Giảm lãi suất, chờ thanh khoản

(ĐTTCO) - Trong phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải tiếp tục giảm lãi suất 0,5% từ nay đến cuối năm; tiếp tục tăng trưởng tín dụng đạt 21-22% nhằm góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đạt 6,7%. 

Trong điều kiện hiện nay, yêu cầu các NH chủ động giảm lãi suất phụ thuộc vào việc NHNN giảm thêm lãi suất điều hành và bơm thêm vốn ra thị trường.

Bài toán khó
 Nhận định về lãi suất những tháng cuối năm 2017, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng vẫn còn những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cụ thể, áp lực tỷ giá không quá lớn do chỉ số Bloomberg Dollar Index đã giảm khá mạnh 9,3% so với đầu năm; lạm phát nhiều khả năng dưới 4%, trong tầm kiểm soát; áp lực từ phát hành trái phiếu chính phủ không nhiều, chỉ còn khoảng 20% kế hoạch; yếu tố hỗ trợ từ phía nhà điều hành về xử lý nợ xấu sẽ đóng góp tích cực hơn cho giảm lãi suất.

Tuy nhiên, việc giảm thêm lãi suất đối với ngành NH vẫn còn nhiều khó khăn, bởi lãi suất không chỉ trông chờ các yếu tố trên mà còn phụ thuộc vào cung cầu vốn và thanh khoản của các NH. Theo quy luật thông thường, muốn giảm lãi suất huy động phải giảm lãi suất cho vay. Dù lạm phát cơ bản tháng 8 vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp với 1,31% nên có điều kiện để hạ lãi suất.
Nhưng nếu NHTM giảm lãi suất huy động, nhiều khả năng nguồn tiền gửi từ dân cư sẽ rút ra để đầu tư vào các kênh khác sinh lời hấp dẫn hơn như bất động sản, chứng khoán… Ngoài ra, với 75% nguồn vốn để cho vay ra thị trường huy động từ thị trường 1, giảm lãi suất huy động là điều các NH khó thực hiện trong lúc này. 

Trong khi đó, theo thông tin từ Chính phủ, tính đến ngày 21-8, tín dụng mới tăng trưởng 10,06% so với tháng 12-2016. Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ước tính đến hết tháng 8, tín dụng tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%). Tuy mức tăng trưởng tín dụng hiện tại cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng mới hoàn thành một nửa yêu cầu đặt ra và áp lực tăng tín dụng đang dồn vào 4 tháng cuối năm để đáp ứng mục tiêu tăng tín dụng 21-22%.
Giảm lãi suất, chờ thanh khoản ảnh 1 Ảnh minh họa: L.THANH 
Theo đó, cầu vốn của các NH sẽ rất lớn. Nhưng từ đầu năm đến nay, tình trạng mất cân đối huy động và cho vay vẫn liên tục duy trì, như trong 8 tháng qua tăng trưởng huy động ước đạt 9,1%. Khảo sát tại các NH cũng cho thấy tình trạng chạy đua huy động vốn đang diễn ra thông qua việc cạnh tranh lãi suất và cạnh tranh bằng khuyến mại.Bơm vốn, giảm lãi suất điều hành?
Lãnh đạo nhiều NHTM chia sẻ, ngành NH đã khai thác tối đa dư địa giảm lãi suất, theo đó lãi suất cho vay đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Theo thống kê của NHNN, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực này ở mức 9-10%/năm.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn 4-5%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,7-6%/năm.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đang áp dụng đã đủ điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như để các TCTD đảm bảo hoạt động, đáp ứng các yêu cầu tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của toàn hệ thống đã giảm từ mức 3,07% năm 2013 xuống 2,69% năm 2016, hiện mức trung bình khoảng 2-2,2% nên nhiều NH không còn dư địa để thu hẹp lãi suất cho vay. 

Sau động thái giảm 0,25% lãi suất điều hành vào tháng 7 vừa qua để các NH có điều kiện giảm 0,5%/năm lãi suất trần cho vay ngắn hạn, NHNN đã có động thái tích cực hỗ trợ thanh khoản hệ thống trên thị trường mở. Cụ thể, trong tháng 8, NHNN đã liên tục đưa vốn trở lại thị trường để hỗ trợ thanh khoản khi bơm ròng gần 28.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhận định trong bối cảnh hiện nay việc giảm lãi suất thêm 0,5% chỉ có thể thực hiện khi thanh khoản của các NH dồi dào hơn. Nhưng nguồn vốn đầu vào của các NH hiện nay không thể dựa vào thị trường 1, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng cao hơn huy động vốn cần phải có sự hỗ trợ thanh khoản của NHNN về việc đưa một lượng tiền lớn vào lưu thông. Tuy nhiên, việc bơm tiền ra nền kinh tế cũng phải thận trọng vì có thể đẩy lạm phát tăng lên. 

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, NHNN căn cứ vào lạm phát cơ bản để điều hành chính sách tiền tệ. 6 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản chỉ ở mức 1,66%. Từ nay đến cuối năm nếu giá dịch vụ, y tế không tăng, dự kiến lạm phát cơ bản lên mức 2,5% và NHNN sẽ có điều kiện bơm vốn để tăng thanh khoản cho các NH. Về phía các NH, một số lãnh đạo đề xuất tiếp tục giảm lãi suất 0,5%, bên cạnh việc bơm tiền ra, NHNN cần xem xét giảm lãi suất điều hành thêm 0,25%.

Các tin khác