.op. Chính vì vậy, nhiều hoá đơn có giá trị nhỏ hiện nay vẫn được trả bằng tiền mặt. 
Tháo gỡ từ vi mô đến vĩ mô
 Rõ ràng không tiền mặt lợi nhiều đằng, không tiền mặt mà có nhiều thứ. Doanh nghiệp, công sở, đơn vị công giảm phí vận chuyển, kho bãi, sắm xe chuyên dùng, hiệu quả hoạt động NH tăng lên.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank, 15 năm trước, Sacombank đã chú ý thu dịch vụ công, tập trung thu tài quầy. NH đầu tư các sản phẩm, dịch vụ khi là NH đầu tiên đưa ra thẻ không tiếp xúc, QR Code… Ước tính lượng ủy thác thanh toán dịch vụ công, điện nước chiếm tỷ lệ đến 75%, trong đó 80% ủy thác qua hình thức trực tuyến. 
Song điểm nghẽn trong TTKDTM dịch vụ công vẫn còn, xuất phát nhu cầu tâm lý của người dân luôn muốn thanh toán phải nhanh, kịp thời. Vì vậy, cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế để cho phép Kho bạc nhà nước mở tài khoản thu tại các NHTM để việc thanh toán nhanh và tránh những sai sót. Ngoài ra, NHNN nên sớm cho phép triển khai định danh khách hàng để mở rộng kênh giao dịch trực tuyến từ thành thị đến nông thôn, thúc đẩy TTKDTM phát triển.
Cũng liên quan đến giải pháp, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Công ty truyền thông VNPT Media cho rằng, muốn thay đổi trải nghiệm của khách hàng phải thay đổi từ bên trong. Theo đó, tất cả hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống tính cước… cần phải số hóa. Đồng thời, doanh nghiệp phải phối hợp với các NH để đưa ra các chương trình thay đổi trải nghiệm của khách hàng, nên có các chính sách như khuyến mại để khuyến khích khách hàng có thêm động lực sử dụng dịch vụ TTKDTM khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ công. 
Còn đại diện Saigon Co.op cho rằng cần tháo gỡ cả tổng thể vi mô và vĩ mô, cần chấp nhận một tỷ lệ rủi ro trong TTKDTM nếu không sẽ mất cơ hội. Ngoài ra các vấn đề khác như chính sách phí thanh toán, chuẩn chung kết nối kỹ thuật giữa các ví điện tử cũng cần tháo gỡ, vì hiện nay có quá nhiều đầu mối, cần quy hoạch lại hệ thống thanh toán cần tập trung, đồng bộ.
Tại hội thảo, đại diện NAPAS cho biết dự kiến sẽ triển khai hệ thống thanh toán và bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ - ACH để có thể hỗ trợ triển khai dịch vụ công bằng nhiều hình thức thanh toán mới mẻ, hiện đại và tiện lợi hơn với mức chi phí thấp hơn. NAPAS đã thực hiện giảm đến 100% phí dịch vụ chuyển mạch tùy theo loại giao dịch đối với các tổ chức thành viên là các NH sở hữu mạng lưới chấp nhận thanh toán từ 1-3-2019, sớm hơn 2 năm so với lộ trình đặt ra ban đầu. 
Trong năm 2019, NAPAS tiếp tục thực hiện giảm phí chuyển mạch (lên đến 80% tùy theo từng loại giao dịch) cho các NH thành viên chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Đây là động thái hỗ trợ và đồng hành cùng 48 NH thành viên giảm các chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, kích thích tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện để các NH thành viên xây dựng chính sách phí dịch vụ hợp lý dành cho khách hàng.
Hướng tới xã hội không tiền mặt ảnh 1 Quang cảnh hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam".
Cần sự phối hợp của các Bộ ngành 
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên NH đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỷ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỷ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017. Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017. Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên  61%. 
Để tiếp tục đẩy mạnh TTKDTM, NHNN định hướng sẽ xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động NH nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào NH số, thanh toán số. Đồng thời, xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực, vận hành liên tục 24x7, đặc biệt có khả năng kết nối, tích hợp và xử lý thanh toán cho tất cả các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ…
Phát biểu chỉ đạo và kết luận tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận định, lợi ích của TTKDTM đã quá rõ, giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Hiện giờ nếu người dân phải đi xa, xếp hàng chờ nộp học phí cho con rõ ràng là quá bất tiện. Thêm vào đó, TTKDTM còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế. 
Do vậy, trong những năm gần đây, Chính phủ đã hết sức quan tâm chỉ đạo thúc đẩy TTKDTM, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3, 4. Tại Việt Nam hiện nay, thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp; xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy TTKDTM đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới. Vì hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi nhanh chóng từ giao dịch gặp mặt trực tiếp sang tương tác chủ yếu qua các kênh số trên thiết bị di động vào tất cả các dịch vụ trong xã hội, từ tin tức, âm nhạc, phim ảnh cho đến giao hàng, gọi xe, lưu trú và cả trong dịch vụ NH tài chính và thanh toán...
Để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 02, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần phải làm nhiều việc. Cụ thể, NHNN phải phối hợp với Bộ Thông tin -Truyền thông và các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát sinh, làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai các quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ. 
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua NH đối với việc thu phí các dịch vụ công. Ngành NH phải đẩy mạnh cung ứng hạ tầng, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại cho phép tích hợp và xử lý thanh toán cho các dịch vụ trong nền kinh tế, phối hợp với Bộ Thông tin-Truyền thông báo cáo Chính phủ về phương án sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile - Money). 
Các Bộ, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ cũng phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép quản lý theo hướng tập trung và có khả năng kết nối, tích hợp với hạ tầng thanh toán của ngành NH. Ngoài ra, cần khẩn trương hoàn tất xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về tài chính của người tiêu dùng trong lĩnh vực NH tài chính…

Các tin khác