Đồng tiền ảo Libra của Facebook: Xác lập hệ thống tiền tệ mới?

(ĐTTCO) - Ngày 18-6-2019, Facebook công bố sẽ phát hành đồng tiền mã hóa với tên gọi Libra. Tin tức này lan nhanh ra trên khắp phương tiện thông tin đại chúng và trở thành tâm điểm của giới kinh tế tài chính toàn cầu. Vì sao Libra lại trở nên thực sự nổi bật giữa hơn 2.250 loại tiền mã hóa (cryptocurrency) đã ra đời trước đó, và tương lai của loại tiền mã hóa này sẽ như thế nào?

Cái tên nói lên tất cả…
Với cái tên Libra ắt hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến chòm sao Thiên Bình, tương ứng cung hoàng đạo Thiên Bình với biểu tượng hình cán cân. Điều này nhấn mạnh đến khả năng cân bằng ổn định của loại tiền mã hóa mới; được bảo chứng bằng một rổ các tài sản thực có độ biến động (volatility) thấp, bao gồm các chứng khoán Chính phủ ngắn hạn và các khoản tiền quy ước được gửi tại các ngân hàng trung ương có uy tín.
 Libra có đi đến mục đích cuối cùng hay không còn là một câu chuyện dài. Tất cả đều sẽ được thời gian trả lời, và dĩ nhiên một lời khuyên cho những nhà đầu tư là cố gắng tránh rủi ro nếu khả năng đo lường rủi ro và lợi nhuận khá mơ hồ. 
Đó là điều mà trước đây chưa từng có loại tiền mã hóa nào làm được. Thế nhưng, thực tế Libra được bảo chứng chứ không phải neo theo tỷ giá. Nói cách khác, các tài sản sẽ được mua và được lưu trữ ở những ngân hàng và tổ chức uy tín nhằm bảo chứng đồng Libra sẽ giá trị. Điều này khá giống với chế độ bản vị vàng trước đây ở Mỹ và trên thế giới. 
Hơn nữa, cái tên Libra có thể làm ta liên tưởng tới đó là khả năng phi tập trung hóa (decentralized) hệ thống tiền tệ hiện nay, theo cách phi tập trung hóa giao dịch chứ không phải phi tập trung hóa việc tạo ra tiền tệ.
Do đó, vai trò tạo ra tiền tệ danh nghĩa vẫn thuộc về phía ngân hàng trung ương, còn công năng lợi ích của Libra sẽ chỉ nằm ở khả năng làm giảm chi phí giao dịch, đồng thời giúp giao dịch trên nền tảng kỹ thuật số được diễn ra một cách an toàn và nhanh chóng (không khác gì khi gửi đi một tin nhắn trên Facebook).
Đồng tiền ảo Libra của Facebook: Xác lập hệ thống tiền tệ mới? ảnh 1
Người sử dụng đồng Libra sẽ lấy tiền pháp định được ngân hàng trung ương phát hành, để mua cho mình đồng Libra nhằm giao dịch chuyển tiền và giao dịch, khá giống với hình thức nạp tiền vào tài khoản để mua Pay Pal.

Hợp đồng thông minh
Thế nhưng khác với Pay Pal, Facebook áp dụng vào nền tảng Blockchain của Libra, thì cơ chế đồng thuận Byzantine với một mạng lưới cấu trúc dữ liệu rộng khắp nhằm đảm bảo cho các giao dịch bằng đồng Libra không thể bị tấn công trên Internet (đặc điểm này giống như đối với nền tảng của Bitcoin).
 Tất cả các chủ thể trong nền kinh tế và các chính phủ cần phải chuẩn bị sẵn một kịch bản cho sự thành công của đồng Libra, bởi có thể Libra sẽ thay đổi cách thế giới vận hành mãi mãi.
Đồng thời Libra cũng có riêng một ngôn ngữ lập trình mới dành riêng với tên gọi là Move, để phát triển các hợp đồng thông minh (smart contract) sau này như đối với đồng Ethereum. Như tiềm năng của các hợp đồng thông minh là rất lớn, hứa hẹn tạo ra một hệ sinh thái mà các công ty cung cấp ứng dụng có thể xây dựng trực tiếp trên cơ sở hạ tầng Libra Blockchain. 
Thí dụ, A bán cho B một chiếc xe được ký kết trên một hợp đồng thông minh, với điều khoản trả đủ tiền sau 1 tháng kể từ ngày bán. Ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng xong, B có thể nhận chiếc xe và trả tiền trong thời hạn. Cũng vào thời điểm được ký kết, hợp đồng thông minh được mã hóa vào chiếc xe và được sao lưu lại trên tất cả mạng lưới Libra Blockchain.
Đồng tiền ảo Libra của Facebook: Xác lập hệ thống tiền tệ mới? ảnh 2
Sau 1 tháng, nếu B không trả đủ tiền bằng đồng Libra cho A, điều khoản trên hợp đồng thông minh được kích hoạt để B không thể khởi động được chiếc xe, buộc B phải thỏa thuận lại với A để quyết định tiếp số phận của hợp đồng. Công cụ mã hóa xe với hợp đồng sẽ do một công ty sản xuất xe, hoặc đối tác bên thứ ba tích hợp trên cơ sở hạ tầng của Libra Blockchain. 
Ở một khía cạnh khác, hợp đồng thông minh ghi chép hồ sơ tín dụng (hoặc bệnh án) của người X, khi người X đến cơ sở tín dụng (hoặc cơ sở y tế) để vay tiền (hoặc khám chữa bệnh), thì toàn bộ thông tin của người X sẽ được sao lưu chính xác trên toàn hệ thống đảm bảo người X được vay đúng hạn mức (hoặc khám đúng bệnh). Thông tin cá nhân của người X là không thể thay đổi (chỉ có thể được ghi nhận thêm) nhờ sự trợ giúp của nền tảng blockchain. 
Tất cả nghiệp vụ thanh toán, chuyển giao dịch vụ đều được xác lập thành các thỏa thuận giao dịch trên hợp đồng thông minh. Các công ty cung cấp hệ thống thông tin dựa trên sinh trắc học, kết hợp với blockchain của Libra để tạo ra một cơ chế xác minh tính minh bạch của thông tin, giao dịch, hoặc hồ sơ cá nhân của một người dùng. 
Trên đây chỉ là hai trong số vô vàn những ứng dụng mà một hợp đồng thông minh có thể áp dụng. Trong tương lai, hợp đồng thông minh có thể thay đổi đáng kể các ngành như logistics, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giải trí, dịch vụ pháp lý, dịch vụ tài chính, giáo dục và cả các phương thức bầu cử chính trị, nhằm làm tăng tính bảo mật, tính hiệu quả và thực thi giao dịch toàn vẹn.

Hiệp hội Libra và cơ chế tạo ra đồng tiền Libra
Thực tế, Facebook hiện nay có hơn 2,38 tỷ người dùng, đây là nguồn dữ liệu khổng lồ để Facebook có thể bán dữ liệu cá nhân cho các bên mua ra giá cao, hoặc tự khai thác nhằm thao túng các thị trường và xã hội.
 Các thành viên Hiệp hội Libra quyết định về mức phí giao dịch là bao nhiêu nhằm giúp duy trì hệ thống xử lý giao dịch toàn cầu, đảm bảo hiệp hội hoạt động dưới nguyên tắc là tổ chức phi lợi nhuận.
Thế nên, nếu như Facebook có thể tạo ra một hệ thống tiền tệ bằng một loại tiền tệ mới, với đầy đủ các chức năng là phương tiện thanh toán, cất trữ, lưu thông và tiền tệ thế giới như Libra, thì quả là đáng lo ngại vì Facebook có thể độc quyền và thao túng các nền kinh tế bằng khả năng khai thác dữ liệu tài chính không giới hạn của mình.
Nếu như trước đây chính phủ có thể cấm Facebook, thì nay sẽ khó khăn hơn trong việc ngăn người dùng sử dụng tiền Libra mà Facebook tạo ra. 
Vì vậy, để có thể được các nhà lập pháp chấp thuận trên quan điểm không có sự độc quyền thao túng, Facebook và những đối tác của mình thành lập Hiệp hội Libra (Libra Asocication) hoạt động một cách độc lập, phi lợi nhuận và có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ. Những thành viên đầu tiên trong hiệp hội Libra bao gồm:
  •  Những chủ thể xử lý giao dịch: Mastercard, Visa, PayPal, Stripe, Pay U.
  •  Những thị trường thương mại điện tử: Booking Holdings, eBay, Facebook, Farfetch, Lyft, MercadoPago, Spotify, Uber.
  •  Hệ thống viễn thông: Vodafone, Iliad.
  •  Các tổ chức hỗ trợ vận hành blockchain: Anchorage, Bison Trails, Coinbase, Xapo Holdings Limited.
  •  Các quỹ đầu tư mạo hiểm: Andreessen Horowitz, Breakthrough Initiatives, Ribbit Capital, Thrive Capital, Union Square Ventures.
  •  Tổ chức phi lợi nhuận và học thuật: Creative Destruction Lab, Kiva, Mercy Corps, Women’s World Banking.
Hiệp hội này tạo ra một hệ sinh thái hoàn hảo, hỗ trợ bước đầu để Libra đi vào hoạt động như xử lý giao dịch, cấp vốn để bảo chứng cho những đồng Libra đầu tiên; thực hiện các chiến lược nhằm giúp Libra được chấp nhận bởi thị trường; thiết lập cơ sở hạ tầng kết nối Libra với các ứng dụng hiện hữu, hoặc tạo ra những thiết bị làm nền tảng cho đồng Libra (thí dụ, bán ví lạnh - xapo và cung cấp dịch vụ ví nóng - coinbase).
Để làm được vậy, ở thời điểm kết nạp hội viên, mỗi thành viên của hiệp hội phải đóng góp 10 triệu USD cho hiệp hội. Ước tính sơ bộ để kế hoạch đưa Libra vào vận hành cần khoảng 1 tỷ USD, tương ứng với việc sẽ kết nạp 100 hội viên.
Trong hiệp hội, để tạo ra sự dân chủ đồng thuận các tổ chức thành viên này hoạt động độc lập, và có quyền biểu quyết ngang nhau nhằm đưa ra các quyết định quan trọng đối với đồng Libra.
Thí dụ, quyết định bao nhiêu đồng Libra được tạo ra, hay bao nhiêu đồng Libra bị hủy bỏ; quyết định sẽ bán Libra cho đối tác nào; quyết định mức giá bán ra/mua lại Libra từ những nhà phân phối là bao nhiêu, để luôn đảm bảo giá trị của Libra bằng giá trị của các tài sản được dự trữ tại các ngân hàng có uy tín trên toàn cầu. 

Vẫn còn băn khoăn về tương lai 
Tiềm năng phát triển trong tương lai của đồng tiền mã hóa Libra vô cùng to lớn, bởi 5 lý do: Thứ nhất, cộng đồng các thành viên trực thuộc Hiệp hội Libra là những tổ chức hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, và có thể ứng dụng tiền mã hóa một cách trực tiếp trong lĩnh vực của họ, nên điều đó sẽ tạo ra bước đầu vững chắc để lôi kéo thêm nhiều tổ chức khác vào mạng lưới Libra Blockchain. Các tổ chức này cũng vận động hành lang tạo các mối quan hệ giúp kết nối Libra với các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu. 
Thứ hai, Libra sử dụng cơ chế của blockchain nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật giao dịch và tiết kiệm chi phí cho người dùng. 
Thứ ba, Libra có ngôn ngữ lập trình riêng, gắn liền với nguồn mở Libra Blockchain nhằm giúp các lập trình viên, nhà phát triển tạo ra các ứng dụng dựa trên hợp đồng thông minh một cách dễ dàng. 
Thứ tư, Libra được bảo chứng bằng những loại tài sản ổn định với độ biến động thấp, giúp làm giảm rủi ro tỷ giá; tạo ra sự khác biệt của Libra so với các đồng tiền mã hóa truyền thống. 
Thứ năm, cộng đồng người sử dụng Facebook đông đảo là cơ sở để tạo ra một mạng lưới người dùng lớn ngay từ đầu đối với đồng Libra.
Mặc dù Libra có nhiều mặt tích cực và hứa hẹn sẽ trở thành đồng tiền mã hóa được kỳ vọng bấy lâu nay trong cộng đồng tiền mã hóa. Thế nhưng, vẫn có nhiều vấn đề còn đang gặp phải và Libra mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu (chưa có điều gì là chắc chắn).
Thứ nhất, mặc dù cơ chế cung tiền của Libra được quyết định bởi một hội đồng độc lập, tuy nhiên khó có thể kiểm soát được liệu rằng có xuất hiện lợi ích nhóm trong các quyết định đối với đồng Libra hay không?
Điều này rất đáng quan ngại, mặc dù Facebook cố gắng thuyết phục mọi người rằng Hiệp hội Libra sẽ ngày càng có thêm nhiều thành viên và đảm bảo tính dân chủ và phi tập trung. 
Trở ngại thứ hai đến từ hệ thống luật pháp, bởi luật pháp ở các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển chưa thể kịp thời đáp ứng ngay bước phát triển đối với các đồng tiền này. Vì vậy bước đầu đồng Libra sẽ chỉ thí điểm giao dịch nội bộ trong các thành viên. 
Thứ ba, Libra chưa thỏa mãn được kỳ vọng của cộng đồng nhằm tạo ra một hệ thống tiền tệ tốt hơn, nhằm phi tập trung hóa khả năng tạo ra tiền mặt gây lạm phát và suy thoái kinh tế. Để có thể sử dụng được đồng Libra, người mua vẫn phải dùng tiền pháp định để đổi lấy tiền Libra, và cơ chế cung tiền thông qua nhà phân phối vẫn tạo ra sự hoài nghi về khả năng mức giá trị bị thổi phồng của đồng tiền này. 
Thứ tư, bất kỳ một hệ thống hay phần mềm nào cũng có lỗ hổng, liệu rằng hạ tầng Libra Blockchain và ngôn ngữ lập trình mới có thực sự hoàn hảo và không thể khai thác bởi tin tặc hay không? 
Thứ năm, sự ra đời của Libra sẽ nhận sự đáp trả từ phía các ngân hàng thương mại toàn cầu như thế nào? Khi nguồn lợi thu được từ cung cấp các dịch vụ thanh toán là vô cùng lớn. 
Thứ sáu, chế độ bản vị vàng đã từng sụp đổ, liệu sự bảo chứng bằng các chứng khoán và khoản tiền gửi có độ biến động thấp tại các ngân hàng trung ương trên khắp toàn cầu có an toàn? 
-------------
(*) Khoa Tài Chính,
Đại học Kinh tế TPHCM
(**) University of Essex

Các tin khác