Có nên bỏ quyết toán thuế TNCN?

(ĐTTCO) - Điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Bộ Tài chính là các quy định liên quan đến quyết toán thuế, hoàn thuế. Song dự thảo này đang tạo nên những phản ứng trái chiều.
 
Bộ Tài chính: Bỏ vì nhiều thủ tục
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 và Điều 8 Luật thuế TNCN, kỳ tính thuế theo năm áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Trong năm, cá nhân phát sinh thu nhập được cơ quan chi trả tạm khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến. Đối với trường hợp không ký hợp đồng lao động, khấu trừ theo thuế suất 10% đối với thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên từng lần chi trả.
Cá nhân có nhiều nguồn thu nhập trong năm, đến cuối năm nếu phát sinh số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa đề nghị hoàn phải quyết toán thuế.
Về quy định này, theo Bộ Tài chính thực tế nhiều cá nhân không nhớ chính xác các khoản thu nhập đã khấu trừ tại nguồn, nên việc phải tự tổng hợp thu nhập để xác định có phải nộp thêm hoặc được hoàn hay không rất khó khăn.
Trong thực hiện đã phát sinh nhiều trường hợp khi cơ quan thuế phát hiện vừa bị truy thu thuế vừa bị phạt dù với số tiền không lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải sửa đổi cách tính thuế để hạn chế tối đa các trường hợp phải quyết toán thuế, đặc biệt với nhóm người làm công ăn lương sau khi khấu trừ tại nguồn theo đúng quy định sẽ không phải quyết toán thuế. 
So với số lượng người nộp thuế, số lượng cá nhân trực tiếp quyết toán thuế khoảng 1%. Tuy nhiên, số lượng này vẫn gây quá tải cho cơ quan thuế tại thời điểm quyết toán hàng năm. Cụ thể, trên 50% trường hợp quyết toán có số thuế chênh lệch nhỏ (bao gồm cả trường hợp nộp thêm và trường hợp được hoàn), nhưng người nộp thuế và cơ quan thuế vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình phức tạp liên quan đến thu ngân sách.
Để đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế, dự thảo đề xuất phương án bỏ quyết toán thuế. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tính thuế TNCN hàng tháng theo biểu thuế lũy tiến, cuối năm tổ chức chi trả có trách nhiệm tính lại theo thu nhập bình quân 12 tháng để xác định phải nộp thêm hoặc nộp thừa và tự bù trừ cho cá nhân.
Với việc giảm bậc chịu thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần (giảm 7 bậc xuống còn 5 bậc), hầu hết cá nhân sẽ được giảm số thuế phải nộp so với hiện nay. Việc bỏ quy định quyết toán thuế được cho ít ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân. 
Ngoài ra, tại các văn bản hướng dẫn luật (nghị định, thông tư) sẽ quy định cá nhân làm việc có ký hợp đồng lao động tại nhiều nơi sẽ tính thuế TNCN hàng tháng theo biểu thuế lũy tiến tại từng nơi, cuối năm không phải gộp chung để tính lại. Đối với thu nhập vãng lai (không ký hợp đồng lao động) khấu trừ theo thuế suất 10% đối với thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên từng lần chi trả; cá nhân chỉ được tính giảm trừ gia cảnh tại 1 nơi có tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Có nên bỏ quyết toán thuế TNCN? ảnh 1  
Người lao động làm 2 nơi: Phản ứng
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, với các cá nhân cư trú nhận thu nhập từ 2 nơi trở lên, trong trường hợp hàng tháng các tổ chức chi trả thu nhập đã khấu trừ thuế đầy đủ, phần lớn cá nhân này đều thuộc đối tượng được hoàn thuế hoặc không phải nộp thêm thuế.
Việc hoàn thuế do giảm thu nhập tính thuế bình quân tháng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như thuế TNCN bị khấu trừ trong các tháng có thưởng hoặc tháng lương thứ 13 cao bất thường; cá nhân phát sinh thu nhập không chịu thuế tại một số tháng; tăng số người phụ thuộc đủ điều kiện được giảm trừ tại thời điểm quyết toán thuế TNCN. Do đó, việc bỏ quyết toán thuế TNCN sẽ tước đi quyền lợi được nhận lại số thuế đã nộp thừa của cá nhân, ảnh hưởng đến quyền lợi người nộp thuế.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cũng cho rằng cần cân nhắc bỏ việc hoàn thuế TNCN vì sẽ gây thiệt hại cho người lao động có thu nhập thấp. Thí dụ, bà X làm ở công ty A lãnh 5 triệu đồng/tháng, có đăng ký giảm trừ gia cảnh. Công ty A không thu thuế TNCN bà X vì không có thu nhập tính thuế. Bà X còn làm thêm ở công ty B với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.
Công ty B thu thuế TNCN bà X theo mức thuế suất 5% là 250.000 đồng/tháng (5 triệu đồng x 5%) và 1 năm là 3 triệu đồng. Thu nhập cả năm 120 triệu đồng nên bà X theo luật chỉ nộp thuế TNCN 600.000 đồng (120 triệu đồng - 108 triệu đồng) x 5%). Nếu được hoàn thuế TNCN bà X sẽ được hoàn 2,4 triệu đồng (3 triệu đồng - 600.000 đồng), do bỏ hoàn thuế TNCN bà X sẽ bị thiệt hại 2,4 triệu đồng.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế - Deloitte Việt Nam, cho rằng cần làm rõ khái niệm “bỏ quyết toán”. Việc bỏ quyết toán có thể phù hợp với cá nhân có toàn bộ thu nhập trong năm nhận được từ các tổ chức chi trả tại Việt Nam, nhưng với cá nhân có toàn bộ hoặc một phần thu nhập do các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài chi trả trong 1 năm tính thuế sẽ không phù hợp.
Ngoài ra, Nhà nước có thể thất thu thuế vì nhiều trường hợp đến cuối năm người nộp thuế mới có thể tổng hợp lại toàn bộ thu nhập của họ ở tất cả nguồn chi trả thu nhập trong năm, cả trong và ngoài nước, kể cả những nguồn thu nhập đã được khấu trừ hoặc chưa được khấu trừ thuế. Do đó, nếu không có việc quyết toán, đối chiếu lại thu nhập, Nhà nước có thể thất thu thuế không nhỏ đối với các đối tượng này.

Các tin khác