Giảm tốc tín dụng ngoại tệ

Khác với những tháng đầu năm, cơ cấu tín dụng tháng 4 của các NHTM trên địa bàn TPHCM đã có sự thay đổi tích cực: tăng chậm so với tín dụng tiền đồng. Đặc biệt, nguồn USD mua được từ khách hàng dồi dào đã khiến các NHTM phải đẩy giá mua USD xuống thấp dưới mức trần quy định của NHNN.

Khác với những tháng đầu năm, cơ cấu tín dụng tháng 4 của các NHTM trên địa bàn TPHCM đã có sự thay đổi tích cực: tăng chậm so với tín dụng tiền đồng. Đặc biệt, nguồn USD mua được từ khách hàng dồi dào đã khiến các NHTM phải đẩy giá mua USD xuống thấp dưới mức trần quy định của NHNN.

Bán USD cho vay VNĐ để giảm lãi suất

Theo số liệu mới đây, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM cuối tháng 4 ước đạt 734.400 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể so với 41% cuối tháng trước, trong khi dư nợ tín dụng VNĐ tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tín dụng ngoại tệ có dấu hiệu chậm lại mà huy động vốn bằng ngoại tệ của các NHTM cũng tăng chậm so với tháng trước.

Thời điểm này NHNN có thể phát hành trái phiếu lãi suất cao để trung hòa tiền đồng bơm ra mua USD tăng dự trữ ngoại hối. Như vậy dòng tiền vẫn sẽ ở lại trong NH và việc kiểm soát cung tiền ra xã hội cũng dễ dàng hơn.

TS. Phạm Đỗ Chí, Giám đốc Công ty Tư vấn Potomac Investments & Research Associates Hoa Kỳ

Nhiều NHTM cho biết Thông tư 09 của NHNN về hạn chế cho vay ngoại tệ có hiệu lực từ tháng 5 nhưng ngay lúc này các NHTM đã bắt đầu siết lại tín dụng ngoại tệ, đẩy lãi suất cho vay USD tăng lên. Hiện nay lãi suất cho vay USD trung bình của các NHTM dao động ở mức 6-7%/năm đối với doanh nghiệp xuất khẩu có cam kết bán ngoại tệ lại cho NHTM, 7-8,5%/năm đối với doanh nghiệp nhập khẩu vay ngoại tệ chứng minh được nguồn ngoại tệ trả nợ trong tương lai. Tính ra, với lãi suất cho vay tiền đồng hiện nay, lãi suất cho vay USD thấp hơn.

Tại ĐHCĐ mới đây, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết với thế mạnh tài trợ xuất nhập khẩu, Eximbank có tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ khá cao. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng ngoại tệ của Eximbank là 47,2%, tương đương cho vay ra 400 triệu USD. Theo ông Phước, với chênh lệch lãi suất như hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chuộng vay USD.

Tuy nhiên Eximbank chỉ chú trọng cho vay xuất khẩu, cân nhắc cho vay nhập khẩu và phải bảo đảm nguồn ngoại tệ bán cho doanh nghiệp như cam kết chứ không mua từ NHNN. Theo ông Phước, nếu Eximbank huy động được 100 đồng ngoại tệ thì cho vay 60 đồng, còn lại nộp dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản và nằm trên tài khoản nước ngoài phục vụ cho thanh toán quốc tế. Tương tự, một phó tổng giám đốc ACB cho biết đến nay ACB đã giải ngân hết hạn mức 200 triệu USD ưu đãi tín dụng ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hiện đang triển khai tiếp 100 triệu USD với lãi suất cũ của chương trình trước chứ không tăng dù NHNN mới tăng dự trữ bắt buộc.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của BIDV, gần đây cung USD tại các NHTM ở trạng thái dương khá lớn, cả trên thị trường mua bán lẫn huy động, nên nhiều NH đã chuyển hóa vốn USD sang tiền đồng nhằm giảm lãi suất cho vay tiền đồng. Đó cũng là lý do gần đây nhiều NHTM công bố ưu đãi lãi suất tiền đồng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Động thái này đã giúp cho tốc độ cho vay tiền đồng của các NHTM hồi phục sau một thời gian tăng trưởng chậm.

USD tiếp tục giảm giá

Hôm qua 27-4, tỷ giá bình quân liên NH tiếp tục được NHNN điều chỉnh giảm 5 đồng, chỉ còn 20.698 đồng/USD. Đây là ngày thứ hai liên tiếp tỷ giá này giảm 5 đồng mỗi phiên, kéo xuống mức thấp nhất kể từ ngày 30-3. Như vậy, kể từ ngày lập đỉnh mới 20.733 đồng/USD hôm 19-4, tỷ giá liên NH chỉ có duy nhất phiên đứng giá, còn lại liên tục trong xu thế giảm 5-10 đồng/USD. Cùng với USD liên NH, giá giao dịch USD tại các NHTM cũng được hạ thấp hơn nhiều so với giá trần, đồng thời kéo giãn mức chênh lệch giá mua - bán USD dao động 70-120 đồng/USD. Nguyên nhân của tình trạng này do nguồn cung ngoại tệ tại các NH đã bớt căng thẳng.

Nguồn ngoại tệ bớt căng thẳng khiến tỷ giá được giảm dần. Ảnh: LÃ ANH

Nguồn ngoại tệ bớt căng thẳng khiến tỷ giá được giảm dần. Ảnh: LÃ ANH

Tại Eximbank, giá bán USD thấp hơn trần tỷ giá 215 đồng, chênh lệch giá mua - bán 90 đồng. Tại Sacombank niêm yết giá mua - bán USD thấp nhất thị trường, 20.580-20.700 đồng/USD. Vietcombank niêm yết giá mua - bán 20.630-20.700 đồng/USD, giảm khá xa mức trần 20.905 đồng của NHNN. Như vậy, có thể thấy sau một loạt biện pháp hành chính cũng như điều chỉnh chính sách tiền tệ, tỷ giá tự do đã thấp hơn so với tỷ giá trong hệ thống NHTM. Đây là sự hấp dẫn đối với lượng ngoại tệ đang được gửi trong NH dưới dạng tiết kiệm ngoại tệ.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho biết thời điểm này khách hàng của ACB có nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được ACB đáp ứng. Nhiều NHTM khác cũng cho biết nguồn ngoại tệ mua được từ doanh nghiệp và cá nhân đang tăng khiến trạng thái dương lớn nên các NH sẵn sàng bán ngoại tệ ra cho thị trường. Và khi chênh lệch tỷ giá tự do và tỷ giá chính thức đã thu hẹp, là cơ hội để NHNN mua ngoại tệ tăng dữ trữ ngoại hối quốc gia.

Hiện nay với dự trữ ngoại hối ở mức thấp (theo ước tính của các tổ chức tài chính quốc tế khoảng trên 10 tỷ USD), cần tận dụng sự hấp dẫn của chênh lệch tỷ giá để hút nguồn ngoại tệ từ xã hội vào hệ thống NH. Một lãnh đạo NHNN cho biết đang sử dụng (có giới hạn) công cụ swap (hoán đổi) ngoại tệ với các NHTM, vì nếu mua USD trực tiếp sẽ làm tăng cung tiền ra thị trường.

VietinBank: 30.000 tỷ đồng cho vay phát triển công nghiệp phụ trợ

(ĐTTC) - Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố dành thêm khoản tín dụng lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường để cho vay phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trên cả nước. Phó Tổng giám đốc VietinBank Võ Minh Tuấn cho biết nhiều năm qua ngân hàng này đã chủ động cho vay phát triển một số lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Tổng dư nợ dành cho các lĩnh vực này đến cuối năm 2010 hơn 13.000 tỷ đồng. Với vai trò ngân hàng lớn, chủ đạo trong ngành tài chính - ngân hàng, mới đây VietinBank đã xây dựng đề án cho vay phát triển công nghiệp phụ trợ với nguồn vốn 30.000 tỷ đồng nhằm cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh và tài trợ thực hiện các dự án của ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung vào những lĩnh vực cơ khí chế tạo, dệt may, da giày.

Minh Bảo

LienVietBank khai trương chi nhánh Vũng Tàu

(ĐTTC) - Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) vừa khai trương chi nhánh Vũng Tàu (473 Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu). LienVietBank Vũng Tàu thực hiện đầy đủ các chức năng như huy động vốn, hoạt động tín dụng, dịch vụ thanh toán, ngân quỹ, và các hoạt động kinh doanh khác. Nhân dịp này, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ 2.000 tỷ đồng cho LienVietBank thực hiện dự án tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn tại Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh phía Nam. Trước mắt HĐQT LienVietBank đã quyết định phân bổ 300 tỷ đồng cho chi nhánh Vũng Tàu để cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn.

NGUYÊN QUÂN

Các tin khác