Fintech buộc nhà băng thay đổi

(ĐTTCO) - Hàng chục năm trước, khách hàng đã có thể sử dụng các dịch vụ NH trực tuyến để chuyển tiền. Nhưng sự xuất hiện của các ứng dụng (app) công nghệ tài chính (fintech) đã buộc các NH phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. 

Nhanh, tiện lợi
Thao tác nhanh, tiện lợi, mới mẻ và đa dạng là những lợi thế của fintech qua những app MoMo, ZaloPay, VnPay… Nhưng sẽ quá lạc quan nếu khẳng định fintech có thể đe dọa, hay thậm chí thay thế các dịch vụ NH bởi fintech có gì, NH sẽ làm điều tương tự. Hãy bắt đầu với dịch vụ truyền thống của NH trực tuyến là chuyển tiền, một trong những rắc rối lớn nhất khách hàng gặp phải là việc chuyển tiền liên NH.
 Fintech là động lực để các NH nhìn lại và củng cố năng lực cạnh tranh cho mình. Sắp tới đây, các NH với lợi thế về con người, kinh nghiệm của mình cũng sẽ phát huy tối đa khả năng. 
TS. PHẠM LINH
Phó Tổng giám đốc NH Việt Á 
Trước đây chuyển tiền liên NH được tiếng là điện tử nhưng tốc độ vẫn chậm, mất nửa ngày, thậm chí phải đợi đến ngày hôm sau. Nhưng hiện nay hầu như các NH đều đã thiết lập chế độ chuyển tiền nhanh liên NH với tốc độ không kém so với chuyển trong nội mạng hệ thống là bao, tức cũng chỉ vài giây là người nhận có tiền.
Các NH như BaovietBank, TPBank, NamABank… đều đã đưa chức năng này trên hệ thống giao dịch trực tuyến trong nhiều năm qua, đã giảm thiểu được rất nhiều thời gian chuyển tiền cho khách hàng, hoặc tránh việc phải mở nhiều tài khoản để chuyển tiền. 
Nếu như chức năng chuyển tiền nhanh liên NH vẫn cần đến số tài khoản, nhiều NH như HDBank, ACB, Vietcombank… còn tích hợp cả việc chuyển tiền nhanh qua thẻ ATM. Theo đó, chỉ cần người chuyển nhập 16 số trên thẻ ATM cần chuyển và thẻ này nằm trong mạng lưới cho phép, tiền sẽ đến tích tắc trong vài giây. Có thể nói, chưa bao giờ việc chuyển tiền liên NH lại thuận tiện như thời điểm hiện nay. Tất nhiên, vẫn có những điểm trừ rất đáng tiếc ở đây.
Đầu tiên là việc các NH dù đã trang bị rất nhiều tính năng trên dịch vụ trực tuyến của mình, nhưng lại không chủ động giới thiệu cho khách hàng, khiến nhiều người đã sử dụng lâu năm dịch vụ cũng không nắm đầy đủ các chức năng, đặc biệt là các chức năng chuyển tiền liên NH. 
Fintech buộc nhà băng thay đổi ảnh 1
Về mặt này, rõ ràng các NH đã bộc lộ sự khô cứng, thiếu các chương trình giới thiệu sinh động giống như các đơn vị fintech. Đó cũng chính là lý do một số NH như VCB, ACB, SHB… đầu tư sâu hơn cho các ứng dụng trên smartphone. Nếu như chuyển tiền trên PC hoặc laptop bằng dịch vụ của ACB phải tiến hành xác thực với mã OTP khá rườm rà với cả chữ cái, lẫn số, việc chuyển tiền bằng app của VCB sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều với mã OTP đơn giản hơn. Các app của VCB hay SHB hiện nay cũng đã tích hợp công nghệ thanh toán qua mã QR tương tự các app fintech khác. Phát huy lợi thế sẵn có
Nếu chỉ dừng lại với việc fintech có gì, NH có nấy, tất nhiên các NH sẽ không thể xác lập vị thế của mình. Trong thực tế chưa có đơn vị fintech nào có thể mạnh miệng nói rằng sẽ giành thị phần của các NH, mà chủ yếu là hợp tác, chia sẻ hoặc khai thác thị trường ngách. Bởi đơn giản, như sản phẩm ví điện tử muốn sử dụng hiệu quả nhất sẽ phải kết nối với tài khoản NH, nghĩa là có thêm tài khoản ví cũng có khả năng có thêm tài khoản NH.
Mặt khác, tài chính vốn là ngành nghề đòi hỏi sự bảo mật, chính xác, an toàn rất cao, mà điều này các NH với thương hiệu, cơ sở, mạng lưới, trụ sở… luôn có ưu thế rất lớn. Nhiều năm qua, NamABank chủ động việc lựa chọn các hoa hậu làm đại sứ thương hiệu của mình gắn với slogan “NH đẹp, dịch vụ tốt”, cộng với việc tích cực mở rộng mạng lưới của mình song song với việc phát triển các dịch vụ trực tuyến.
Đại diện truyền thông NamABank phân tích: Việc phát triển song song cả 2 kênh trực tuyến cũng như bán lẻ tại các phòng giao dịch thực không hề có sự mâu thuẫn, trái lại còn có thể bổ sung cho nhau.
Theo đó, khách hàng sử dụng các dịch vụ điện tử cần nhanh chóng, tiện lợi và an toàn. Trong khi đó, khách đến một phòng giao dịch của NH sẽ có xu hướng trải nghiệm, tận hưởng các loại dịch vụ với sự chăm sóc tận tình từ phía NH. Mặt khác, một mạng lưới rộng khắp, hình ảnh đẹp, tươm tất cũng tạo ra niềm tin cho khách hàng đối với NH, từ đó sử dụng nhiều hơn các dịch vụ của NH, kể cả truyền thông cũng như trực tuyến.
Và về mặt này, rõ ràng các NH có ưu thế tuyệt đối so với fintech. Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia tài chính còn nhấn mạnh, không chỉ cho vay, các NH cũng có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án khởi nghiệp (startup) để góp phần tạo ra một mạng lưới khách hàng gắn kết. Và một điều nữa, chính các NH cũng có thể trở thành nhà đầu tư vào các dự án fintech để tham gia ngành và gia tăng năng lực cạnh tranh cho chính mình. 

Các tin khác