Chưa đến thời điểm đánh thuế lãi tiền gửi

(ĐTTCO) - Tại hội thảo lấy ý kiến sửa 5 luật do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hồi giữa tháng 9, có ý kiến đề xuất đánh thuế các khoản lãi từ tiền gửi của cá nhân. Đề xuất này gây ra nhiều tranh cãi. 

Đa số ý kiến cho rằng có thể áp dụng nhưng trong môi trường gửi tiền tại Việt Nam chưa thật sự hoàn hảo, ngành NH lại đang cần vốn để tăng tín dụng, nếu đánh thuế sẽ ảnh hưởng đến đầu vào của NH, gây ra nhiều tác động khó lường khác.

Đề xuất được đưa ra nhiều lần
 Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico), cần phải quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các TCTD khi vượt một mức nhất định. Thí dụ, nếu thu nhập từ lãi tiết kiệm cao hơn 2 lần mức thuế khởi điểm (tính theo năm) của thu nhập cá nhân tính thuế, cần đưa vào diện nộp thuế. Mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định hiện nay 108 triệu đồng. Theo đó khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của cá nhân hơn 200 triệu đồng mới phải nộp thuế. 
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm được đưa ra. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng đã đề xuất đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh. Trước đó, trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân được Bộ Tài chính công bố năm 2006, cũng đề xuất Nhà nước đánh thuế trên phần lãi thu được của người gửi tiền tại NH, nhằm bảo đảm tính công bằng xã hội. Theo dự thảo, thuế suất đối với đối tượng này dự kiến 5% và ước tính tổng số tiền gửi tiết kiệm của cá nhân từ 700-800 triệu đồng trở lên phải nộp thuế.
Thực tế, đề xuất mới nhất được một số chuyên gia đồng tình, cho rằng tiền gửi tiết kiệm cũng là hình thức đầu tư vốn, là thu nhập phải chịu thuế như các khoản thu nhập khác. Theo đó, mức thuế suất được đề xuất khoảng 5%, mức thu nhập từ lãi được áp thuế cũng đa dạng hơn.
Cụ thể, áp dụng đối với những khoản lãi tiền gửi từ trên 5 triệu đồng, hoặc áp dụng đối với người có khoản thu nhập trên 9 triệu đồng cộng cả lãi suất NH sau khi giảm trừ gia cảnh. Theo các chuyên gia ủng hộ quan điểm này, việc thu thuế như vậy đang được nhiều nước áp dụng, và khoản thu nhập bị tính thuế này chỉ ảnh hưởng đến người giàu, không tác động đến người nghèo. 
Ở phía ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng đây là hình thức tận thu. Phần lớn người tham gia gửi tiết kiệm đều là đối tượng chính sách và người nghèo dành dụm tiền để bổ sung nguồn thu nhập, đánh thuế sẽ khiến họ bị giảm nguồn thu nhập chính đáng này. Hơn nữa, để có được khoản thu nhập đem gửi NH, người dân đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nếu tiếp tục thu thuế nữa tức thuế chồng thuế ngay tại một sắc thuế.
Ngoài ra, không loại trừ việc người dân chia nhỏ tài khoản rồi gửi tại nhiều NH, hoặc mở sổ tiết kiệm bằng tên của người thân, trong khi NH để huy động được vốn sẽ không cung cấp thông tin tài khoản tiền gửi của khách hàng, việc đánh thuế sẽ khó áp dụng.
Chưa đến thời điểm đánh thuế lãi tiền gửi ảnh 1 Đánh thuế gửi tiết kiệm thời điểm này khó thu hút nguồn vốn dân cư. Ảnh: LONG ẨN 
Môi trường chưa phù hợp để đánh thuế
Khi đưa ra đề xuất thu thuế đối với lãi tiền gửi cá nhân tại các TCTD trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2006, đại diện Bộ Tài chính giải thích, trên thế giới đã có 90 nước tiến hành thu thuế này với mức thu 10%, 20% và 35%, thậm chí có nước thu đến 50%. Việc thu thuế tại Việt Nam chỉ hướng đến khoản lãi tiền gửi trên 5 triệu đồng với mức thu chỉ 5%. Tuy nhiên, đề xuất này ngoài sự phản đối của người dân, đa số ý kiến trong các phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời điểm đó không ủng hộ đưa lãi suất tiền gửi tiết kiệm vào diện phải nộp thuế, vì sẽ ảnh hưởng đến huy động tiền nhàn rỗi trong dân. 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20-9, huy động vốn của các TCTD chỉ tăng 10,08% so với cùng kỳ, trong khi năm 2016 đạt 12,02%. Cũng trong khoảng thời gian này, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,02% (cùng kỳ năm trước tăng 10,46%), cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Từ nay đến cuối năm, tín dụng phải tăng thêm 10% để đạt mức tăng trưởng 21%. Mục tiêu này tạo áp lực hút vốn đầu vào của các NH rất lớn. Có thể thấy hiện các NHTM đang tìm cách huy động vốn từ cạnh tranh với các hình thức tiết kiệm thông thường đến phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu ghi danh, trái phiếu… với lãi suất lên đến hơn 8%/năm. 
Nhìn xa hơn, hiện nay nhiều nước thu thuế từ lãi tiền gửi nhưng kèm theo đó quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo rất cao. Theo đó, tiền trong các tài khoản của khách hàng kể cả ngoại tệ đều được bảo hiểm. Trong trường hợp NH phá sản, khách hàng có tài khoản tại NH đó sẽ nhận được một khoản tiền trị giá 90% tổng số tiền có trong tài khoản.
Trong khi đó, ở Việt Nam, người dân tham gia gửi tiết kiệm, ngay từ đầu đã chịu rủi ro vì thông tin của các NH còn thiếu minh bạch, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của cá nhân tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa chỉ 75 triệu đồng. Vì vậy, đa số người dân cho rằng, đề xuất này không phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Hệ thống NH đang đứng trước mục tiêu tăng tín dụng, nếu đánh thuế người dân sẽ không gửi tiền vào nữa, thậm chí rút cả những khoản tiền đang gửi tại NH ra, chuyển sang đầu tư đầu tư bất động sản, chứng khoán hoặc có thể tích trữ vàng, USD, ảnh hưởng đến mục tiêu chống vàng và đô la hóa nền kinh tế. Khi đó, các NH phải chạy đua tăng lãi suất huy động để hút tiền, gây ra những xáo trộn khó kiểm soát và bất lợi về vĩ mô. 
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế

Các tin khác