Góc khuyết lợi nhuận nhà băng nội

(ĐTTCO) - Cùng môi trường kinh doanh, chịu tác động giống nhau về mặt vĩ mô, tuy nhiên khả năng sinh lời của các NH nước ngoài cao hơn nhiều NH trong nước. 
HSBC Việt Nam là một trong những NH ngoại thành công tại Việt Nam.
HSBC Việt Nam là một trong những NH ngoại thành công tại Việt Nam.

Nguyên nhân do bên cạnh lợi thế dòng vốn rẻ, NH nước ngoài còn thận trọng trong cho vay và nguồn thu bền vững từ dịch vụ.

Ngoại lãi lớn, nội chật vật 

Trong cùng môi trường kinh doanh, NH nước ngoài cũng chịu tác động giống như NH trong nước, nhưng nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có xu hướng tìm NH ở nước họ để vay và gửi tiết kiệm, làm dịch vụ thanh toán. Đó là lợi thế của các NH ngoại. Hiện nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam rất lớn và Việt Nam càng mở cửa, các NH nước ngoài càng sống khỏe. Lúc đó các NH trong nước càng khó khăn do chỉ trông cậy vào tín dụng còn dịch vụ đầu tư rất yếu.

TS. Bùi Quang Tín

Đầu tháng 4-2017, NH TNHH MTV HSBC Việt Nam công bố báo cáo tài chính năm 2016. Theo đó, đến cuối năm 2016 tổng tài sản của HSBC Việt Nam đạt hơn 71.138 tỷ đồng, vốn điều lệ 7.528 tỷ đồng, nhưng tổng lợi nhuận trước thuế NH này đạt đến 1.801 tỷ đồng, tăng 46%, sau thuế đạt 1.441 tỷ đồng.

Thông tin từ ANZ cũng cho biết quy mô tổng tài sản của NH năm 2016 đạt 39.000 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với thời điểm đầu năm. Vốn điều lệ của NH cũng chỉ ở mức 3.000 tỷ đồng, quy mô ngang với NH cỡ nhỏ ở Việt Nam. Tuy nhiên, ANZ Việt Nam đạt lãi sau thuế 452 tỷ đồng, gấp rưỡi năm 2015.

 Có thể thấy, lợi nhuận của các NH này chủ yếu dựa vào dịch vụ. Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong năm của HSBC đạt 2.396 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2015. Còn lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của NH này đạt 628 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh tới 66% lên 754 tỷ đồng. Song song đó, chi phí hoạt động của HSBC giảm so với năm trước còn 1.845 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh 70% xuống còn 61,5 tỷ đồng. Tại ANZ, tính đến cuối năm 2016, cho vay khách hàng đạt 14.100 tỷ đồng, giảm 13,4%. Tiền gửi của khách hàng đạt 32.600 tỷ đồng, giảm 8%. Do tín dụng tăng trưởng âm nên thu nhập lãi thuần của ANZ bị sụt giảm, chỉ còn 1.230 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2015.

Song do cải thiện được kết quả thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư cũng như lợi thế từ hoạt động dịch vụ, lãi sau thuế của ANZ đã tăng 50% so với kết quả 300 tỷ đồng đạt được trong năm 2015.

So sánh các NH trong nước có vốn điều lệ tương đương với 2 NH này, có thể nói các NH nước ngoài đang ăn nên làm ra, khả năng sinh lời rất tốt, còn NH Việt Nam dù liên tục ghi nhận tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ cao nhưng kết quả lợi nhuận vẫn không theo kịp NH ngoại.

Trong năm 2016, nhóm các NH có vốn điều lệ trên dưới 3.000 tỷ đồng ghi nhận lợi nhuận khá thấp, như lãi trước thuế của NCB chỉ 16,5 tỷ đồng và sau thuế 13,2 tỷ đồng. Saigonbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 139,4 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế của KienLongBank trong năm 2016 là 121 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2015.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp lợi nhuận NH suy giảm. Còn trong nhóm NH có vốn điều lệ từ 5.000-7.000 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh dao động từ gần 400 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng.

Ưu thế phát triển dịch vụ

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, các NH nước ngoài tại Việt Nam đạt kết quả kinh doanh khả quan hơn NH trong nước vì 2 lý do. Thứ nhất, các NH ngoại được hỗ trợ vốn từ NH mẹ và những NH liên quan đến họ ở nước ngoài với dòng vốn rẻ hơn, đã đóng góp cho lợi nhuận cao.

Thứ hai, dù quy mô hoạt động của các NH nước ngoài còn nhỏ so với các NH Việt Nam, tổng tài sản của các NH này chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng tài sản hệ thống NHTM, nhưng lại kinh doanh rất cẩn thận, bài bản nên tránh được nợ xấu. Theo đó, dự phòng rủi ro cũng thấp, không ăn mòn lợi nhuận của NH như các NH trong nước, đóng góp vào mức tăng lợi nhuận bên cạnh chi phí vốn rẻ.

HSBC Việt Nam là một trong những NH ngoại thành công tại Việt Nam.

HSBC Việt Nam là một trong những NH ngoại thành công tại Việt Nam.

TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM nhận định, những năm vừa qua cơ cấu lợi nhuận cũng như doanh thu của các NH nước ngoài tại Việt Nam khác hoàn toàn với cơ cấu của NH trong nước. Trên 70% doanh thu đóng góp vào lợi nhuận của các NH trong nước đến từ tín dụng, thậm chí có NH 85-90% từ tín dụng, trong khi tín dụng ở Việt Nam gắn với nợ xấu, trích lập dự phòng nợ xấu dẫn đến lợi nhuận, lợi nhuận làm ra bù lại trích lập nên kết quả còn lại không cao.

Cơ cấu kinh doanh của NH nước ngoài phụ thuộc vào dịch vụ và nguồn thu từ dịch vụ chiếm trên 70%. Khi kiếm tiền bằng dịch vụ, nguồn tiền rất bền vững, doanh thu làm ra chỉ trừ những chi phí liên quan và không phải trích lập dự phòng.

 Vài năm gần đây, hầu như NH nội nào cũng tuyên bố sẽ cải thiện dịch vụ để giảm phụ thuộc vào tín dụng. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính của các NH cho thấy lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng. Hiện nay, các NH đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ song mức độ cải thiện vẫn còn chậm và xu hướng chung của các NH vẫn phải tiếp tục chạy đua huy động và cho vay, thậm chí nhiều NH còn muốn xin phép NHNN tăng hạn mức tín dụng được cấp để thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận. Một số NH cho biết để tăng thu dịch vụ, họ đã đẩy mạnh mảng bán lẻ. Song trong chiến lược bán lẻ cũng chủ yếu đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, chưa có nhiều kế hoạch khai thác dịch vụ phi tài chính khác.

Trong kế hoạch tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020. NHNN yêu cầu các NH tăng nguồn thu dịch vụ lên trên 30%, thời gian thực hiện chậm nhất cuối năm 2020. Đó là hướng đi đúng phù hợp với xu hướng trên thế giới, còn nếu lợi nhuận chỉ trông chờ vào tín dụng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho NH, vì tín dụng tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản và sức khỏe của các doanh nghiệp.

Các tin khác