Chọn nhà đầu tư phù hợp hỗ trợ tái cơ cấu

(ĐTTCO) - Sau khi hoàn thành tái cơ cấu (TCC) giai đoạn 2012-2014, NHTMCP Sài Gòn (SCB) tiến hành TCC giai đoạn 2015-2019. 
Chọn nhà đầu tư phù hợp hỗ trợ tái cơ cấu
Trong đó, SCB đã được NHNN chấp thuận bán cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên 50% vốn để TCC. Đây là vấn đề NĐT và cổ đông rất quan tâm. ĐTTC đã trao đổi với ông VÕ TẤN HOÀNG VĂN (ảnh), Tổng giám đốc SCB, để hiểu thêm kế hoạch TCC và tìm kiếm NĐTNN của NH này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, từ khi thông báo đã được NHNN chấp thuận bán cổ phần cho NĐTNN trên 50% vốn, đến thời điểm này SCB đã chọn lựa được NĐTNN phù hợp?

Ông VÕ TẤN HOÀNG VĂN: - Hiện đã có rất nhiều tổ chức tài chính đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Na Uy… tiếp cận và đặt quan hệ hợp tác góp vốn vào SCB. Tuy nhiên, quan điểm SCB là thận trọng trong việc chọn lựa NĐT có tiềm lực tài chính mạnh, có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển và hài hòa lợi ích giữa các bên.
Hiện SCB đang trong quá trình tìm hiểu, thương thảo, dự kiến đầu năm 2018 sẽ chọn được NĐTNN phù hợp và đặt mục tiêu trong năm 2018-2019 hoàn thành việc bán cổ phần cho NĐTNN. SCB sẽ sử dụng nguồn vốn thu được từ việc bán cổ phần được phát hành mới cho NĐTNN để bổ sung vào nguồn vốn hoạt động.

- Có ý kiến cho rằng nới room trên 50%, NĐTNN sẽ nắm quyền chi phối, có thể tác động đến hoạt động của hệ thống NH Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Theo tôi, việc nới room cho NĐTNN là cần thiết, nhằm thu hút lượng tiền mới để đầu tư tài chính tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội sử dụng nguồn vốn giá rẻ để mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Về chính sách nới room, SCB kiến nghị có cơ chế linh hoạt đối với NĐTNN. Đối với NHTM nhà nước đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế, đồng thời thực thi một số chính sách điều tiết vĩ mô của Chính phủ, NHNN, nên có thể tiếp tục áp dụng cơ chế thận trọng trong việc thu hút NĐTNN như hiện nay.
Đối với các TCTD có tình hình hoạt động bình thường, tỷ lệ góp vốn của NĐTNN được nâng lên và tối đa ở mức 49% để bảo hộ NĐT trong nước. Riêng đối với các TCTD đang trong quá trình TCC, rất cần vốn cho hoạt động kinh doanh không giới hạn tỷ lệ tham gia góp vốn của NĐTNN.
Chọn nhà đầu tư phù hợp hỗ trợ tái cơ cấu ảnh 1  
- Từ ngày 15-8, Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu bắt đầu có hiệu lực, vậy SCB nói riêng và ngành NH nói chung sẽ có những thuận lợi gì trong việc xử lý nợ xấu?
- Trong những năm qua, Chính phủ đã cho phép thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) thực hiện bóc tách nợ xấu ra khỏi hệ thống các TCTD để tập trung xử lý, tạo điều kiện cho các TCTD có thời gian xử lý nợ xấu thông qua việc bán tài sản để thu hồi nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Việc này giúp các TCTD lành mạnh về mặt tài chính, khai thông hoạt động kinh doanh, tạo nguồn thu, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Vì thế, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu đã góp phần đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu. Nghị quyết cho phép các TCTD thu giữ tài sản, bán thanh lý, tránh trường hợp xử lý nợ xấu kéo dài quá lâu. Đồng thời, Nghị quyết chính thức cho phép TCTD xử lý nợ xấu bán tài sản theo giá thị trường, kể cả thấp hơn giá trị ghi sổ.
Quy định này là bước đột phá, giúp TCTD yên tâm tập trung xử lý nợ xấu. Nghị quyết cũng tháo gỡ về mặt quy trình, cơ chế trong việc phối kết hợp của các cơ quan ban, ngành liên quan, có cơ chế ưu đãi về thuế giúp cho quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn.
Các TCTD cũng được phép được phân bổ lãi dự thu đã được ghi nhận trước đó trong thời gian tối đa 10 năm. Đây là bước đi cần thiết, mang tính kiến tạo môi trường xử lý nợ xấu, giúp quá trình xử lý nợ xấu được thực hiện nhanh, hiệu quả, giúp TCTD khai thông nguồn vốn bị ứ đọng và nhanh chóng đưa vào lưu thông, phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, kể cả nợ bán cho VAMC, còn góp phần giảm chi phí hoạt động của TCTD, từ đó giảm lãi suất cho vay, kích thích đầu tư phát triển, mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế. 
- Hiện nay nhiều NH đang có xu hướng phát triển dịch vụ để giảm phụ thuộc vào tín dụng. Vậy SCB có kế hoạch gì để đa dạng nguồn thu ngoài lãi, gia tăng lợi nhuận, thưa ông?
- NH số và hoạt động NH bán lẻ là xu hướng phát triển phù hợp trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện nay. Không nằm ngoài xu hướng đó, SCB trong thời gian qua đã đầu tư vào hệ thống bán lẻ, bao gồm cả về hệ thống công nghệ thông tin như hệ thống thẻ, eBanking. SCB chuẩn bị nâng cấp hệ thống NH lõi Core Banking Flexcube phiên bản mới nhất 12.3, tạo nền tảng vững chắc, hiện đại cho việc triển khai, phát triển các sản phẩm, dịch vụ NH trên môi trường công nghệ NH số.
Bên cạnh đó, NH không ngừng mở rộng kênh phân phối, bán chéo sản phẩm thông qua hình thức liên kết với các đối tác bảo hiểm Bảo Long, Manulife.., tạo ra kênh đầu tư mới và hấp dẫn, giúp khách hàng phòng ngừa rủi ro, và tối ưu hóa hiệu quả về mặt tài chính. Với sự đầu tư và quyết tâm trong việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và kênh phân phối, SCB hy vọng sẽ nâng tỷ trọng thu nhập ngoài lãi 25-30% trong vòng 3 năm tới.

- Ông có thể chia sẻ thêm về kết quả TCC của SCB đến thời điểm này?

- Về cơ bản mục tiêu TCC của SCB trong giai đoạn vừa qua đã đạt được: Ổn định về mô hình tổ chức, hoạt động kinh doanh, uy tín trên thị trường và thiết lập quan hệ tốt với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Là NH đứng vị trí thứ 5 về tổng tài sản, SCB tận dụng khai thác các dịch vụ đa dạng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường như sản phẩm thẻ, NH điện tử, chuyển tiền, dịch vụ tiền gửi, thanh toán dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp... bằng hệ thống công nghệ thông tin với nền tảng hạ tầng vững chắc, hiện đại.
SCB là NH tiên phong trong việc triển khai hệ thống bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế PCI DSS, nhằm bảo mật thông tin và dữ liệu của khách hàng ở mức độ tốt nhất.

Tuy nhiên, SCB cũng đã gặp không ít khó khăn trong giai đoạn TCC nên cần thời gian, sự quyết tâm và nỗ lực để xử lý. Chẳng hạn mức độ đầu tư vào bất động sản còn ở mức cao, trong khi chu kỳ thu hồi vốn của các dự án này còn kéo dài, vì vậy SCB cần thêm thời gian từ 3-5 năm nữa mới có thể xử lý xong.
Trong thời gian tới, SCB tiếp tục lành mạnh tài chính bằng cách tập trung xử lý nợ xấu, cơ cấu lại danh mục tài sản, hoàn thiện mô hình kinh doanh theo hướng bán lẻ,  hiệu quả theo lộ trình TCC giai đoạn 2015-2019.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác