Có nên “độc quyền” sản xuất và kinh doanh vàng?

(ĐTTCO) - Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoài việc độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, NHNN cũng sẽ độc quyền huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản. 

Quy định này cho thấy NHNN muốn hút vàng trong dân nhưng vẫn giữ ổn định thị trường vàng như hiện tại. Song cũng đã có một số ý kiến lo ngại khi NHNN là cơ quan quản lý nhưng lại “bao sân” cả hoạt động sản xuất lẫn kinh doanh vàng.

Xác lập độc quyền đối với vàng
Năm 2012, NHNN ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và giới chuyên gia nhận định đây là một Nghị định có tầm vóc. Tuy nhiên, dù quy định khá chi tiết nhưng Nghị định 24 lại thiếu việc hướng dẫn hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, trong khi thời điểm đó hoạt động kinh doanh vàng vẫn còn phổ biến trên các trang mạng. Lần này, vấn đề này đã được NHNN đề cập đến. Theo đó, dự thảo đã đưa ra quy định, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng  miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản. 
 NHNN muốn độc quyền kinh doanh vàng tài khoản cũng nên làm rõ kinh doanh vàng tài khoản như thế nào? Vì sao NHNN độc quyền mà không phải là các sàn vàng như trước hay là thành lập trung tâm giao dịch vàng tập trung?
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo
NHNN cho biết, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản là các hoạt động tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia, gây lãng phí nguồn lực kinh tế, tác động tiêu cực đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với hoạt động vay vàng trước đây, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, thị trường vàng biến động mạnh, hoạt động huy động cho vay vốn bằng vàng đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống NH, làm gia tăng tình trạng “vàng hóa”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây bất ổn kinh tế. 
Ngoài ra, việc vay vàng của dân để bán vàng lấy tiền mua vàng nguyên liệu sản xuất sẽ gây rủi ro biến động giá vàng cho doanh nghiệp (DN). Còn nếu dùng vàng của dân để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, DN phải đối mặt với rủi ro thanh khoản vàng khi dân đến rút vàng mà chưa bán được vàng trang sức để mua vàng trả lại dân. Trước tình hình đó, từ năm 2011, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chấm dứt hoạt động huy động cho vay vốn bằng vàng của các TCTD.
Còn đối với hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, theo NHNN trong giai đoạn 2007-2009, một số sàn giao dịch vàng trong nước xuất hiện và hoạt động dưới hình thức tự phát. Các giao dịch quy mô lớn trên sàn vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, làm giảm hiệu quả của các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro thị trường vàng bị lũng đoạn bởi các nhà đầu tư có tiềm lực lớn với các cơn sóng vàng ảo.
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo yêu cầu các sàn vàng đang hoạt động và kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước dưới mọi hình thức phải chấm dứt hoạt động. Những hệ quả trên cho thấy việc cần có quy định chặt chẽ đối với các hoạt động này. 
Mặt khác, Nghị định 24 quy định các hoạt động kinh doanh vàng khác là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp giấy phép.
Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư, quy định này không còn phù hợp. Vì vậy, cần quy định Nhà nước độc quyền đối với hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động này.
Có nên “độc quyền” sản xuất và kinh doanh vàng? ảnh 1 Ảnh minh họa.
Cần cụ thể hóa giải pháp
Thực ra một thời gian dài do tâm lý, hành vi, thói quen của người dân khiến cho vàng trở thành vấn đề nhạy cảm, vì vậy việc can thiệp sâu của NHNN đối với vàng là hợp lý. Từ năm 2012 đến nay, NHNN cũng đã thành công khi dần dần loại vàng ra khỏi lưu thông tiền tệ.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, dự thảo lần này đặt ra 2 vấn đề. Thứ nhất là NHNN độc quyền trong việc huy động vàng. Từ trước đến nay NHNN đã độc quyền trong việc nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng, đồng thời NHNN đã cấm các NHTM huy động vàng. Bây giờ NHNN độc quyền trong việc huy động vàng nữa có thể hiểu NHNN đang thực hiện chủ trương của Chính phủ làm sao để huy động 500 tấn vàng trong dân.
Nhưng để việc huy động vàng thành công, NHNN phải nói rõ với người dân về chính sách khi gửi vàng vào muốn rút ra như thế nào. Tức khi gửi vào 100 lượng vàng, nếu muốn rút 100 lượng đó ra được nhận bằng vàng hay sử dụng quy định kết hối như trước đây? Nếu áp dụng quy định kết hối, gửi vàng và rút ra bằng VNĐ, người dân sẽ e ngại vì họ chọn vàng nhằm mục đích tiết kiệm và muốn bảo toàn giá trị tài sản chứ không muốn nhận VNĐ. 
Thứ hai, việc huy động vàng rất rủi ro, nếu NHNN huy động vào với giá 36 triệu đồng/lượng, nhưng khi rút ra giá 37-38 triệu đồng/lượng, khoản lỗ đó sẽ do ngân sách chịu hay lấy nguồn nào để bù lỗ, và ngược lại khi huy động có lợi nhuận sử dụng vào đâu cũng là một vấn đề đặt ra. Nhìn chung, NHNN là một định chế tài chính công, đứng ra làm nhiệm vụ điều tiết vĩ mô chứ không phải sản xuất kinh doanh, nên NHNN đứng ra huy động kinh doanh sẽ dẫn đến lo ngại phạm phải vấn đề “vừa đá bóng vừa thổi còi”. 
Một chuyên gia về vàng cũng nhận định, NHNN muốn độc quyền huy động vàng của các cá nhân tổ chức và kinh doanh vàng tài khoản bởi lẽ nếu để cho các NHTM và DN tham gia sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường vàng. Song muốn huy động vàng trong dân, phải nhìn đúng bản chất của thị trường để có giải pháp phù hợp.
Bản chất của việc giữ vàng ở Việt Nam không phải do cần vàng mà cần giá tiền của vàng thay đổi theo thời gian, nên muốn huy động vàng và người dân tham gia kinh doanh vàng tài khoản có thể thành lập một sàn vàng quốc gia tập trung theo mô hình của nước ngoài. 
Một sàn vàng vận hành tốt đòi hỏi nhiều yếu tố như đầu tư nhân lực, công nghệ và quản trị rủi ro để tránh xu hướng chạy một chiều bán hoặc một chiều mua như các sàn vàng trước đây.
Vì vậy, mô hình hợp lý cho sàn vàng tại Việt Nam là một cơ quan trực thuộc NHNN sẽ đứng ra quản lý sàn, các NHTM hoặc các tổ chức tài chính khác được tham gia với tư cách là nhà tạo lập thị trường cung ứng hợp đồng, các tổ chức môi giới, tổ chức tự doanh tham gia để kết nối người mua người bán.
Theo đó, NHNN có thể tận dụng mạng lưới sẵn có của các NHTM cũng như nhân lực có chuyên môn của các NH và các DN. Sàn vàng này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề như cơ quan quản lý thu được tiền tươi thóc thật nhưng không cần lo xuất vàng ra trả cho người dân, không lo rủi ro vì sàn giao dịch sẽ tự cân đối, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư cũng như những người dân muốn gửi gắm tài sản vào kênh vàng.
Đồng thời, khi người dân quen dần với việc mua vàng trên các sàn giao dịch hàng hóa để giữ giá trị tài sản tích lũy và đầu tư, NHNN cũng sẽ không cần lo về việc quản lý sản xuất, gia công, mua bán vàng miếng. 

Các tin khác