Đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính: Kiềm hãm tăng trưởng, rào cản DN

(ĐTTCO) - Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% từ năm 2019, và tiếp tục đề xuất phần chi trả lãi vay cho các khoản vay vốn vượt từ 4-12 lần vốn chủ sở hữu, tùy vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp (DN) sẽ không được tính vào chi phí hợp lý hợp lệ để tính thuế thu nhập DN.
Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, cho rằng đây là điều bất hợp lý, bởi sẽ tác động đến sức mua, kiềm hãm tăng trưởng GDP; tạo rào cản cho sự vươn lên của DN nếu muốn làm ăn lớn. Nếu như vậy sao có thể gọi là “tạo mọi điều kiện cho DN vươn ra biển lớn?”.
PHÓNG VIÊN: - Ông lý giải thế nào về việc đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính?

 Rủi ro của nền kinh tế khi tăng thuế rất lớn và cần có những nghiên cứu nghiêm túc để xem có nên tăng thuế hay không. Nếu nghiên cứu cho thấy tăng thuế hợp lý sẽ thực hiện, còn nếu nghiên cứu trên tất cả mọi khía cạnh cho thấy tăng thuế không có lợi cho quốc gia thì không nên tăng.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Để lý giải nguyên nhân đề nghị mức thuế VAT tăng từ 10% lên 12%, Bộ Tài chính đã dùng tỷ lệ thuế tại nhiều nước trên thế giới và chứng minh rằng mức thuế tại Việt Nam thấp, vì thế cần nâng lên để phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo tôi, có lẽ Bộ Tài chính cần đưa ra một nghiên cứu cụ thể hơn.
Việc so sánh thuế suất của Việt Nam với các nước khác phải tính đến môi trường sống, mức thu nhập của người dân cũng như hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam với thế giới mới có sự so sánh chuẩn mực. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam rất thấp, khoảng hơn 2.000 USD/người/năm.
Trong khi ở các nước châu Âu, mức thu nhập đầu người bình quân lên đến 40.000 USD/người/năm hoặc thậm chí hơn. Với mức sống cao như vậy, dù thuế suất 20% người dân cũng chấp nhận được. 

Hơn nữa ở Việt Nam, dù mức thu nhập bình quân là 2.000USD nhưng thực tế có những người nghèo, thu nhập rất thấp và có những người rất giàu. Đối với những người giàu, mức thuế VAT tăng lên 12% không phải vấn đề lớn, nhưng người thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn, bởi mức thuế này không chỉ đánh vào hàng hóa trực tiếp tiêu thụ mà còn có tác động cộng dồn từ đầu vào để hình thành sản phẩm tiêu dùng, bởi đầu vào cũng chịu thuế.
Bên cạnh đó, té nước theo mưa là một hiện tượng phổ biến thường gặp, rất nhiều loại thuế tăng lên kèm theo thuế xăng dầu, thuế giáo dục, giá cả điện nước tăng lên... sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người có thu nhập thấp.
Do đó, trước đề xuất tăng thuế Bộ Tài chính khi đưa ra những luận cứ đó cũng nên đưa ra những con số cụ thể, nghiên cứu cụ thể là việc tăng thuế từ 10% lên 12% có tác động như thế nào đến ngân sách, với người dân, như vậy mới có tính thuyết phục.

- Vậy ông có đồng tình với việc Bộ Tài chính đề xuất nếu phần chi trả lãi vay cho các khoản vay vốn vượt từ 4-12 lần vốn chủ sở hữu, tùy vào lĩnh vực hoạt động sẽ không được tính vào chi phí hợp lý hợp lệ để tính thuế thu nhập DN?

- Tôi không đồng tình với việc không nhận tính vào chi phí khi DN vay vốn nhiều, vì việc vay vốn nhiều hay ít rất khó có thể có được một chuẩn mực chung. Có những ngành nghề như sản xuất kinh doanh tỷ lệ đòn bẩy tài chính (tỷ lệ của tổng số nợ/vốn tự có) ở mức 1:1 là bình thường. Nhưng có những DN trong lĩnh vực khác có tỷ lệ đòn bẩy kinh doanh 2:1, 3:1 cũng vẫn bình thường, không có rủi ro.
Thậm chí, do đặc thù có những DN có thể có tỷ lệ lên đến 10:1, chẳng hạn những DN bán sỉ có vốn tự có rất ít và phải vay vốn NH nhiều để mua hàng từ các nhà cung cấp, sau đó bán đi và trả nợ vay. Hay những DN kinh doanh chứng khoán, bất động sản không cần vốn tự có nhiều mà chủ yếu vay NH. 
Đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính: Kiềm hãm tăng trưởng, rào cản DN ảnh 1  
Như vậy, tùy thuộc từng loại hình DN, không có chuẩn mực nào để xét tỷ lệ đòn bẩy tài chính phải ở mức 2:1, 3:1, nếu vay vượt tỷ lệ đó là quá nhiều, mà phải tùy theo hoàn cảnh tài chính, môi trường kinh doanh của mỗi DN.
Chính vì vậy, không cho phép các DN tính lãi vay vào chi phí hoạt động và không cho trừ thuế là điều không hợp lý. Áp dụng quy định này cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của ngành NH. Các NH sẽ phải đắn đo để cho vay theo chuẩn mực của Bộ Tài chính, trong khi cho vay là quyết định song phương giữa NH và người đi vay.
Việc DN đi vay như thế nào và NH cho vay như thế nào tùy thuộc vào sự thẩm định bao gồm sự tự thẩm định giá của DN và thẩm định khả năng vay vốn của NH, vì vậy không nên áp đặt một chuẩn mực nào cả.

- Theo ông, việc Bộ Tài chính đề xuất tăng một loạt sắc thuế có nguyên nhân từ đâu?

- Vấn đề chính là do ngân sách không cân đối được, thường xuyên trong những năm qua có bội chi ngân sách. Từ bội chi ngân sách đó, Chính phủ phải đi vay để đáp ứng nhu cầu chi tiêu thường xuyên và chi tiêu đầu tư làm cho nợ công tăng lên. Nợ công tăng và bội chi ngân sách là 2 vấn đề gắn liền với nhau.
Bây giờ, muốn điều chỉnh giảm nợ công và bù trừ cho thiếu hụt ngân sách, tăng thuế là vấn đề hiển nhiên. Thế nhưng, tăng thuế cần phải phù hợp với lòng dân, tăng thuế sẽ giúp ngân sách nhưng phải trong điều kiện người dân có thể đáp ứng được.

- Nếu quyết thực hiện đề xuất tăng thuế sẽ dẫn đến những hệ lụy gì, thưa ông?

- Tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và cả nền kinh tế Việt Nam. Chi phí tiêu dùng đóng góp tỷ lệ quan trọng trong GDP, khi tăng thuế có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng vì người dân sẽ giảm tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng GDP, đưa đến rủi ro lớn cho nền kinh tế là mức cầu giảm.
Đây là tác nhân bất lợi, đi ngược với tăng trưởng kinh tế. Mức cầu giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến DN. Theo đó, các DN cũng sẽ giới hạn lại hoạt động sản xuất kinh doanh và mức đóng thuế sẽ giảm. Điều này ảnh hưởng đến GDP và đến cuối cùng ngân sách cũng bị ảnh hưởng. 

Trong ngân sách của quốc gia có mặt thu và mặt chi. Về mặt thu, bây giờ Bộ Tài chính đang nhắm tới vấn đề tăng thuế, nhưng thay vì tăng thuế còn có nhiều vấn đề như né thuế, trốn thuế cần phải xử lý để tăng nguồn thu từ đó. Về mặt chi, bội chi ngân sách xảy ra vì chi nhiều hơn thu, cần phải điều chỉnh chi.
Cụ thể, Chính phủ phải đưa ra những biện pháp để giảm chi, trong đó có 2 vấn đề rất lớn là lãng phí và tham nhũng làm cho ngân sách quốc gia thâm thủng. Vấn đề tham nhũng đã được kêu gọi nhiều nhưng vẫn chưa giải quyết được, vấn đề lãng phí cũng vậy. Vì vậy, Bộ Tài chính đang tập trung vào nguồn thu nhưng cũng nên quan tâm nhiều hơn ở vế chi, đầu ra của ngân sách.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác