Hiệu quả dòng tiền, kích thích tăng trưởng

(ĐTTCO) - Trong 5 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng mạnh vẫn chưa thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế. 
Do đó, các chuyên gia cho rằng nếu muốn tăng tín dụng để tăng trưởng GDP đồng thời kìm chế lạm phát, trong thời gian tới ngành NH phải đưa vốn vào những lĩnh vực tạo ra sản phẩm cho xã hội, hạn chế vốn vào lĩnh vực rủi ro gây ra lạm phát, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nền kinh tế.
Nguồn vốn dồi dào sẵn sàng

 NHNN phải hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tạo ra tăng trưởng GDP, đồng thời hạn chế tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro để tránh tình trạng nợ xấu tăng trở lại. Ngành NH cũng cần chú trọng hỗ trợ các DNNVV, vì khu vực DN này giải quyết được việc làm, nhờ đó giải quyết được bài toán an sinh xã hội, giảm gánh nặng ngân sách, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các cấp các ngành phải đặt quyết tâm chính trị thực hiện Chỉ thị 24 của Chính phủ ban hành ngày 2-6, để đạt bằng được mục tiêu tăng trưởng 6,7%.
Trong đó, nhiệm vụ của NHNN là xây dựng phương án cụ thể phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với diễn biến lạm phát; xử lý nợ xấu để thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18%; theo dõi sát diễn biến của tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao để có những đánh giá, giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Giải trình về vấn đề này, NHNN cho biết năm nay tín dụng tăng trưởng tốt từ đầu năm, không có tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào những tháng cuối năm như những năm trước. Đến ngày 25-5, tín dụng tăng trưởng 6,53%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 8 năm qua.
Ghi nhận của ĐTTC tại các NHTM, trong quý I-2017 nhiều NH đã có mức tăng trưởng tín dụng khá cao như Lienvietpostbank tăng 11%, Kienlongbank tăng 10,3%, SCB tăng 9%, ACB tăng 8,3%, Vietcombank tăng 8,3%. Năm 2016, NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NH là 18%, nhưng năm 2017 hạn mức tín dụng này chỉ còn khoảng 15-16%. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm nay, nhiều dự báo cho rằng tín dụng năm nay có thể tăng vượt mục tiêu NHNN đề ra. 

Gần đây, một số NHTM cũng đã đề xuất NHNN nới hạn mức tín dụng để tránh xảy ra tình trạng dồn nén hợp đồng vay vốn vào cuối năm, cũng như việc NH hết hạn mức không thể cho vay được, gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN. Đến nay, NHNN cho biết sẽ xem xét đề xuất này.
Do đó, trước yêu cầu phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18% và không đề dồn tín dụng vào cuối năm, dự báo sắp tới các NH sẽ phải đẩy mạnh vốn ra thị trường, do đó không loại trừ khả năng NHNN sẽ đáp ứng yêu cầu nới hạn mức tín dụng cho các NHTM.
Hiệu quả dòng tiền, kích thích tăng trưởng ảnh 1 Ảnh: LONG THANH 
Quan trọng chất lượng tín dụng
NHNN cho biết đã chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện trong tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; ban hành Thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng vay trong tiếp cận vốn tín dụng. NHNN cũng đã thực hiện một số giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các TCTD có khả năng xem xét và cam kết mở rộng tín dụng đối với DNNVV.
Trong quý I, chương trình kết nối NH-DN cũng đã cam kết cho vay mới đạt 290.000 tỷ đồng, doanh số giải ngân đạt hơn 190.000 tỷ đồng cho hơn 20.000 DN. Mới đây, NHNN cũng đã công bố quyết định về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo yêu cầu của Chính phủ để triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm, dù tín dụng tăng cao và 88% tín dụng vào sản xuất kinh doanh nhưng tăng trưởng GDP lại thấp, như vậy dòng tiền vẫn chưa có hiệu quả đối với nền kinh tế. Thế nhưng, theo báo cáo của Nikkei, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã đạt con số tăng trưởng ấn tượng 54,1 điểm trong tháng 4-2017, số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh là yếu tố chính góp phần cải thiện các điều kiện hoạt động.
Nhưng sang tháng 5, đà tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã chậm lại với mức 51,6 điểm, do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn. Dù vậy, chỉ số PMI tháng 5 vẫn ở mức trên 50 điểm, đồng nghĩa với việc DN vẫn lạc quan đối với việc đầu tư và mở rộng sản xuất. 

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng ước đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%. Như vậy người dân vẫn đang tăng tiêu dùng. Các NH cũng đã nắm bắt xu hướng này, tăng trưởng tín dụng trong mảng cho vay tiêu dùng quý I tại nhiều NH khá mạnh.
Do đó, tăng trưởng GDP thấp trong các tháng đầu năm không phải do tiêu dùng và đầu tư, nguyên nhân chính do nền kinh tế vẫn chưa được tái cơ cấu, còn quá nhiều rào cản vẫn chưa được giải quyết, như nợ xấu chưa xử lý được nên tăng tín dụng không kích thích được nền kinh tế; tốc độ thoái vốn và cổ phần hóa DNNN chậm nên chưa có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, làm cho thị trường minh bạch và cạnh tranh tốt hơn; có thể một phần nguồn vốn cho vay ra không phục vụ việc tạo ra sản phẩm mới cho nền kinh tế nên không tạo ra GDP. 

Các tin khác