Điều gì đang xảy ra giữa Vietinbank và IFC

(ĐTTCO) - Gần đây, thông tin Công ty Tài chính quốc tế (IFC) sẽ thoái vốn khỏi Vietinbank đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Bởi lẽ từ trước đến nay, IFC luôn chọn đầu tư vào những NH ăn nên làm ra và rút lui đúng thời điểm. Phải chăng tốc độ tăng trưởng của Vietinbank sắp tới sẽ chậm lại nên mất sức hút với tổ chức này?

Điều gì đang xảy ra giữa Vietinbank và IFC
IFC muốn bán cổ phần tại Vietinbank?
IFC đầu tư vào Vietinbank từ năm 2011. Thời điểm đó, Vietinbank đã phát hành riêng lẻ 168,58 triệu cổ phần cho IFC. Trong số đó, IFC nắm giữ hơn  55,28 triệu cổ phần, tương đương gần 3,28% vốn điều lệ; Quỹ đầu tư cấp vốn IFC nắm giữ hơn 113,29 triệu cổ phần, tương đương 6,72%. Mức giá phát hành 22.000 đồng/cổ phiếu, số cổ phần này hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.
Sau giao dịch này, Vietinbank thu về thặng dư vốn 1.854 tỷ đồng, đạt 16.858 tỷ đồng. Song song đó, IFC cung cấp khoản vay thứ cấp 125 triệu USD đạt tiêu chuẩn vốn tự có cấp 2, để hỗ trợ kế hoạch cổ phần hóa và tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) của Vietinbank.
Cũng trong năm 2011 và 2013, IFC đầu tư khoảng 700 tỷ đồng để mua cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu của NH. Hiện nay, sau nhiều lần tăng vốn nên IFC sở hữu gần 299 triệu cổ phiếu  của NH này, tương đương 8,02% vốn điều lệ.
Sự hợp tác này khá yên ả trong nhiều năm, cho đến tháng 4-2018, tại đại hội cổ đông thường niên của Vietinbank, IFC đề xuất rút 1 đại diện khỏi Hội đồng quản trị NH và không đề cử thêm đại diện khác. Lúc đó, một số cổ đông đã đặt ra câu hỏi về khả năng IFC rút vốn khỏi NH. Lãnh đạo NH đã cho biết, IFC trong các năm qua đã đóng góp rất lớn đối với NH, không chỉ mua cổ phiếu mà còn cho NH vay vốn, hỗ trợ nhiều mặt về kỹ thuật, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị DN, quản trị rủi ro, phát triển dịch vụ cho DNNVV, các chương trình tín dụng xanh, phát triển công nghệ thông tin...
Quá trình hợp tác giữa Vietinbank và IFC hiện rất tốt, và IFC vẫn chưa có kế hoạch rút vốn khỏi Vietinbank. Tuy nhiên, mới đây hãng tin Bloomberg cho biết, IFC đang tìm kiếm đối tác để nhượng lại cổ phần mà định chế này đang nắm giữ tại Vietinbank. Cho đến giờ, 2 bên chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.

Thoái vốn vì lo ngại áp lực tăng vốn?
IFC là một định chế tài chính có rất nhiều khoản đầu tư tại các NHTM Việt Nam. Năm 2003, IFC trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất tại ACB, nắm giữ tỷ lệ cổ phần tối đa theo quy định tại thời điểm đó là 10% vốn điều lệ sau khi mua lại toàn bộ cổ phần ACB từ tập đoàn LG Hàn Quốc.
Tuy nhiên, năm 2008, IFC đã tiến hành bán toàn bộ hơn 16 triệu cổ phiếu ACB cho Standard Chartered Bank (Hồng Công) Limited. Việc thoái vốn này mang lãi cao khi giá chuyển nhượng được thực hiện là 140.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn gấp đôi giá đóng cửa của ACB cùng ngày giao dịch (68.100 đồng/cổ phiếu). 
IFC cũng tham gia góp vốn vào Sacombank từ năm 2002 và đến năm 2008 nắm giữ 16 triệu cổ phiếu NH, tương đương với 7,6% cổ phần. Tuy nhiên, để tái cơ cấu danh mục đầu tư, năm 2008, IFC đã bán 50% cổ phiếu Sacombank và sau đó hoàn tất thoái vốn khỏi NH này trong một thời gian ngắn. Sau khi IFC thoái vốn khỏi 2 NH này, thị trường chứng khoán bắt đầu xu hướng giảm kéo dài. Thị giá cổ phiếu của ngành NH nói chung và 2 NH nói trên cũng đi xuống. 
Sau khi đợt thoái vốn khỏi ACB và Sacombank, IFC cũng không có thêm khoản đầu tư mới nào cho đến đến năm 2011, định chế tài chính này mới tiến hành góp vốn cổ phần vào 2 NH là VietinBank và ABBank. Với ABBank, IFC đã có khoản đầu tư 40,5 triệu USD để mua 480 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 312 tỷ đồng trái phiếu thường, sở hữu 10% vốn điều lệ.
Đến tháng 8-2016, IFC trở thành cổ đông chiến lược của TPBank thông qua gói đầu tư 403,1 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD) thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi, sở hữu 4,999% cổ phần. Năm 2017, IFC cấp khoản vay chuyển đổi trị giá 57 triệu USD với thời hạn 2 năm và có thể được gia hạn thêm 2 năm, kèm theo quy định có thể chuyển đổi khoản vay thành cổ phần phổ thông của NH trong thời hạn khoản vay. 
Nếu so sánh các NH nằm trong danh mục đầu tư của IFC, Vietinbank là NH có quy mô lớn, lợi nhuận cao hơn hẳn các NH còn lại. Do đó, đã có câu hỏi đặt ra vì sao IFC lại muốn thoái vốn khỏi NH này, trong khi Chính phủ cho biết có nhiều đối tác ngoại “dòm ngó” muốn hợp tác.
Tuy nhiên, cũng như giới tài chính nhận định, IFC luôn “nhìn xa trông rộng” và khoản đầu tư của họ luôn nắm bắt đúng thời điểm để đạt được lợi nhuận cao nhất. Trong 8 năm đầu tư tại Vietinbank, IFC được cổ tức chủ yếu bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 7-10%, hiện còn khoản cổ tức năm 2017 do Vietinbank chưa tiến hành chia. Giá trị số cổ phiếu IFC đang sở hữu tại Vietinbank theo thị giá hiện tại gần 8.400 tỷ đồng, trừ đi khoản tiền đầu tư, IFC lời khoảng 4.363 tỷ đồng bao gồm cả cổ tức các năm. 
Một chuyên gia tài chính nhận định, Vietinbank hiện nay đang sinh lời tốt nên có nhiều đối tác muốn nhảy vào, nhưng IFC có lẽ nhìn về những thách thức mà NH này sẽ đối mặt sắp tới. Áp lực đầu tiên là tăng vốn khoảng 20%, tương đương khoảng 7.500 tỷ đồng trong 2 năm tới để áp dụng Basel II.
Đầu năm nay, lãnh đạo NH cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tăng vốn vì đã bán bớt phần vốn nhà nước, cơ cấu lại vốn tự có giữa vốn cấp 1 và vốn cấp 2, phát hành trái phiếu thứ cấp để tăng vốn cấp 2, tái cấu trúc danh mục tài sản có rủi ro… nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. 6 tháng đầu năm, NH này mặc dù vẫn giữ vị trí thứ 2 về lợi nhuận trong hệ thống, nhưng lợi nhuận tăng trưởng chậm lại, khoảng cách lợi nhuận giữa Vietinbank và NH có lợi nhuận cao thứ ba (Techcombank) chỉ còn hơn 70 tỷ đồng. 

Các tin khác