Gánh nặng dự phòng nợ xấu

(ĐTTCO) - Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của hệ thống các TCTD đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016.

 Đóng góp lớn vào con số này là sự tăng trưởng mạnh của tín dụng. Song bên cạnh kết quả lợi nhuận, nhiều NHTM vẫn còn phải chịu gánh nặng trích lập dự phòng khá lớn cho các khoản nợ xấu.

Chi phí dự phòng khủng
Lũy kế 9 tháng năm 2017, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế 5.550 tỷ đồng giảm 3,5% so với cùng kỳ, dù cho vay khách hàng tăng 14,41% so với đầu năm và thu nhập lãi thuần tăng 37,83% so với cùng kỳ lên 23.027 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng của NH này lên đến 11.886 tỷ đồng, lớn nhất hệ thống.
Cùng kỳ năm ngoái, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV ở mức 6.972 tỷ đồng. Mức trích lập cao xuất phát từ việc nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của NH này đã lên đến 10.643 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2016 chỉ ở mức 6.911 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nhóm 4) của BIDV cũng tăng thêm 593 tỷ đồng trong 9 tháng. Tính từ đầu năm đến cuối quý III-2017, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank là 6.663 tỷ đồng, tăng 1.685 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân tăng dự phòng do nợ nhóm 5 lên đến 4.961 tỷ đồng, tăng hơn 1.141 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nợ nhóm 4 ở mức 3.049 tỷ đồng, tăng 2.237 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tại Vietcombank, chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái, ở mức 4.506 tỷ đồng.
Tại các NHTMCP lớn, mức trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng đáng kể. Tính đến cuối tháng 9, chi phí dự phòng rủi ro của VPBank lên đến 5.620 tỷ đồng. Tại ACB, dù nợ nhóm 5 giảm 197 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nợ nhóm 3 và nhóm 4 lại tăng thêm lần lượt hơn 331 tỷ đồng và 358 tỷ đồng.
Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB cuối tháng 9-2016 ở mức 562 tỷ đồng, nhưng tại thời điểm cuối tháng 9-2017 lên đến 1.491 tỷ đồng. MB cũng là một trong các NH tăng khá mạnh chi phí dự phòng rủi ro. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, NH đã trích lập 1.936 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái ở mức 1.127 tỷ đồng, do nợ xấu nhóm 4  tăng 34,8% so với cuối năm 2016 lên 642 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 60,5% lên 986 tỷ đồng.
Nợ xấu của Sacombank tuy đã giảm đáng kể từ 6,91% đầu năm 2017 xuống 6,09% vào cuối tháng 9, nhưng nợ nhóm 5 lại chiếm tỷ lệ lớn tại thời điểm cuối tháng 9. Cụ thể có đến 9.569 tỷ đồng nợ nhóm 5 trong tổng số 13.205 tỷ đồng nợ xấu, tăng hơn 13% so với đầu năm. Theo đó, mức trích lập dự phòng rủi ro của Sacombank trong 9 tháng cũng tăng lên.
Gánh nặng dự phòng nợ xấu ảnh 1 Ảnh minh họa: P.LONG 
Kỳ vọng thay đổi
Tại các NHTMCP còn lại, qua 9 tháng hoạt động, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng hơn so với đầu năm. Cụ thể, nợ xấu tại NCB tính đến cuối tháng 9 tăng hơn 80%, từ 376 tỷ đồng vào đầu năm 2017 lên mức 678 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu từ 1,48% vào đầu năm tăng lên mức 2,37%. VietABank đang có hơn 1.123 tỷ đồng nợ xấu vào cuối quý III, tăng 72,6% so với đầu năm; trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng gần 2,9 lần với 953 tỷ đồng, chiếm 85% tổng nợ xấu.
Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng vọt từ 2,14% vào đầu năm lên mức 3,49%. Theo báo cáo tài chính của TPBank, nợ xấu đã tăng 52,7% so với đầu năm lên mức 505,5 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu hiện nay của TPBank đã nâng lên mức 0,89%, trong khi đầu năm là 0,7%. Cho vay khách hàng của LienVietPostBank 3 quý đầu năm đã tăng đến 19,1% lên 94.867 tỷ đồng, nhưng NH này cũng ghi nhận nợ xấu tăng từ 1,11% đầu năm lên 1,19%.
Trong báo cáo gần đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết trong 7 tháng năm 2017, hệ thống TCTD ước tính xử lý khoảng 45.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu thu hồi từ khách hàng khoảng 33,6%, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu ước 26,3%, bán nợ cho VAMC 31,7%, bán tài sản đảm bảo khoảng 1,5%, còn lại là xử lý bằng các biện pháp khác.
Hệ thống TCTD cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro, tạo nguồn xử lý nợ xấu. Ước tính đến cuối 9, số dư dự phòng rủi ro tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cũng có xu hướng tăng. Nợ xấu theo báo cáo khoảng 2,9% so với năm 2016 khoảng 2,6%. Tỷ lệ nợ xấu cao tập trung chủ yếu tại một số TCTD yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu. 
Theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu có xu hướng tăng tại một số NHTMCP trong 3 quý đầu năm do các NH đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Trước khi Chính phủ yêu cầu phấn đấu tăng tín dụng lên 20-21%, các NH đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nên mới đến tháng 8 nhiều NHTM đã hết hạn mức tín dụng và đồng loạt nộp đơn xin NHNN nới room.
Tuy nhiên, kể từ ngày 15-8 Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu bắt đầu có hiệu lực và các NH cũng đang tích cực bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, kỳ vọng sẽ có sự thay đổi tích cực trong tỷ lệ nợ xấu của các NHTM tại thời điểm cuối năm.

Các tin khác