Chứng khoán hóa trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Phát triển trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường vốn, giúp giảm sức ép vốn trung và dài hạn đối với hệ thống NH. 
Nhưng hiện nay dư nợ TPDN so với GDP còn nhỏ, đối tượng nắm giữ chủ yếu vẫn là NHTM, thay vì nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức tài chính khác. Trao đổi với ĐTTC, TS. BÙI QUANG TÍN (ảnh), Trường Đại học NH TPHCM, cho rằng cần chứng khoán hóa TPDN để mở ra cơ hội mới cho nhà đầu tư tham gia thị trường vốn còn nhiều tiềm năng này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/2016 quy định  TCTD, chi nhánh NH nước ngoài mua TPDN, trong đó có nội dung các tổ chức này không được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của DN. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Chứng khoán hóa trái phiếu doanh nghiệp ảnh 1
TS. BÙI QUANG TÍN: - Theo quy định tại Nghị định 90/2011 của Chính phủ về phát hành TPDN, DN có thể phát hành TP với 3 mục đích: thực hiện các chương trình dự án đầu tư của DN, tăng quy mô vốn hoạt động của DN và cơ cấu lại các khoản nợ của DN.
Thực ra, việc phát hành TPDN để cơ cấu lại các khoản nợ cũng có điểm tích cực. Theo đó, DN phát hành TP và NH mua tương tự như cho vay tín chấp. Nếu NH cho vay trung, dài hạn với lãi suất 10-12%/năm, lãi suất cho vay tín chấp phải 14-15%/năm, thậm chí cao hơn. Trong khi với TPDN, DN có thể vay tín chấp với lãi suất 12-13%/năm, tức giảm được chi phí. Vì thế, nếu cấm TCTD, chi nhánh NH nước ngoài mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, sẽ làm mất đi chức năng và tác động tích cực này đối với DN.

Tuy nhiên, việc mua lại TPDN để cơ cấu lại khoản nợ của DN nếu không kiểm soát tốt cũng có rủi ro. Bởi thông thường DN phát hành TP cho NH trong các trường hợp trả cho các khoản nợ của TP cũ, trả những khoản nợ đang vay tại NH đó hoặc tại các TCTD khác. Do đó, đối với vấn đề NH mua TPDN cũng nên quy định tương tự trường hợp NH cho vay tuần hoàn.
Tháng 9-2016, NHNN có công văn nghiêm cấm NH cho vay tuần hoàn nhưng sau đó tại Khoản 8, Điều 27 Thông tư 39/2016 của NHNN đã cho phép hình thức cho vay này, nhưng phải đáp ứng 4 điều kiện NHNN đưa ra. Áp dụng vào trường hợp này, nếu cơ quan quản lý đưa ra những điều kiện NH đáp ứng được thì vẫn cho NH mua TPDN để cơ cấu lại nợ DN.
Chẳng hạn, DN đó không có khoản nợ xấu tại các TCTD vẫn được phát hành TPDN và NH có thể mua, cho phép DN phát hành TP kể cả để trả nợ cho khoản TP cũ, nhưng với điều kiện cơ quan thanh tra giám sát chặt chẽ vấn đề này, nếu không rủi ro sẽ rất cao.

- Hiện nay các NHTM nắm giữ đến 75,5% dư nợ TPDN. Theo ông cần làm gì để các thành phần khác như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN nhiều hơn?

- Hiện nay, đối với TPDN, nhà đầu tư cá nhân khó tham gia vì họ khó thẩm định được hồ sơ DN và phát hành TPDN không có tài sản thế chấp. Khi DN phát hành TPDN cho NH, NH cho vay cũng căn cứ vào hồ sơ phát hành TP của DN. Với đặc điểm đó, nếu cá nhân tham gia sẽ gặp rủi ro lớn, trừ khi thị trường TP phát triển, TPDN thay vì phát hành cho NH mua sẽ phát hành ra thị trường chứng khoán (TTCK). Nhưng muốn phát hành trên TTCK, TPDN cần có công ty uy tín định giá DN đó. 

Ở nước ngoài, DN A phát hành TP trên TTCK, lúc đó TPDN được xếp hạng tín nhiệm (rating) và được bán như cổ phiếu. Rating này phải do công ty xếp hạng tín nhiệm có uy tín đánh giá, như ở Hoa Kỳ có Công ty Standard & Poor 500 (S&P 500) đánh giá TP. Thí dụ TPDN được BB+ hay BB-, theo đó nhà đầu tư nhìn thấy mức độ rủi ro của TPDN có tương ứng với mức lãi suất DN trả hay không. 

Tại nước ta, người dân chưa tham gia vì khi DN Việt Nam phát hành TP không được công ty định giá có uy tín rating. Nếu làm được điều này, quỹ đầu tư cũng sẽ tham gia mạnh, thậm chí lúc đó các NH cũng khó tham gia. Các quỹ đầu tư ưa thích DN có lợi nhuận cao, rủi ro thấp, nhưng DN Việt Nam quá nhiều rủi ro, thậm chí cả TP của NH phát hành cũng có rủi ro, đó là lý do các quỹ đầu tư chưa chuộng TPDN.

- Theo lộ trình phát triển thị trường TP giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030. Vậy theo ông làm thế nào để đạt được mục tiêu này? 

- Đây là định hướng đúng nhằm phát triển lành mạnh thị trường tài chính, giảm gánh nặng nguồn vốn trung và dài hạn đang đặt trên vai các NHTM. Nhưng để đạt được mục tiêu còn phụ thuộc vào cách thức triển khai, kể cả việc học hỏi cách làm của nước ngoài.
Theo đó, TPDN phải được chứng khoán hóa, đưa thẳng lên TTCK và phải có những công ty định giá uy tín, thậm chí kêu gọi S&P 500 tham gia rating, để chấm điểm tín nhiệm DN. Bên cạnh đó cần có cơ chế ưu tiên thuế cho người dân và DN tham gia thị trường TPDN.
Một yêu cầu nữa là phải đa dạng hóa sản phẩm. Tương tự như tại các NH, sản phẩm TPDN phải nhiều kỳ hạn, nhiều hình thức trả lãi, hay TP đó có thể chuyển thành cổ phiếu, có thể được cầm cố thế chấp tại NH, với các điều kiện ưu đãi thông qua sự đảm bảo của bên phát hành TP.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác