Dự án đường sắt đô thị: Huy động nguồn lực tư nhân

(ĐTTCO) - Để thúc đẩy tiến độ các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) trên địa bàn, TP Hà Nội vừa đề xuất nhiều giải pháp để huy động vốn thực hiện dự án. 
Dự án đường sắt đô thị: Huy động nguồn lực tư nhân
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang tính tới các giải pháp huy động tối đa nguồn lực tư nhân cho phát triển 8 tuyến ĐSĐT còn lại thông qua hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP).
Vay ODA và đối ứng từ ngân sách địa phương

Để đẩy nhanh tiến độ tuyến ĐSĐT số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ KH-ĐT giải trình việc huy động nguồn vay ODA kết hợp với ngân sách địa phương đối ứng để thực hiện dự án trong giai đoạn 2017-2025. Cụ thể, từ 2017-2020 hoàn tất các thủ tục chuẩn bị khởi công dự án, từ 2020-2025 thực hiện xong dự án. Tổng mức đầu tư tuyến ĐSĐT số 3 dự kiến khoảng 1,22 tỷ USD (tương đương 27.600 tỷ đồng) sẽ được huy động từ nguồn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khoảng 450 triệu USD, vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) 200 triệu EUR, vốn vay ưu đãi khác và nguồn đối ứng từ ngân sách TP. 
Giải trình về khả năng vay lại nguồn vay ODA từ Chính phủ và khả năng trả nợ tuyến ĐSĐT số 3, TP Hà Nội cho biết theo quy định Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) 2015 có hiệu lực từ đầu năm nay, mức giới hạn vay của NS địa phương được tính trên số thu của địa phương theo phân cấp. Cùng với cơ chế NS đặc thù cho thủ đô, mức dư nợ vay lại ODA từ Chính phủ, vay từ các nguồn khác trong nước không vượt quá 70% số thu NS địa phương.
Theo đó, mức dư nợ huy động tối đa của Hà Nội năm 2017 khoảng 53.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7 Hà Nội mới vay 8.284 tỷ đồng, trong đó có 8.000 tỷ đồng huy động qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Mặt khác, với mức tăng trưởng 9%/năm hiện nay, trong giai đoạn 2020-2025 dư địa vay cho phép của TP sẽ cao hơn, khi nguồn thu địa phương tăng lên. Đồng thời, UBND TP sẽ điều hành cân đối các nguồn vay để không vượt  quá 70% số thu NS. 
Trước đó, Hà Nội đã triển khai xây dựng tuyến ĐSĐT số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội với tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng, huy động từ nguồn vay ADB và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Dự kiến đoạn tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ hoàn thành vào năm 2021. Như vậy, nếu tuyến ĐSĐT số 3 hoàn tất sẽ kết nối toàn tuyến Nhổn - ga Hà Nội - Yên Sở có tổng chiều dài khoảng 19,8km. Bên cạnh đó Hà Nội cũng đang hoàn tất những hạng mục cuối cùng của tuyến ĐSĐT 2A nối Cát Linh - Hà Đông, dự kiến tuyến ĐSĐT đầu tiên của cả nước này sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2018. 

Thu hút đầu tư tư nhân
Với tổng mức đầu tư xây dựng 10 tuyến ĐSĐT tại Hà Nội dự kiến khoảng 40 tỷ USD, ngoài việc trông vào nguồn vay ODA, việc huy động vốn thông qua hợp tác PPP là không thể tránh khỏi. Ngoại trừ 3 đoạn tuyến ĐSĐT nêu trên đã chắc chắn có được nguồn vốn đầu tư, các dự án còn lại vẫn đang trong giai đoạn thu xếp vốn.
Mới đây, TP Hà Nội đã đề xuất giải pháp đầu tư đổi đất lấy hạ tầng (BT) để hoàn thiện một số tuyến ĐSĐT. Cụ thể, TP đề xuất Thủ tướng cho phép bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 thêm 6.000ha đất để làm quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư tư nhân thực hiện dự án ĐSĐT, cũng như đề xuất cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất tái vốn thực hiện công trình giao thông.
Tổng giá trị quỹ đất bổ sung mới theo tính toán lên tới 300.000 tỷ đồng (15 tỷ USD). Đồng thời, Hà Nội cũng đề xuất cho phép rà soát, thống kê quỹ đất chuyên dùng, nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, trụ sở các cơ quan đơn vị thuộc TP dôi dư khi sắp xếp lại để bán, cho thuê, dự kiến thu về khoảng 15.000 tỷ đồng.
Như vậy, từ nay tới 2030, Hà Nội sẽ trông vào 4 nguồn lực lớn để đầu tư mạng lưới ĐSĐT, trong đó nguồn lực đất đai có giá trị tương đương 315.000 tỷ đồng; nguồn lực thu từ quá trình cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 22.500 tỷ đồng; nguồn vay ODA từ các đối tác phát triển ước 2,24 tỷ USD (35.000 tỷ đồng), và nguồn thưởng vượt thu NS của Hà Nội trong giai đoạn từ nay đến 2030 chưa xác định được.
Thực tế chủ trương huy động nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển các dự án ĐSĐT đã được Thủ tướng giao cho Hà Nội từ hồi tháng 1 năm nay. Và việc Hà Nội bật đèn xanh để thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án ĐSĐT ít nhiều đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Đến nay đã có 7 nhà đầu tư trong và ngoài nước bày tỏ quan tâm muốn đầu tư phát triển mạng lưới ĐSĐT tại Hà Nội.
Không dừng lại ở việc đề xuất cho bổ sung quỹ đất đối ứng hàng ngàn ha, mới đây HĐND TP Hà Nội đã thông qua khoản vốn đối ứng lên tới 87.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án ĐSĐT trong giai đoạn 2017-2020. Nếu được Chính phủ thông qua phương án huy động vốn tư nhân cho đầu tư phát triển hệ thống ĐSĐT, Hà Nội dự kiến sẽ hợp tác với nhà đầu tư theo các dự án thành phần cho từng tuyến ĐSĐT.
Cụ thể, các nhà đầu tư tư nhân được lựa chọn hợp tác sẽ tự bỏ vốn chi cho việc lập nghiên cựu tiền khả thi, lập dự án, thuê tư vấn lập hồ sơ dự án, thực hiện GPMB, đào và xây dựng đường hầm, nhà ga, xây dựng các tuyến đường trên cao, đề pô, đường ray. UBND TP Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm thực hiện dự án thành phần còn lại gồm các hạng mục đầu máy, toa xe, thiết bị vận hành, an toàn, an ninh, hệ thống điều khiển và chịu trách nhiệm khai thác, vận hành. 
 7 nhà đầu tư muốn phát triển mạng lưới ĐSĐT tại Hà Nội, gồm: Tập đoàn Vingroup (đã ký biên bản ghi nhớ với TP Hà Nội về khoản đầu tư 100.000 tỷ đồng); Tập đoàn Xuân Thành; CTCP Lũng Lô 5; Công ty Mosmetrotroy (Liên bang Nga); Công ty TNHH Tân Hoàng Minh; Liên danh Tổng công ty LICOGI và Công ty TNHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam; Tập đoàn Lote (Hàn Quốc). 

Các tin khác