Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2019 đạt 12-13%

(ĐTTCO) - Tại hội thảo kinh tế với chủ đề Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019, diễn ra chiều 22-7, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học NH TPHCM cho biết, nửa đầu năm 2019 ghi nhận tăng trưởng kinh tế ở mức 6,76%. 
Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2019 đạt 12-13%
Mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng 7,08% của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2017. Bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước ổn định với CPI bình quân ở mức thấp nhất trong 3 năm gần đây tạo nền tảng tốt để hướng về mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% được Quốc hội đặt ra. 
Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, trong đó sự bất ổn của kinh tế thế giới là nhân tố ảnh hưởng có tính bao trùm. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng và chuyển biến khó dự đoán đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế toàn cầu. Tổng cầu thế giới giảm như một phản ứng tất yếu khi các yếu tố rủi ro gia tăng. 
Hoạt động xuất khẩu Việt Nam ngay lập tức hứng chịu cú sốc này, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ còn 7,3% - thấp hơn rất nhiều so với con số 17,8% đạt được trong 6 tháng năm 2018. Hệ quả là thâm hụt thương mại đã quay trở lại ở mức 37 triệu USD, trong khi năm trước đó thặng dư cao ở mức 4,12 tỷ USD. Quan trọng hơn, cú sốc này đã phần nào bộc lộ rõ điểm yếu lớn của nền kinh tế: phụ thuộc quá nhiều vào khu vực kinh tế nước ngoài ở những mắt xích quan trọng.
Phân tích từ những khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học NH TPHCM cũng đưa ra những dự báo cho hoạt động kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2019. Cụ thể, dự báo tăng trưởng kinh tế quý III sẽ đạt 6,7% và quý IV đạt 6,9%. 
Trên cơ sở kiên định mục tiêu chính sách tiền tệ từ đầu năm 2019, lạm phát cơ bản dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong khoảng 1,8-2%, lạm phát tổng thể trong khoảng 3,5-4%. Kết quả dự báo này khá tương đồng với dự báo của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF (4%) hay NH Phát triển châu Á - ADB (3,5%). 
Như vậy, việc đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% là khả thị. Tuy nhiên, trước nhiều rủi ro gia tăng lạm phát trong 6 tháng cuối năm, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn cần thận trọng trong thời gian tới.
Với kịch bản tăng trưởng GDP thực từ 6,6-6,8% và lạm phát bình quân từ 3,5-4% (như mục tiêu Chính phủ đề ra), tốc độ tăng GDP danh nghĩa trong năm 2019 ước đạt 10-11%, xấp xỉ mức tăng của năm 2018. Tốc độ tăng GDP gần như không thay đổi cho thấy vòng quay tiền tệ năm 2019 cũng sẽ không có nhiều biến động so với năm trước. Như vậy, nếu không có sự thay đổi đáng kể về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán (M2) có thể cũng chỉ sẽ tăng ở mức 12-13%, xấp xỉ mức tăng năm 2018.
Việc suy yếu của kinh tế đối ngoại cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu của các DN Việt Nam. Với kịch bản kinh tế vĩ mô nêu trên, nhóm nghiên cứu của trường Đại học NH TPHCM dự báo tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế năm 2019 ước đạt mức 12-13%, thấp hơn so với ước tính từ 15-16% của năm 2018.

Các tin khác