Giải mã xin nâng room tín dụng

Đã có nhiều dư luận trái chiều xoay quanh việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa nâng room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại (NHTM) trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn còn trì trệ. Để rộng đường dư luận, ĐTTC đã giải mã vấn đề này ở Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB),  một trong những NHTM vừa được NHNN cho phép nâng room tín dụng từ 17% lên 25% trong năm nay.

Đã có nhiều dư luận trái chiều xoay quanh việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa nâng room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại (NHTM) trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn còn trì trệ. Để rộng đường dư luận, ĐTTC đã giải mã vấn đề này ở Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB),  một trong những NHTM vừa được NHNN cho phép nâng room tín dụng từ 17% lên 25% trong năm nay.

Từ nhu cầu thực tế

Có nhiều ý kiến cho rằng việc các NHTM được nâng hạn mức tín dụng chủ yếu do các ngân hàng này tăng vốn điều lệ nên cần tăng tổng tài sản tương ứng. Tuy nhiên, điều này không đúng với MB. Trong khi hệ thống NHTM 6 tháng đầu năm 2012 tăng trưởng chậm chạp, MB vẫn có tốc độ tăng trưởng khá ổn định.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của các chi nhánh MB trên toàn quốc là 11,6%, tốc độ tăng trưởng dư nợ cấp tín dụng 10,6%. Đó là một trong những lý do MB xin nâng room tín dụng.

Một lãnh đạo MB cho biết việc tăng room tín dụng còn nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn trong hoạt động kinh doanh của khách hàng những tháng cuối năm 2012; tăng cường mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng trong giai đoạn hiện nay; thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN tập trung tài trợ cho vay đối với các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ sử dụng nhiều lao động.

Tuy nhiên, MB thực hiện tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, thận trọng, an toàn, hiệu quả và đảm bảo chất lượng tín dụng được đặt lên hàng đầu. Việc giải ngân tín dụng của MB trên cơ sở nguồn tiền gửi ổn định, kiểm soát các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động.

“Việc nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 sẽ là cơ hội để MB tiếp tục hỗ trợ, đồng hành và đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng của khách hàng, đặc biệt là khách hàng thuộc lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ” - vị lãnh đạo này cho biết.

Thực tế, không chỉ ưu tiên cấp tín dụng đối với các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ theo định hướng của NHNN, MB còn dự kiến dành room tín dụng tăng thêm để cho vay các doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu, các dự án trung hạn đầu tư tăng năng lực thiết bị của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, các khách hàng cá nhân vay vốn để tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống có nguồn trả nợ từ lương.

Để có thể mở rộng cho vay, MB thực hiện xây dựng, triển khai các chương trình sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở từng phân khúc, gia tăng tiện ích, tốc độ xử lý và tạo sự thuận tiện trong giao dịch cho khách hàng (thanh toán, tài trợ thương mại cho vay…); xây dựng các gói sản phẩm ưu đãi để hỗ trợ khách hàng tốt, khách hàng mục tiêu (gói tín dụng xuất khẩu, gói tín dụng dành cho khách hàng ở khu vực ĐBSCL…).

Đặc biệt, MB áp dụng lãi suất cho vay, phí dịch vụ hợp lý trên quan điểm tăng cường quan hệ chặt chẽ và chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Đến doanh nghiệp hưởng ứng

Một vấn đề đặt ra lúc này là khi nâng room tín dụng, nếu các NHTM không tăng trưởng tín dụng đúng hướng, quản lý chặt, nợ xấu của các NHTM có thể tăng cao. Về mối lo ngại này, lãnh đạo MB tự tin cho biết việc kiểm soát chất lượng tín dụng được MB đặt lên hàng đầu. Theo đó, việc phát triển tín dụng phải gắn chặt với kiểm soát chất lượng tín dụng.

Đơn cử, trong thời gian vừa qua, toàn hệ thống MB luôn thực hiện kiểm soát tốt chất lượng tín dụng (nợ xấu ở mức dưới 2%). Để đạt được kết quả này, MB thực hiện quán triệt đến từng đơn vị kinh doanh nguyên tắc tăng trưởng tín dụng có chọn lọc trên cơ sở kiểm soát được rủi ro khách hàng và khoản vay.

Các chi nhánh của MB hường xuyên rà soát toàn bộ danh mục tín dụng, kiểm soát tình hình hoạt động/phương án cho vay của khách hàng để nắm bắt thực trạng hoạt động kinh doanh/khả năng trả nợ/các khó khăn vướng mắc của khách hàng, từ đó có biện pháp phòng ngừa và hạn chế rủi ro tốt nhất.

Khách hàng giao dịch tại MB. Ảnh: C.THĂNG

Khách hàng giao dịch tại MB. Ảnh: C.THĂNG

Thực tế, việc kiểm soát chất lượng tín dụng của MB được quan tâm ngay từ bước thiết lập quy trình, quy chế. Các quy trình, quy chế của MB được xây dựng đầy đủ, chặt chẽ và được phổ biến, hướng dẫn đến từng cá nhân, bộ phận liên quan.

Đồng thời, hội sở thường xuyên chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thực hiện kiểm soát chất lượng tín dụng và thực hiện làm việc với từng chi nhánh về danh mục tín dụng, kế hoạch thu hồi nợ của từng khách hàng để xử lý và thu hồi nợ.

Ngoài ra, MB cũng chủ động phối hợp với khách hàng để thực hiện các phương án cơ cấu nợ (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, miễn/giảm lãi suất vay…) tạo điều kiện cho khách hàng từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng vốn vay.

Đặc biệt, thời gian qua MB đã được sự ủng hộ nhiệt tình của các khách hàng, khi là ngân hàng đi đầu trong việc hạ lãi suất cho vay xuống 15%/năm nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Theo đó, nhiều khách hàng đã chủ động đề xuất giải ngân tại MB để bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh. Vì vậy, có thể thấy đây là lợi thế để MB có thể tăng trưởng thêm tín dụng một cách an toàn và hiệu quả.

Theo lãnh đạo MB, trong các tháng cuối năm 2012, với nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ của NHNN và Chính phủ, nền kinh tế dần được phục hồi. Đây là điều kiện thuận lợi để MB đạt tốc độ tăng trưởng tối đa theo chấp thuận của NHNN.

Trong các tháng cuối năm, ngoài việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, các tổ chức tín dụng nói chung và MB nói riêng cần chủ động phối hợp với khách hàng trong việc xử lý và cơ cấu nợ, đảm bảo chất lượng hoạt động của hệ thống và hỗ trợ khách hàng từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.

 Đồng thời cần nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Các tin khác