Chứng khoán hóa nợ xấu

(ĐTTCO) - Trong quá trình xử lý nợ xấu, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng biện pháp chứng khoán hóa (CKH) nợ xấu, giảm được áp lực thu nợ, tiết kiệm nguồn lực, vốn để thực hiện các khoản cho vay mới.
Chứng khoán hóa nợ xấu
 Tại Việt Nam, CKH các khoản nợ đang được Bộ Tài chính nghiên cứu. Tuy nhiên, để tiến tới CKH các khoản nợ cần hoàn thiện không chỉ hành lang pháp lý mà còn nhiều điều kiện liên quan khác.
Giải pháp xử lý nhanh nợ xấu
Ngày 16-7-2017, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2071 triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, đồng thời nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động CKH các khoản nợ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp.
Theo đó, nợ xấu sẽ được chuyển thành trái phiếu hoặc cổ phiếu, được “đóng gói” bởi một tổ chức chuyên trách và bán đấu giá trên thị trường. Các chứng khoán này được đảm bảo bằng tài sản thế chấp hoặc bởi một TCTD hay cơ quan quản lý. 
Theo TS. Nguyễn Thị Thùy Linh, Trưởng khoa NH Trường Đại học Kinh tế TPHCM, hiện nay hoạt động mua bán nợ chủ yếu diễn ra đối với các khoản nợ xấu, còn các khoản nợ chất lượng cao không giao dịch trên thị trường tập trung. Đối với nợ xấu cũng chỉ có 3 chủ thể chính là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) của Bộ Tài chính, Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) của NHNN và các công ty mua bán nợ (AMC) của NHTM tham gia.
Thiếu thị trường mua bán nợ là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế chủ thể tham gia quá trình này. Do đó, CKH các khoản nợ là điều kiện để phát triển thị trường mua bán nợ tập trung, tạo ra thanh khoản cao cho thị trường, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh tham gia. 
Theo các chuyên gia tài chính, CKH được coi là giải pháp giải quyết được vấn đề phụ thuộc vào vốn huy động của các NHTM, giảm được áp lực cạnh tranh trong những giai đoạn có vấn đề về thanh khoản, tạo điều kiện cho các NHTM thực hiện thành công quản trị rủi ro của mình thông việc tái cấu trúc danh mục tài sản trong hoạt động tín dụng.
Đồng thời, CKH khoản nợ sẽ giúp NH giải quyết được những món nợ đối với doanh nghiệp có nguy cơ giải thể, phá sản do không thanh toán được nợ nhanh hơn. Khi khoản nợ đã được chuyển thành cổ phần, NH sẽ dễ dàng tìm nhà đầu tư, đối tác mua lại nợ với một tỷ lệ sở hữu, chi phối tùy theo nhu cầu. Qua đó, các đối tác này có thể tiếp cận và tái cơ cấu doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp đó. CKH nợ xấu cũng là một giải pháp hữu hiệu để VAMC giải quyết triệt để được nợ xấu đã mua từ các TCTD, bởi VAMC đang hướng đến việc mua bán nợ theo giá thị trường.

Cần nhiều điều kiện
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện CKH các khoản nợ tại Việt Nam. Đó là đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý hỗ trợ quá trình này, đặc biệt với những khoản nợ liên quan đến tài sản đảm bảo là bất động sản. Để CKH các khoản nợ cần phải có các quy định cụ thể về các chủ thể được phép tham gia cũng như quyền của họ, hay việc đánh giá chất lượng các khoản nợ đòi hỏi một cơ chế hỗ trợ đồng bộ.
Đặc biệt, để thực hiện CKH, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm phải tham gia với vai trò mạnh hơn và các NH phải đáp ứng được các chỉ số hoạt động theo chuẩn Basel II. Một môi trường đầy đủ điều kiện này mới có cơ sở để đánh giá, xếp hạng các khoản vay và các khoản nợ, có đủ thông tin để thực hiện quá trình CKH và mua bán các khoản nợ.
Bên cạnh đó, khi CKH nợ xấu còn phải tính đến mặt rủi ro. Tại các thị trường như Hoa Kỳ và châu Âu đã từng xảy ra tình trạng nhiều NH thoải mái bán những khoản nợ được CKH ra thị trường, dẫn đến sự dễ dãi trong cho vay. Vì khi CKH các khoản nợ, NH dù có trách nhiệm thu nợ nhưng khoản nợ đó đã bán cho nhà đầu tư hoặc tổ chức đặc biệt.
Nếu không có những quy định chặt chẽ về quy trình cho vay, NH có thể lơ là khâu thẩm định cho vay, dẫn đến những khoản cho vay kém chất lượng, cho vay dưới chuẩn, và nếu tín dụng tăng trưởng cao còn có thể dẫn đến rủi ro và đổ vỡ hàng loạt. Do đó, khi thực hiện phương cách này, việc đánh giá, kiểm soát chất lượng khoản vay là yêu cầu rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho hệ thống NH. 
Hiện nay, các NH tại Việt Nam đang tiến đến Basel II, là cơ sở tốt để loại trừ rủi ro trên. Bởi theo chuẩn Basel II, từng khoản vay được đánh giá theo mức độ rủi ro. Nhưng hiện chỉ có các NHTM lớn mới nỗ lực thực hiện mục tiêu này. Ngoài ra, các quy định về loại tài sản, những khoản cho vay nào được CKH, cũng như cần nhà cung cấp dịch vụ đóng vai người dàn xếp để cổ đông và các chủ nợ tự thỏa thuận xử lý.
Với nhiều yêu cầu đặt ra như vậy, muốn CKH các khoản nợ ngay trong năm nay sẽ khó khả thi, mà cần phải có lộ trình theo từng bước. Quan trọng là hoàn thiện được hành lang pháp lý và các điều kiện để đánh giá được độ rủi ro của NH mới có thể thực hiện CKH nợ xấu hiệu quả.
 Năm 1968, Hoa Kỳ đã thành lập Hiệp hội Bất động sản quốc gia trực thuộc Vụ phát triển nhà ở và đô thị. Hiệp hội có nhiệm vụ mua các khoản nợ có thế chấp bất động sản từ các bên cho vay với giá ưu đãi, đã hỗ trợ tốt vấn đề nhà ở tại nước này. Tương tự, năm 1997, Hàn Quốc vướng vào khủng hoảng tài chính do nhiều doanh nghiệp phá sản kéo nợ xấu tăng cao, 5 NH bị phá sản, bán lại và sáp nhập vào NH khác. Để tháo gỡ, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó có CKH nợ xấu. Theo đó, Kamco (được sở hữu bởi 3 đơn vị là Bộ Tài chính và Kinh tế, NH Phát triển Hàn Quốc và các định chế tài chính khác) đã mua lại nợ xấu trị giá 111.000 tỷ won (tương đương 93 tỷ USD) từ các NH để CKH, và bán thành công 65.000 tỷ won trong vòng 5 năm cho các nhà đầu tư. 

Các tin khác