Giải bài toán vốn DNNVV: Ngân hàng và DN cùng kêu khó!

(ĐTTCO)-Mặc dù đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn luôn sẵn sàng nhưng chính các tổ chức tín dụng cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
Giải bài toán vốn DNNVV: Ngân hàng và DN cùng kêu khó!
Còn các doanh nghiệp lại luôn kêu khó trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. 
Để tìm lời giải cho "bài toán" trên nhiều giải pháp đã được đưa ra để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều ngày 5/10 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất


Tại hội thảo, ông Lâm Văn Chiểu, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân đã nêu lên thực tế, doanh nghiệp sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu Việt Nam với diện tích sản xuất lớn nhưng là diện tích đi thuê của nông dân rồi quy hoạch lại thành “Cánh đồng mẫu lớn” vùng sản xuất tập trung, với số vốn đã đầu tư xây dựng khá lớn, trung bình 60 triệu đồng/ha, nhưng phần đất đai sản xuất, hạ tầng cánh đồng không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn.

Do vậy, ông Chiểu đề nghị các ngân hàng tăng cường kiểm tra, xem xét các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhằm tăng tỷ lệ cho vay tín chấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo ông Chiểu, hiện nay các doanh nghiệp đang rất cố gắng gồng mình để vượt qua và chống chọi với những khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt với các doanh nghiệp nông nghiệp, mức độ rủi ro ngày một gia tăng: rủi ro về giá, dòng vốn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu..., khó khăn tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm. 
Chính vì vậy, ông Chiểu mong muốn được hỗ trợ lãi suất vay theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ, tăng tỷ lệ vốn vay dài hạn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp mạnh dạn đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh.

Còn ông Trần Quốc Toản, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân nhìn nhận, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhân tố làm nên đa dạng sản phẩm nông nghiệp trong rổ sản xuất hàng hoá nông nghiệp hiện nay. Để có những thành tích xuất khẩu nông nghiệp trên 30 tỷ USD, nền tảng chính vẫn là các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ. 

Tuy nhiên, ông Toản cũng thừa nhận, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng trước nhiều thách thức như các sản phẩm phải cạnh tranh ngay cả trên nhà bằng mẫu mã, chât lượng, nguồn gốc xuất xứ… và đặc biệt là phải đáp ứng được các yếu tố kiểm định nước ngoài (phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay không đáp ứng được).

Theo ông Toản, để giải quyết vấn đề nâng cấp vị thế sản phẩm, các doanh nghiệp phải cấu trúc lại mô hình sản xuất, đưa tiến bộ khoa học và quản lý vào canh tác. Muốn cấu trúc chắc chắn phải dựa vào nguồn lực tín dụng ngân hàng. Các ngân hàng xuất phát từ quy định bảo toàn vốn nên việc cho vay đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro về thời tiết, thị trường là một thách thức lớn.

Chính vì vậy, theo đại diện của Công ty Toản Xuân, các ngân hàng nên có chính sách lãi suất phù hợp cho các doanh nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch. "Theo quan điểm của chúng tôi mức lãi suất để có thể thực thi được dự án công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch nên ở mức 5% đến 6%/năm thì doanh nghiệp mới có hiệu quả và mạnh dạn đầu tư," ông Toản kiến nghị.
Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn?

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chuyên gia tài chính ngân hàng lại cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa có hai rủi ro lớn là: nhiều doanh nghiệp đã đầu tư ngoài ngành và phát triển quy mô của chính sản phẩm của mình mà không quan tâm nhiều tới quy luật phát triển vi mô.

Do đó, theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải có chiến lược hoạt động hiệu quả và minh bạch thông tin trong báo cáo tài chính. Có như vậy ngân hàng chắc chắn sẽ là người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Nghĩa chia sẻ thêm: “Khảo sát của chúng tôi cho thấy, lãi suất cho vay trong các chương trình kết nối, các sáng kiến, các gói tín dụng của các ngân hàng thương mại thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5% - 1,5%. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn được vay tín chấp, điều mà trước đây rất hiếm thấy, ngoại trừ đối với doanh nghiệp Nhà nước. Và, có thể thấy từ vài năm gần đây, đặc biệt là từ khi triển khai Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước, quan hệ tín dụng giữa ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, gần gũi hơn và hiệu quả hơn,” ông Nghĩa chia sẻ.

Một vấn đề mấu chốt được các đại biểu chỉ ra là các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng do thiếu tài sản bảo đảm, quyền sở hữu tài sản chưa minh bạch, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế...

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước nhận định, các tổ chức tín dụng cũng có nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù mà có khó khăn trong vấn đề tài sản bảo đảm. Điều này khiến cho ngân hàng khó kiểm soát được dòng tiền của doanh nghiệp dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay bởi vì bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải thẩm định đầy đủ điều kiện để đảm bảo an toàn vốn.

Bên cạnh đó, việc duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn vốn vay ngân hàng, tạo ra áp lực lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng, trong khi tổ chức tín dụng không có đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, không kiểm soát được dòng tiền nên dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng theo ông Hùng, chính sách bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, vì vậy chưa khuyến khích được các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm đến và các tổ chức tín dụng cho vay có bảo lãnh của các tổ chức này.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước luôn xác định phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là động lực phát triển của nền kinh tế quốc dân và doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng. Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ phối hợp với các Bộ ngành địa phương trong việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát cải tiến các thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng, tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Đặc biệt, khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng trong đó có những sản phẩm đặc thù cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hoá thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn.

Ông Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị các ngân hàng thương mại cần có cơ chế và biện pháp kỹ thuật thích hợp để giám sát việc sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất, tránh lệ thuộc vào quy trình thủ tục đơn thuần.

Muốn làm được điều đó, cán bộ tín dụng ở các ngân hàng thương mại cần có kế hoạch bám sát hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về quản lý vốn và sử dụng vốn vay, kịp thời phát hiện những rủi ro để chấn chỉnh và kiến nghị phương án giải quyết, xử lý.

Các tin khác