Gỡ rào cản hút vốn ngoại

(ĐTTCO) - Từ giữa năm 2017, mức độ vốn ngoại rót vào các nhà băng bị hạn chế bởi tỷ lệ sở hữu theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP. Gần đây, Chính phủ cũng nhiều lần đề cập về chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) cho lĩnh vực NH. Song khả năng nới room ngoại cũng chỉ áp dụng cho các NH có vốn nhà nước, NH trong diện tái cơ cấu và NH yếu kém, thay vì nới room đại trà.

Vốn ngoại chuộng NH Việt
Vietcombank mới đây đã hoàn tất chào bán riêng lẻ lô cổ phần đầu tiên cho đối tác chiến lược nước ngoài. Cụ thể, NH đã phát hành riêng lẻ thành công hơn 111 triệu cổ phiếu mới cho Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) và Mizuho Bank (Nhật Bản), trị giá gần 270 triệu USD (tương đương 6.200 tỷ đồng).
Trong đó, GIC mua 94,4 triệu cổ phần, tương đương với việc sở hữu 2,55% cổ phần Vietcombank. Mizuho mua thêm 16,7 triệu cổ phần mới để duy trì mức sở hữu 15% cổ phần Vietcombank. Hiện phần vốn nhà nước vẫn chiếm đến 74,8% cổ phần tại NH này. 
 NH là lĩnh vực nhạy cảm, nhất là những NH đã lên sàn hay NH có quy mô nếu tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài hơn 30%, đến lúc nào đó khối ngoại thoái vốn ồ ạt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của NH và cả hệ thống. Chính vì vậy, nới room khối ngoại tại các NH nội luôn được cân nhắc, tính toán phù hợp.
TS. Trần Du Lịch, 
nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM
Theo kế hoạch trình trong hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hồi tháng 10-2018, Vietcombank dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa gần 360 triệu cổ phần (tương đương 10% vốn điều lệ). Bao gồm bán cho đối tác chiến lược Mizuho Bank gần 54 triệu cổ phiếu để giữ tỷ lệ sở hữu 15% sau phát hành, còn lại sẽ phát hành gần 306 triệu cổ phần cho NĐT khác, tương đương tỷ lệ 7,73%.
Như vậy, dự kiến sắp tới, vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào NH này. Một NHTM có vốn nhà nước khác là BIDV đã thông qua phương án bán vốn cho NĐTNN là KEB Hana Bank (Hàn Quốc). Dự kiến BIDV sẽ phát hành khoảng 603,3 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại. Sau phát hành, KEB Hana Bank nắm giữ 15% vốn, cổ đông nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 95,28% hiện tại xuống 80,99% vốn điều lệ.
Năm 2016-2017, NĐTNN có xu hướng thoái vốn khỏi các NH nội, như HSBC Việt Nam thoái vốn tại Techcombank, BNP Paribas bán 18,7% vốn cổ phần tại OCB, Standard Chartered thoái toàn bộ vốn tại ACB. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 làn sóng này đã đổi chiều, vốn ngoại liên tục rót vào các NHTMCP. Chẳng hạn, HDBank bán cổ phần cho 76 NĐTNN sở hữu 21,5% cổ phần hiện hữu, VPBank huy động thêm 300 triệu USD từ cổ đông ngoại từ phương án chào bán sổ sách.
Gỡ rào cản hút vốn ngoại ảnh 1 Các NĐTNN trao đổi bên lề Hội nghị M&A, trong đó có chủ đề về thu hút vốn ngoại của các nhà băng Việt.
Đầu năm 2018, Công ty quản lý quỹ Warbug Pincus rót 370 triệu USD vào Techcombank. Tại ACB, khi Standard Chartered chuyển nhượng cổ phần, hàng loạt quỹ ngoại tham gia mua lại, như quỹ Whistler Investments Limited và quỹ Sather Gate Investments Limited (thuộc sở hữu của Alp Asia Finance Vietnam Limited) mua lại tổng cộng 102,2 triệu cổ phần ACB, tương ứng tỷ lệ 9,95% vốn cổ phần tại NH. Đồng thời, Chartered là Estes Investments Limited mua 38,5 triệu cổ phiếu, Boardwalk South Limited mua 154.100 cổ phiếu và Estes Investmnets Limited mua 12,7 triệu cổ phiếu.Cửa cho khối ngoại còn hẹp
Diễn biến thị trường cho thấy khối ngoại đang ưa chuộng các NH Việt Nam, song cơ hội để góp vốn của NĐTNN vào lĩnh vực này còn hạn chế. Theo quy định tại Nghị định 01/2014 của Chính phủ, tỷ lệ sở hữu cổ phần của 1 NĐTNN không được vượt quá 20% vốn điều lệ 1 TCTD Việt Nam. Tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả NĐTNN tại 1 TCTD trong nước không được vượt quá 30%.
Hiện có nhiều NH chạm mốc này, như ACB đã có nhiều năm ghi nhận tỷ lệ sở hữu của NĐTNN chạm đỉnh. Tháng 10-2018, sau khi NH này tăng vốn điều lệ từ hơn 11.259 tỷ lên gần 12.886 tỷ đồng, tỷ lệ giới hạn sở hữu của NĐTNN tại ACB giảm không đáng kể, từ mức 30% xuống 29,83%. Theo đó, các giao dịch của khối ngoại là mua bán trong nội khối. Hay tại TPBank tỷ lệ sở hữu của NĐTNN mới đây cũng được điều chỉnh đến mốc giới hạn từ 24,9% lên 30%. 
Trong khi đó, nhiều NH đã khóa room ngoại. Hiện Techcombank cố định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại mức 22,5086% vốn điều lệ, VPBank khóa room NĐTNN ở mức 22,378%, VIB chốt room ngoại ở mức 20,5%. Theo đó, cơ hội của NĐT mới không còn nhiều do tỷ lệ sở hữu hiện tại chỉ đáp ứng nhu cầu đầu tư của đối tác ngoại và nhu cầu tăng vốn trước mắt của NH nội.
Trong điều kiện các NH đang muốn lành mạnh hóa, tỷ lệ sở hữu này chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ quản trị, khung pháp lý và giúp gia tăng sự minh bạch cho NH nội vì NĐTNN chưa đủ tiếng nói. Ngược lại một số NH được phép bán đến 50% hay thậm chí 100% lại nằm trong diện yếu kém hoặc đang tái cơ cấu, khó bán vốn. Tóm lại, quy định về tỷ lệ sở hữu tại NH nội chưa khớp với nhu cầu NĐTNN.

Xem xét lộ trình nới room
Ngày 13-1, trả lời phỏng vấn Bloomberg Television, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ nâng tỷ lệ sở hữu và mở rộng cánh cửa vào thị trường chứng khoán cho NĐTNN trong năm nay.
Cụ thể, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ sở hữu NĐTNN tại các NH sớm nhất trong năm nay, nhằm đẩy nhanh tiến trình cải tổ hệ thống NH, thu hút thêm các khoản đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là thông tin được chú ý vì hiện nay hầu như NH nào cũng trông ngóng được nới room ngoại.
Trước đó, tại diễn đàn M&A năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết Chính phủ sẽ bán và chuyển giao những NH yếu kém và trong tình trạng đặc biệt như CB, GPBank, OceanBank…
Sắp tới Chính phủ không cấp thêm giấy phép cho NH 100% vốn ngoại, nhưng cho phép NH nước ngoài mua NH yếu kém trở thành 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy, đến thời điểm này, cửa nới room sở hữu cho khối ngoại mới chỉ hé ra cho các NHTM có vốn nhà nước và NH yếu kém.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, còn nhiều vấn đề cần lưu ý trong vấn đề nới room ngoại. Đơn cử nếu nới room ngoại lên 49%, NĐTNN sẽ nắm quyền rất lớn (có quyền giữ 4 ghế trong HĐQT), sẽ có những tác động nhất định đối với chiến lược phát triển của NH, nên cần cân nhắc.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, nhà điều hành cần tính toán và đề ra lộ trình nới room cho NĐTNN ở tỷ lệ phù hợp hơn để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, hút vốn của NĐTNN, nâng cao năng lực về vốn, về quản trị điều hành, quản trị rủi ro và các tiêu chuẩn khác theo thông lệ quốc tế.

Các tin khác