Hạn chế găm giữ, đầu cơ ngoại tệ

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN xem xét giảm trạng thái ngoại tệ của các NH. Điều này tất yếu sẽ tác động tích cực đến thị trường ngoại hối cũng như hạn chế tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN xem xét giảm trạng thái ngoại tệ của các NH. Điều này tất yếu sẽ tác động tích cực đến thị trường ngoại hối cũng như hạn chế tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ.

Hẹp cửa đầu cơ

Khi thị trường ngoại hối lên cơn sốt, giá USD liên tục leo thang trên thị trường tự do, chênh lệch giữa giá niêm yết chính thức với thị trường tự do có khi lên tới 10%. Trong đó, một số NHTM đầu cơ, góp phần tạo căng thẳng cho thị trường. Theo đó các NH này đã gom mua USD, kỳ vọng NHNN điều chỉnh tỷ giá để hưởng lợi.

Việc giảm trạng thái ngoại tệ của NHTM sẽ hạn chế tình trạng găm giữ, đầu cơ. Ảnh: T. ANH

Việc giảm trạng thái ngoại tệ của NHTM
sẽ hạn chế tình trạng găm giữ, đầu cơ. Ảnh: T. ANH

Lúc này đã có nhiều ý kiến đề nghị NHNN hạ giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ của các NHTM xuống để hạn chế việc đầu cơ gây bất ổn thị trường. NHTM nào có trạng thái dương lớn sẽ buộc bán ra để tạo cung cho thị trường, góp phần hạ nhiệt tỷ giá. Thực tế giới hạn trạng thái ngoại tệ ±30% đã tồn tại cả chục năm nay.

Trước đây, vốn tự có của nhiều NHTM chỉ từ 100-300 tỷ đồng, với trạng thái ngoại tệ dương tối đa 30%, NH được giữ 30-90 tỷ đồng. Nhưng nay, vốn tự có của nhiều NHTM tăng lên 3.000-14.000 tỷ đồng, riêng các NH quốc doanh lớn 17.000-19.000 tỷ đồng, nên lượng ngoại tệ được tích trữ rất lớn.

Thí dụ, NH có vốn 1.000 tỷ đồng có thể nắm giữ 15-20 triệu USD, còn NH có 10.000 tỷ đồng có thể giữ đến 300-400 triệu USD. Vì vậy, việc giảm trạng thái ngoại tệ của các NHTM sẽ hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ khi thị trường ngoại hối có biến động.

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần cho rằng nếu trạng thái ngoại tệ giảm sẽ phần nào ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của NH, làm giảm tính chủ động của NH trong kinh doanh ngoại hối. Trong khi đó, giám đốc ngoại hối của một NH khác cho rằng trong ngắn hạn việc giảm trạng thái ngoại tệ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến NH, vì tỷ lệ 30% là khá lớn và trong điều kiện thị trường ngoại hối ổn định như hiện nay, các NHTM thường không sử dụng tối đa tỷ lệ này.

Hơn nữa, lãi suất tiền đồng đang cao nên thời điểm này không NHTM nào đầu cơ ngoại tệ vì chi phí rất lớn. NHTM nào giữ trạng thái dương cao lắm chỉ 5-10%, nên nếu có giảm xuống 20% cũng sẽ không gây khó khăn. Tuy nhiên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng kiếm lợi của NH khi thị trường ngoại hối có biến động.

Giảm kinh doanh chênh lệch lãi suất

Có thể thấy cùng với những giải pháp NHNN đưa ra mới đây (tăng tỷ giá và siết biên độ, yêu cầu các tập đoàn và tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ, tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ và áp trần lãi suất huy động USD…), việc điều chỉnh trạng thái ngoại tệ của NHTM sẽ góp phần tạo sự cộng hưởng của chính sách để bình ổn thị trường ngoại hối.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đề nghị với Chính phủ giảm trạng thái ngoại tệ dương tối đa xuống còn 20%. Với tỷ lệ này các NHTM vẫn có thể chủ động trong kinh doanh ngoại hối. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến khác nhau về việc này.

TS. Lê Xuân Nghĩa,
Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia

Bên cạnh hạn chế khả năng đầu cơ, việc thu hẹp là cần thiết để giúp giải phóng lượng ngoại tệ bị đọng ở những NH tích trữ quá lớn, đưa vào lưu thông, góp phần ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, một lãnh đạo NH cổ phần cho biết thời gian gần đây khi giá USD ổn định, các NHTM có xu hướng chuyển tiền gửi ngoại tệ của dân cư hoặc vay ngoại tệ trên thị trường liên NH sang tiền đồng để cho vay với lãi suất cao.

Vay của dân cư hiện tại lãi suất chỉ 3%/năm, các NHTM có thể hưởng chênh lệch lãi suất cho vay tiền đồng ít nhất từ 14-15%/năm. Nghiệp vụ này làm âm trạng thái ngoại tệ của các NHTM. Đến thời điểm cần mua ngoại tệ trả lại nghiệp vụ này nếu diễn ra ồ ạt sẽ gây áp lực lên cầu ngoại tệ gây căng thẳng cho thị trường ngoại hối. Vì vậy, việc giảm trạng thái ngoại hối của các NHTM cũng sẽ giúp hạn chế kinh doanh chênh lệch lãi suất ở các NHTM.

Gần đây, thị trường ngoại hối đã ổn định trở lại, giá USD trong NH và ngoài thị trường tự do đã gần nhau, thậm chí có ngày giá USD thị trường tự do thấp hơn giá NH niêm yết. Ngoài yêu cầu giảm trạng thái ngoại tệ, Chính phủ cũng chỉ đạo NHNN thực hiện các biện pháp nhằm quản lý chặt thị trường ngoại hối, giảm dần tình trạng USD hóa.

Dự kiến trong tháng 6 tới, NHNN ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với cho vay và thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng. Trước mắt, trong tháng 4 này NHNN sẽ ban hành thông tư quy định việc mua bán ngoại tệ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, thay thế quy định hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng thực hiện gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp thành viên là doanh nghiệp nhà nước; ban hành quy định mức ngoại tệ tiền mặt người cư trú được phép mang ra nước ngoài không phải khai báo hải quan tối đa 5.000USD; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Ban Soạn thảo sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối theo hướng quản lý chặt chẽ, nhằm khắc phục căn bản tình trạng USD hóa.

Nhiều chuyên gia dự báo đây sẽ là những giải pháp căn cơ giúp bình ổn thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm.

Các tin khác