LUẬT HỖ TRỢ DNNVV

Công cụ đã có, thiếu hỗ trợ

(ĐTTCO) - Đầu tư tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) đã liên tục tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, số DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn vẫn còn rất nhiều và muốn tháo gỡ cần có sự phối hợp từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và bản thân các DN.
 
Tập trung hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), DNNVV chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm.
NHNN đã xác định DNNVV là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên mà ngành NH cần đầu tư vốn để phát triển; phối hợp với các bộ, ngành chủ quản trong việc triển khai chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua NH Phát triển Việt Nam, Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương và Quỹ phát triển DNNVV; phối hợp với Bộ Kế hoạch-Đầu tư xây dựng và hoàn thiện Luật hỗ trợ DNNVV; đối tượng DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được Chính phủ cấp bù chênh lệch lãi suất đối với khoản vay của các DN này thông qua các TCTD.
Công cụ đã có, thiếu hỗ trợ ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có DNNVV.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên bao gồm cả DNNVV thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Tính đến ngày 31-8-2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Các TCTD cũng đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các DN này. Theo thống kê của NHNN, hiện nay có trên 200.000 DNNVV đang có dư nợ tại các TCTD.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đánh giá, cho vay DNNVV vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Về phía DN, phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; trình độ quản trị kinh doanh còn bất cập và thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi.
Hơn nữa, các DNNVV chưa coi trọng việc cập nhật thông tin hoạt động cũng như tổ chức hạch toán kế toán theo quy định, thường nộp báo cáo tài chính cho NH chậm, số liệu thiếu chính xác, chưa có kiểm toán độc lập nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn.
Hơn nữa, một số DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với NH khi vay vốn, hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay như cung cấp thông tin không chính xác, minh bạch (có tình trạng báo cáo tài chính nộp cho NH không đúng với báo cáo thuế...) khi vay vốn và thiện chí trả nợ hoặc xin cơ cấu lại nợ khi tài chính gặp khó khăn. Do đó, các TCTD gặp khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các DNNVV khi cho vay vốn. 
Hiện NHNN cũng đã đưa ra các giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả đối với  các DNNVV, song theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, muốn phát huy hiệu quả các giải pháp cần có sự phối hợp từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và bản thân các DN. Cụ thể, các bộ ngành sớm hoàn thiện các văn bản (Nghị định, Thông tư) hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV, bảo đảm các chính sách hỗ trợ DNNVV được triển khai đồng bộ ngay sau khi Luật có hiệu lực.
UBND các tỉnh, thành phố triển khai các chính sách hỗ trợ DNNNV quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV, phối hợp với ngành NH triển khai chương trình kết nối NH-DN để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi DN tiếp cận vay vốn NH để phát triển sản xuất kinh doanh. 
Các Hiệp hội ngành nghề làm cầu nối cho các DNNVV tiếp cận với các TCTD, đầu mối trong việc hỗ trợ cho các DNNVV về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại. Bản thân các DNNVV cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các TCTD, tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, để các TCTD kiểm soát được dòng tiền và tình hình tài chính của DN trong quá trình vay vốn.

Các tin khác