Facebook, Google “moi” hàng ngàn tỷ đồng của người Việt Nam thế nào

(ĐTTCO)-Mỗi năm, người Việt đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng cho Google và Facebook nhưng Nhà nước lại không thu được đồng thuế nào...
Facebook, Google “moi” hàng ngàn tỷ đồng của người Việt Nam thế nào

Tiện lợi nhưng là "con dao hai lưỡi"

Không ai có thể phủ nhận tính tiện lợi của Google và Facebook; gần như toàn bộ dân số trên toàn thế giới đều sử dụng Google như một công cụ tìm kiếm, đó như một “thư viện” khổng lồ với tốc độ cập nhật thông tin nhanh đến chóng mặt.

Còn Facebook là một dạng trang cá nhân giúp con người hiện đại có thể liên lạc, không biên giới.

Nhờ có Google mà chúng ta không phải kè kè hàng tá sách, mà chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay; ở bất cứ nơi đâu miễn là có kết nối mạng là có thể tìm được thông tin cần thiết.

Nhờ có Facebook mà giờ đây rất nhiều người tìm được bạn bè, người thân từ đời nảo đời nao, những người mà nhiều khi chẳng ai ngờ có thể gặp lại được trên đường đời.

Vậy đó, cả Google và Facebook đều đem lại những tiện ích nhất định: Tiết kiệm thời gian, chi phí vật chất và không có giới hạn địa lý.

Ngoài tiện ích như trên, cả Google và Facebook còn ngầm lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng.

Thông tin cá nhân ở đây không chỉ là tên tuổi, địa chỉ, việc làm; mà cả những người thân, đồng nghiệp… rồi tới cả việc bạn tìm kiếm gì, lúc nào, thời gian nào, ở đâu… Nói tóm lại, Google và Facebook còn hoạt động như hai kho dữ liệu cá nhân được update liên tục.

Không những vậy, đây còn là hai “ông lớn” đang dần thâu tóm thị trường quảng cáo số, theo thống kê của Emarketter, sau quý II/2017, cả Google và Facebook vẫn tiếp tục dẫn đầu bảng về doanh thu từ quảng cáo; mặc cho các đối thủ khác như Twitter, Snap đang chật vật để duy trì hoạt động.

Hiện nay, Google và Facebook đang sở hữu hơn 60% doanh thu quảng cáo điện tử toàn cầu. Sức mạnh của hai kẻ “khổng lồ” này lớn tới mức, vừa qua Thượng nghị sĩ John Kennedy của bang Lousiana – Mỹ đã phải thốt lên rằng: “Sức mạnh của Google và Facebook khiến tôi run sợ, vấn đề là họ biết quá nhiều về chúng tôi, trong khi chính chúng tôi lại biết quá ít về bản thân”.

Ngay tại đất Mỹ, nơi sản sinh ra Google và Facebook, từ những người dân bình thường tới những người giàu có, quyền lực cũng phải run sợ trước khả năng kiểm soát, thu thập và lan toả thông tin của Google và Facebook.

Vấn đề ở đây chính là việc thu thập, lưu trữ và lan toả thông tin, đặc biệt là thông tin cá nhân của người dùng; không phân biệt giàu nghèo, tầng lớp xã hội bởi bất cứ ai cũng phải dùng Google và Facebook, cho tới hiện tại; có hơn 2 tỷ người dùng Facebook và gấp đôi con số đó người sử dụng Google.

Vậy, hai gã “khổng lồ” này đang nắm trong tay thông tin của hàng tỷ người, hay nói cách khác, họ đang nắm quyền sinh, quyền sát bất cứ ai đang sử dụng. Bởi chỉ cần một thông lọt ra bên ngoài bằng bất cứ hình thức nào thì người sử dụng có thể đối mặt với rất nhiều nguy hiểm.

Đơn cử như việc tranh cử ở Mỹ và các quốc gia châu Âu; không biết bao nhiêu trường hợp ứng cử viên thua đau đớn vì bị lộ thông tin cá nhân, những vết đen mà họ muốn xoá đi.

Nhưng với công nghệ hiện đại, các hacker có thể đột nhập bất cứ nơi đâu, tìm kiếm thông tin của bất cứ ai. Điều quan trọng là khách hàng sẵn sàng chi bao nhiêu tiền để có những thông tin đó.

Hiện nay, quốc gia duy nhất cấm dùng Facebook và Google là Trung Quốc từ năm 2009; thay vào đó họ dùng các trang nội địa như Baido, QQ thay cho Google Search và Google email; hoặc Weibo, Renren thay cho Facebook.

Mục đích của Chính phủ Trung Quốc là hạn chế hoạt động của các công ty nước ngoài tại đây; trong đó việc kiểm soát mạng xã hội được làm quyết liệt, chặt chẽ nhất bởi họ ý thức trước được việc lan toả của mạng xã hội. Và đó là nguy cơ làm lọt thông tin, bí mật của quốc gia ra bên ngoài.

"Chiêu" kiếm tiền ở Việt Nam của Google, Facebook

Đến tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 7 trong số 10 quốc gia có người dùng Facebook đông nhất thế giới với 64 triệu người dùng, chiếm 3% tổng số người dùng toàn cầu. Đứng đầu là Ấn Độ với 241 triệu tài khoản.

Con số trên cho thấy, việc lan toả nhanh chóng của mạng xã hội Facebook trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong giới trẻ, tiếp theo đó là một phần khá đông người có tuổi, cũng đã bắt đầu sử dụng Facebook. Đúng là không thể phủ nhận được sự tiện lợi mà Facebook đem lại cho người dùng.

Theo khảo sát của các tổ chức quốc tế thì tốc độ phát triển và phổ cập internet ở Việt Nam là khá cao, đứng trong top 20 quốc gia có nhiều người sử dụng internet nhất trên thế giới.

Trong đó, có tới hơn 60% người sử dụng thuộc lứa tuổi thanh, thiếu niên - thế hệ quyết định tương lai của đất nước. Tuy nhiên, rất nhiều người trong độ tuổi này chỉ sử dụng internet để tìm kiếm sản phẩm, phim ảnh đồi truỵ, chứ rất ít người sử dụng internet với mục đích tìm kiếm thông tin về lịch sử, địa lý, văn học…

Việt Nam là một trong ba thị trường lớn của Google ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan và Singapore.

Cũng như ở nhiều quốc gia khác, Google và Facebook đều kiếm tiền chủ yếu qua quảng cáo. Cụ thể như Google, họ sẽ thu tiền từ mỗi click mà người sử dụng thực hiện mỗi lần truy cập vào một website; hoặc định giá quảng cáo cho một website với việc thầu từ khoá.

 Có thể hiểu nôm na việc này là nếu chủ website muốn quảng cáo cho cửa hàng bán ô tô của mình thì người này sẽ phải trả một khoản phí để mua lại các từ khoá liên quan đến ô tô mà các website khác đang sử dụng. Chi phí này tuỳ thuộc vào số lượng các website và công ty đang sở hữu từ khoá liên quan.

Còn Facebook kiếm tiền từ việc quảng cáo trên news feed, tin nhắn nhận quà, quảng cáo cho ứng dụng của bên thứ 3…

Đó là những cách thức kiếm tiền cơ bản của Google và Facebook.  Ở Việt Nam, cho tới thời điểm hiện tại, cả Google và Facebook đều không có công ty đại diện mà chỉ hoạt động với vai trò cung cấp công nghệ xuyên biên giới. Điều này đã làm dấy lên nhiều thắc mắc về việc đánh thuế với hai gã “khổng lồ” này.

Trường hợp của Google và Facebook cũng giống như Uber và Grab. Cả bốn công ty này đều hoạt động dưới dạng cung cấp công nghệ xuyên biên giới chứ không phải là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Nhưng họ vẫn thu lời.

Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có văn bản gửi Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về khoản 4, điều 34, dự thảo luật an ninh mạng Việt Nam.

Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền, pháp luật và an ninh quốc gia của Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp này phải có giấy phép hoạt động, cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người dùng.

Và cả Google, Facebook lẫn Uber, Grab đều không có những điều trên!

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa nên đánh thuế vào Google hay Facebook vì thấy lợi nhuận chảy vào túi họ hàng ngày; mà nên đánh giá thực tế rằng nhờ những công cụ này mà các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức ngày càng có cơ hội được sử dụng miễn phí dịch vụ mà các nhà công nghệ này cung cấp.

Một phần của ý kiến trên có thể chấp nhận được, đó là việc tạo điều kiện cho mọi người có thể sử dụng dịch vụ miễn phí từ Facebook và Google, rồi thông qua đó gây dựng được môi trường kinh doanh, đầu tư.

Nhưng đứng từ góc độ an ninh, thì việc thu thuế, kiểm soát Google, Facebook là một việc hoàn toàn chính đáng.

Thứ nhất, không thể để bất cứ doanh nghiệp, công ty nước ngoài nào hoạt động một cách tự do, bừa bãi; bởi nếu không kiểm soát họ thì ai biết được họ làm gì? Hoạt động ra sao.

Có kiểm soát được những doanh nghiệp thế này, mới góp phần đảm bảo, giữ gìn an ninh quốc gia.

Thứ hai, việc thu thuế là điều đương nhiên. Google và Facebook không có trụ sở, không đặt máy chủ ở Việt Nam nhưng họ vẫn thu về một số tiền khổng lồ.

Cụ thể, theo một khảo sát của Công ty Vinalink thì năm 2015, Facebook đã thu về hơn 3.000 tỷ đồng từ quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam, còn Google là hơn 2.000 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ chảy vào túi các doanh nghiệp Việt, mà đa số các doanh nghiệp này lại có vốn FDI hoặc 100% FDI. Vậy Nhà nước được lợi gì?

Có thể dễ dàng nhìn thấy thực trạng hiện nay, Google, Facebook, Grab, Uber đều hoạt động ở Việt Nam theo kiểu… không chính thống. Việc này vừa ảnh hưởng tới nền kinh tế, mà còn là mối đe dọa với an ninh quốc gia.

Cả bốn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ này đều được đặt cùng một câu hỏi: Nếu họ rút khỏi Việt Nam thì sẽ để lại hậu quả gì?

Hậu quả ở đây, đầu tiên là thiệt hại với người sử dụng. Thứ hai đó là với nền kinh tế đất nước. Nếu như Google, Facebook có lãi thì đã đành; nhưng Uber và Grab lại lỗ thảm hại, vậy ai sẽ xử lý việc làm ăn thua lỗ của họ?. Bởi công ty mẹ đã thu đủ lợi nhuận sau thời gian hoạt động ở Việt Nam, còn hệ quả lỗ lãi thế nào tự chúng ta phải xử lý.

Tuy nhiên, cả bốn ví dụ trên lại một lần nữa báo động về thực trạng quản lý của các cơ quan chức năng. Nếu các cơ quan có thẩm quyền xem xét kỹ trước khi đưa ra quyết định chấp nhận đưa các doanh nghiệp như trên vào hoạt động thì sẽ không có những vấn đề như ngày hôm nay.

Các tin khác