Ghế nóng Sacombank vẫn chờ

(ĐTTCO) - Việc tiếp quản phần vốn nhà nước để tái cơ cấu Sacombank vẫn đang tiếp tục trong trạng thái chờ đợi, sau khi NH này thông báo hoãn ĐHCĐ đến cuối tháng 6 do công tác nhân sự chưa hoàn tất. 
Trong khi đó, sau 2 năm sáp nhập, lần đầu tiên Sacombank công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2015 và 2016 cho biết số nợ xấu của NH đã hơn 50.000 tỷ đồng, kèm theo kế hoạch tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt.
2 năm chưa ĐHCĐ

Từ đầu năm đến nay, Sacombank liên tục có những thay đổi về nhân sự. Ngày 24-2, NHNN thông báo quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank. Sau đó xuất hiện nhiều tin đồn về người sẽ tiếp quản Sacombank. Đầu tiên là thông tin về nhóm nhà đầu tư trong và ngoài nước bao gồm Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công) đề xuất tham gia tái cơ cấu, bổ sung năng lực tài chính cho Sacombank thông qua việc tăng ròng vốn điều lệ thêm 20.600 tỷ đồng.
Tiếp theo là thông tin NovaGroup có tờ trình gửi NHNN đề xuất được tham gia quá trình tái cấu trúc Sacombank thông qua việc mua 20% cổ phần của NH này. Tuy nhiên, ngay sau đó ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novagroup cho biết đã xin rút, cùng lúc ông Đặng Văn Thành cũng không trở lại HĐQT Sacombank. Danh sách ứng viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021 do NH này công bố gần đây gồm 11 người, trong đó đáng chú ý có 4 nhân sự tới từ Vietcombank và LienVietPostBank cùng với 7 nhân sự là lãnh đạo đương nhiệm của NH này. Trong số 4 nhân sự mới, ông Nguyễn Đức Hưởng được đồn đoán sẽ là người ngồi vào ghế nóng Sacombank. 

Dù vậy, dấu hỏi nhân sự chủ chốt tại Sacombank vẫn chưa được giải, khi ngày 24-5 NH phát đi thông báo sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên vào ngày 30-6, thay vì ngày 26-5 như dự kiến. Sacombank là điểm nóng của mùa ĐHCĐ ngành NH năm nay do năm tài chính 2015 NH này không tổ chức được ĐHCĐ. Tuy nhiên, việc NH này 2 lần hoãn ĐHCĐ với cùng lý do công tác chuẩn bị về nhân sự HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2010 và một số nội dung tài liệu phục vụ đại hội chưa hoàn tất, đã làm dấy lên tin đồn ông Hưởng sẽ không tham gia HĐQT Sacombank.
Trong khi đó, liên quan đến nhà đầu tư muốn tham gia tái cơ cấu Sacombank, lãnh đạo NH này cho biết chưa có nhà đầu tư nào đặt vấn đề trực tiếp và chính thức về việc tham gia tái cơ cấu, chỉ có các thỏa thuận với cổ đông lớn của Sacombank. Vậy liệu sẽ có ứng cử viên mới đại điện nhóm cổ đông lớn tham gia tái cơ cấu Sacombank, hay NHNN sẽ cử người để đại diện phần vốn tại NH này? Câu trả lời chắc phải chờ đến ĐHCĐ của Sacombank mới biết được.
Ghế nóng Sacombank vẫn chờ ảnh 1
10 năm tái cơ cấu vì cục nợ xấu lớn
Ngày 29-5, Sacombank công bố BCTC 2015 và 2016 sau 2 năm sáp nhập với Southernbank, với số liệu tại BCTC kiểm toán năm 2016 và BCTC hợp nhất quý IV-2016 có nhiều chênh lệch. Cụ thể, mức lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Sacombank là 88,6 tỷ đồng tại BCTC kiểm toán 2016, giảm 76% so với mức lợi nhuận 372,5 tỷ đồng tại BCTC quý IV.
Đáng chú ý, tại BCTC kiểm toán 2016 khoản nợ xấu của NH này rất lớn: 13.166 tỷ đồng, tương đương 6,8% tổng dư nợ và số nợ xấu đã bán cho VAMC là 37.300 tỷ đồng. Song theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank, số dư nợ xấu tính đến ngày 31-12-2016 của Sacombank 13.745 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng dư nợ.
Nếu cộng cả số dư nợ xấu đã bán cho VAMC và những khoản thu nợ xấu từ Southernbank (đang được ghi nhận là nợ tiêu chuẩn), ước tính tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỷ đồng (chiếm 29,9% tổng dư nợ). Ngoài ra, phần dự thu lãi đang được khoanh vùng và dự kiến phân bổ trong các năm tới 20.387 tỷ đồng và Sacombank còn 21.500 tỷ đồng dự thu từ 2015 trở về trước cùng 9.000 tỷ đồng từ tài sản cấn trừ nợ, cho thấy Sacombank đang chịu áp lực nợ xấu rất lớn. 

Tại BCTC kiểm toán 2016, Sacombank cho biết NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank với thời gian thực hiện đến hết năm 2025. Theo lãnh đạo NH này, việc NHNN thông qua đề án tái cấu trúc Sacombank thời hạn 10 năm kể từ năm 2015 để xử lý dứt điểm nợ xấu, và nếu theo đúng lộ trình đến 2025 Sacombank sẽ sạch nợ xấu. Tuy nhiên, lộ trình 10 năm do Sacombank đề ra trên cơ sở thận trọng, còn nếu điều kiện thuận lợi lộ trình xử lý nợ xấu của NH sẽ rút ngắn còn khoảng 5 năm. 

Giới phân tích cho rằng NH này đang cảm thấy bất ổn nếu kéo dài thời gian tái cơ cấu, bởi từ khi ông Trầm Bê tiếp quản đến nay, Sacombank đã rơi vào tình trạng trì trệ, khoản nợ xấu này nếu không xử lý nhanh sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản, dòng tiền. Nhưng nếu xử lý nhanh hơn tiến độ, Sacombank cũng phải trả giá khá đắt vì NH sẽ phải tăng mạnh trích lập dự phòng. Đồng thời, nếu bán tài sản theo giá thị trường, kể cả chấp nhận trường hợp giá bán thấp hơn dư nợ gốc và phần này phân bổ dần vào chi phí hoạt động, dự báo sẽ tác động mạnh đến lợi nhuận của Sacombank trong thời gian này.

Các tin khác