Gỡ nút thắt bảo lãnh tín dụng

(ĐTTCO) - Bảo lãnh tín dụng (BLTD) là hình thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn NH hiệu quả ở các nước. 
Gỡ nút thắt bảo lãnh tín dụng

Tuy nhiên tại Việt Nam, nguồn dẫn vốn của quỹ BLTD vẫn chưa thông, không hỗ trợ được nhiều cho DNNVV, do đó việc sốc lại hoạt động của các quỹ BLTD là điều cần thiết.

Thiếu hiệu quả
Để tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, ở Hoa Kỳ các DN nhỏ được cho vay qua chương trình Small Business Administration (SBA). SBA là cơ quan liên bang kết nối NH với DN, đứng ra bảo lãnh để NH cho DN vay vốn. Ngân sách cho SBA do Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn, năm 2017 được duyệt 719 triệu USD.
Trong khi đó, DN nhỏ  là DN có quy mô dưới 500 lao động, doanh thu dưới 7,55 triệu USD/năm, lợi nhuận ròng dưới 5 triệu USD/năm, tài sản ròng dưới 15 triệu USD.
 Bản chất của BLTD là hỗ trợ DN vay tín chấp, kết nối NHTM với DN. Trong khi đó, quỹ BLTD tại Việt Nam lại đang hoạt động như tiệm cầm đồ, tức DN phải có tài sản thế chấp mới được bảo lãnh. Cần phải thay đổi điều này để DNNVV được BLTD nhiều hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, 
chuyên gia tài chính NH
Một trong những chương trình tiêu biểu của SBA là SBA 7 (a) Loan và SBA 504. Trong đó, SBA 7 (a) Loan bảo lãnh NH nhằm cung cấp vốn lưu động, mua trang thiết bị, trả nợ cũ, mua bất động sản thương mại với số tiền vay đến 5 triệu USD. Tỷ lệ bảo lãnh 85% nếu vay dưới 150.000USD, 75% nếu vay trên 150.000USD và không bắt buộc về tài sản thế chấp.
Điều kiện để DN được BLTD phải có điểm tín dụng trên 680 điểm, hoạt động từ 2 năm trở lên và có lãi, không có lịch sử phá sản, không nợ thuế chính phủ. SBA 504 bảo lãnh NH cho các DN nhỏ vay mua bất động sản thương mại trả góp hàng tháng với lãi suất cố định 10 năm là 3,2%/năm và 20 năm 3,7%/năm. Trong năm 2017, SBA đã phê chuẩn 68.000 món vay cho 2 chương trình này, cung cấp 30 tỷ USD tín dụng cho các DN nhỏ.
Tại Việt Nam, năm 2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định 90 về trợ giúp phát triển DNNVV, và quy chế thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ BLTD cho DNNVV cũng được cụ thể hóa bằng Quyết định 193. Song nhiều năm qua, đánh giá chung về hoạt động của quỹ BLTD tại Việt Nam không có quỹ nào hoạt động hiệu quả.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30-9-2017, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập quỹ BLTD, với tổng số vốn điều lệ ước khoảng 1.579 tỷ đồng. Doanh số bảo lãnh của các quỹ BLTD lũy kế từ năm 2002 đến 30-9-2017 ước trên 4.126 tỷ đồng, với khoảng 2.000 DNNVV được bảo lãnh vay vốn tại các TCTD, số dư BLTD ước đạt trên 411 tỷ đồng, số trả nợ thay khoảng 83 tỷ đồng. 
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có điều khoản liên quan đến quỹ BLTD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các quy định này vẫn chưa tháo gỡ được vướng mắc trong việc BLTD. Chẳng hạn quỹ BLTD do UBND các tỉnh, thành phố thành lập ngoài ngân sách, không có mục đích lợi nhuận.
Điều này sẽ cản trở hoạt động của các quỹ vì địa phương không đủ tiền để tăng vốn điều lệ cho quỹ. Và việc Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Nghị định lần 3 về tổ chức và hoạt động quỹ BLTD cho DNNVV, cho thấy việc xây dựng một hệ thống BLTD phù hợp với điều kiện của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Phải thay đổi
Nói về vướng mắc trong hoạt động BLTD của các quỹ, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, phân tích, theo Quyết định 58/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các quỹ BLTD cho DNNVV đang hoạt động theo sự điều hành của địa phương, với nguyên tắc DN muốn được BLTD phải đáp ứng 4 điều kiện: có phương án tốt, khả thi; có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại TCTD tối thiểu 15% giá trị khoản vay; có tối thiểu 15% vốn sở hữu tham gia vào dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các TCTD hoặc tổ chức kinh tế khác.
Những điều kiện này quá khắt khe, trong khi trách nhiệm của cán bộ thẩm định không cao, khả năng xây dựng dự án khả thi của DN chưa tốt, đã ảnh hưởng đến hoạt động của các quỹ, dẫn đến dư nợ BLTD rất ít. 
Từ thực tế trên, TS. Phong kiến nghị cần phải có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế. Chẳng hạn, hiện nay tình trạng nợ đọng khá phổ biến, việc giãn nợ, khoanh nợ để DN có cơ hội hồi phục đã được áp dụng cho DNNN, DN lớn, cũng nên mở rộng ra cho DNNVV.
Kèm theo đó nới các điều kiện về thế chấp, vốn đối ứng dựa trên từng phương án sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội cho nhiều dự án được bảo lãnh từ quỹ. Đặc biệt cần nâng cao năng lực trách nhiệm của cán bộ tại các quỹ để hỗ trợ DNNVV trong quá trình thẩm định, xây dựng dự án, thông qua việc bảo lãnh cũng như cơ chế thanh tra, kiểm tra mạnh hơn, tạo sức ép buộc các quỹ BLTD phải chủ động tiếp xúc với DN.
Để mô hình BLTD có hiệu quả, Việt Nam nên xem xét về chương trình SBA của Hoa Kỳ. Theo đó, có thể thành lập hệ thống BLTD Trung ương đặt tại Hà Nội, từ đó có những chi nhánh hệ thống để triển khai chương trình. Hiện nay, các quỹ BLTD cũng hoạt động không dưới mục đích lợi nhuận nhưng không dám thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh vì sợ mất vốn.
Trong khi đó, lãnh đạo cũng như nhân viên của SBA của Hoa Kỳ không lo vấn đề này vì SBA được Quốc hội phê chuẩn ngân sách để chi bồi thường cho DN trong trường hợp DN đó không trả nợ được NH. Phần lỗ đó được tính vào chi phí hoạt động của quỹ BLTD.

Các tin khác