Hệ lụy dịch vụ đòi nợ thuê

(ĐTTCO) - Nhu cầu vay nợ ngày càng gia tăng, và trong quá trình bên cho vay cũng thường gặp bất trắc không thu hồi được nợ phải tìm đến dịch vụ đòi nợ thuê. Theo đó, các dịch vụ đòi nợ thuê đã nở rộ, nhất là ở các thành phố lớn, dẫn đến mất an ninh vì đòi nợ kiểu “xã hội đen” kèm theo nhiều rủi ro. Hiện Bộ Tài chính muốn quản lý và góp ý chấm dứt hẳn dịch vụ này.
Rầm rộ quảng cáo, phí dịch vụ “khủng”
Hiện nay, người đi đường rất dễ bắt gặp hình ảnh những chiếc ô tô dán quảng cáo dịch vụ thu hồi nợ với đầy đủ tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, email, website… Đây là một trong những cách quảng cáo dịch vụ thu hồi nợ phổ biến tại TPHCM. Một kênh quảng bá thông tin nữa của dịch vụ này là dán trên vách tường, cột điện và chạy thông tin trên các trang mạng. 
 TPHCM mới đây cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính cấm dịch vụ đòi nợ thuê, khi có tranh chấp các bên tham gia phải thỏa thuận hoặc khởi kiện cho tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, để tránh những biến tướng đòi nợ thuê gây hậu quả xấu. 
Tháng 5-2017, một trang mạng đã tổng hợp nhóm 10 công ty thu hồi nợ, đòi nợ thuê uy tín nhất ở TPHCM, bao gồm các tên tuổi như Đại Thiên, Hoàng Phong, Hưng Thịnh, An Khang, Song Bảo, Thành Danh, Long Hải, Song Long, Phát Đạt và Công ty TNHH MTV Sài Gòn. Đây chỉ là các tên tuổi nổi bật, còn theo thống kê tính tới cuối năm 2017, TPHCM có tổng cộng 65 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê với tổng vốn điều lệ là 374 tỷ đồng.
Chỉ cần gõ từ khóa “đòi nợ thuê” trên Google, khoảng 4,5 triệu kết quả được hiển thị với hàng loạt công ty thu hồi nợ kèm theo các cam kết về uy tín chất lượng. Dịch vụ này cũng xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội Facebook, từ các fanpage của các công ty đã đăng ký dịch vụ thu hồi nợ, đến những trang cá nhân giới thiệu hỗ trợ đòi nợ, tư vấn đòi nợ nhanh chóng.
Do tính chất dịch vụ “đặc biệt”, nên mức phí các công ty thu hồi nợ đưa ra cũng rất khủng. Với slogan “Nợ là phải trả”, CTCP Dịch vụ đòi nợ Hoàng Phong giới thiệu, đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản, chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm đảm nhận thu hồi các khoản nợ hợp pháp, đã quá hạn thanh toán. Nhưng để được phục vụ, khách hàng phải trả phí dịch vụ đòi nợ từ 15-48%/số tiền sẽ thu nợ, kèm theo khoản công tác phí từ 1 triệu đến hơn 24 triệu đồng tùy theo khu vực và số tiền thu nợ. 
Cụ thể, số tiền sẽ thu nợ dưới 30 triệu đồng áp dụng mức phí dịch vụ 48%/tổng số tiền, miễn công tác phí; số tiền thu nợ từ 30-50 triệu đồng trả phí dịch vụ 43% và thu công tác phí khi đòi nợ tại TPHCM là 1 triệu đồng, tại các tỉnh còn lại ở Đông Nam bộ là 4-5 triệu đồng, các tỉnh Tây Nam bộ là 5 triệu đồng; từ 50-100 triệu đồng áp dụng phí dịch vụ 38%, công tác phí tại 3 khu vực kể trên lần lượt là 1,5 triệu đồng, 5-6 triệu đồng và 6-7 triệu đồng. Phí công tác đòi nợ tại Tây nguyên và Nam Trung bộ từ 8-10 triệu đồng. Với số tiền đòi nợ trên 5 tỷ đồng, phí dịch vụ là 15%, công tác phí từ 10 triệu đồng đến trên 24 triệu đồng tùy khu vực.
Công ty đòi nợ Hưng Thịnh thu phí dịch vụ đòi nợ thấp hơn 2-3%, nhưng phí công tác cao hơn, từ 5-80 triệu đồng tùy theo khu vực và số tiền đòi nợ.
Hệ lụy dịch vụ đòi nợ thuê ảnh 1 Nhân viên một công ty đòi nợ thuê ra quân. 
Cung-cầu đều có
Mặc dù phí đòi nợ thuê cao, nhưng thực tế vẫn có nhiều người tìm đến dịch vụ này vì tình cảnh bất khả kháng. Ông Thanh Tú (TPHCM) cho biết, năm ngoái lúc sốt đất, ông góp vốn 2 tỷ đồng cùng 1 người bạn mua một lô đất tại Đồng Nai.
Tuy nhiên, sau khi người bạn bán được mảnh đất với số tiền lãi lớn đã “trở mặt”, không chịu trả cả vốn lẫn lãi. Qua 6 tháng dùng nhiều cách nhưng không đòi được tiền và 2 bên chỉ thỏa thuận bằng giấy viết tay khó phân xử, nên ông buộc phải tìm đến công ty đòi nợ thuê để nhờ cậy giúp đỡ. Chưa đầy 1 tháng, ông đã thu hồi được tiền, dù mất phí cao tuy nhiên ông vẫn hài lòng thay vì mất trắng số tiền.
Một chuyên gia kinh tế cho biết, hiện nhiều NH, công ty tài chính (CTTC) cũng đang sử dụng dịch vụ thu hồi nợ thuê này. Bởi khi các TCTD cho vay đã xét duyệt hồ sơ nhưng vẫn có rủi ro ở khâu đòi nợ, do đó các NH luôn có lực lượng đòi nợ chuyên trách để xử lý những khoản nợ khó đòi. Song lực lượng này vẫn làm không xuể, nên họ phải thuê dịch vụ bên ngoài, nhất là những NH tập trung cho vay tiêu dùng và các CTTC có nhiều giao dịch nhỏ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Vì nếu mỗi lần không đòi được nợ lại kiện ra tòa, các CTTC sẽ có đến hàng trăm hàng ngàn hồ sơ, tốn kém nhân lực để theo đuổi vụ kiện. Hơn nữa, việc kiện tụng tại Việt Nam nếu nhanh cũng mất hơn 1 tháng, có vụ lên đến 2-3 năm, nên dùng phương án này để xử lý một khoản vay vài triệu hay vài chục triệu không có lợi bằng thuê dịch vụ thu hồi nợ thuê. Đó là lý do thu hồi nợ thuê phát triển nhanh trong thời gian qua.
Song ở góc độ trật tự xã hội, thu hồi nợ thuê lại là một vấn nạn nhức nhối. Hiện đang có rất nhiều khách hàng vay nợ từ các CTTC nhưng mất khả năng trả nợ và liên tục nhận được các cuộc gọi, nhắn tin đòi nợ với nội dung đe dọa đến cá nhân đó lẫn người thân. 

Quy định chung chung
Dịch vụ đòi nợ đang được quản lý bởi Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó, DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn pháp định ít nhất là 2 tỷ đồng, nhân sự công ty không có tiền án, chỉ được thực hiện đối với những khoản nợ có đủ căn cứ, khoản nợ hợp pháp và quá hạn thanh toán. Nghị định nghiêm cấm chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền cho DN đòi nợ thuê hoạt động vượt quá thẩm quyền được pháp luật công nhận, thực hiện những hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực… 
Nhưng với nhiều rủi ro xảy ra, mới đây Bộ Tài chính tiếp tục công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104, quy định thêm trang phục đối với nhân viên đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ, như phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu...
Đồng thời, dự thảo có quy định Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; xử lý vi phạm hành chính; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ; địa phương, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn…
Theo các chuyên gia, vấn đề quản lý dịch vụ thu hồi nợ thuê tại Việt Nam có một điểm thiếu sót lớn, đó là đã có quy định nhưng lại chung chung, không cụ thể, rõ ràng. Một số nước hiện quy định rất cụ thể, như dịch vụ đòi nợ không được gọi điện trong khoảng thời gian nào trong ngày, có được đến nơi công cộng đòi nợ hay phải gửi thư, có được xúc phạm đến danh dự nhân phẩm sức khỏe người nợ không và chi tiết như thế nào, vi phạm xử phạt thế nào. 
LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Luật Basico nhận định, hiện nhiều DN hiện có giấy phép hẳn hoi, nhưng đòi nợ vẫn thiếu chuyên nghiệp, gọi điện đến 50-70 cuộc/ngày, gọi ban đêm, gọi sáng sớm, gọi ngày nghỉ, theo người nợ đi khắp nơi, gây khủng hoảng tinh thần cho người nợ. Do đó, muốn quản lý những lĩnh vực nhạy cảm như thu hồi nợ thuê, vấn đề quan trọng là phải dưới sự quản lý của cơ quan chức năng như công an, chính quyền địa phương, để xử lý kịp thời những sai trái và có quy định chi tiết về những vấn đề liên quan đến dịch vụ này, tránh chung chung như trước nay. Còn việc đặt ra các rào cản về bằng cấp, vốn, trang phục, họ vẫn lách được nên không giải quyết được bản chất vấn đề. 

Các tin khác