Cho vay lãi suất 0% tiềm ẩn rủi ro?

(ĐTTCO) - Vài năm trước đây, để kích cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng điện máy, điện tử, các đơn vị bán lẻ thường áp dụng chiêu giảm giá “khủng”.

 Còn hiện nay, xu hướng kích cầu tiêu dùng đang bùng nổ là cho vay trả góp lãi suất 0%, mang lại hiệu ứng tốt hơn cả các chương trình giảm giá. Tuy nhiên, liệu các chương trình cho vay trả góp 0% có tiềm ẩn rủi ro?

Nở rộ trả góp 0%
 Mặc dù NHNN ủng hộ cho vay tiêu dùng, nhưng mô hình hiện nay có vẻ không bền vững. Nếu bản chất cho vay tiêu dùng là đầu tư sẽ rất bền vững trong tương lai như cho vay học hành, khám chữa bệnh… còn cho vay mua hàng nhập khẩu lại lệch ra ngoài cho vay tiêu dùng phục vụ tăng trưởng kinh tế, sẽ tạo ra cầu cho hàng nhập khẩu vào trong nước. Đây là vấn đề cần lưu ý.
Ông Nguyễn Tú Anh
Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN
Trong trung tâm điện máy Nguyễn Kim quận 1, TPHCM, một khách hàng tên Thanh Hùng đang chọn điện thoại chia sẻ anh đang có nhu cầu đổi điện thoại nhưng khả năng tài chính không thể trả ngay một khoản tiền hơn 21 triệu đồng. Nếu trước đây, muốn sở hữu chiếc điện thoại này anh cần tích lũy thêm vài tháng nữa, nhưng bây giờ anh có thể sở hữu ngay với hình thức mua hàng trả góp.
Điểm hấp dẫn hơn nữa là sản phẩm này đang được áp dụng chương trình trả góp 0%. Người mua chỉ cần phải trả hơn 10,5 triệu đồng, mỗi tháng góp hơn 1,9 triệu đồng trong vòng 6 tháng không lãi suất. Sau khi nhờ nhân viên tư vấn hỗ trợ làm hợp đồng và chỉ trong khoảng 30 phút, anh đã sở hữu ngay sản phẩm yêu thích. 

Sự cố thu hồi Galaxy Note 7 đã gây ra tâm lý không tốt của người tiêu dùng đối với thương hiệu này. Để bù đắp, khi giới thiệu dòng sản phẩm Galaxy S8, Samsung công bố chương trình trả góp lãi suất 0% áp dụng cho chủ thẻ tín dụng quốc tế của hàng loạt NH Citibank, HSBC, Sacombank, Techcombank, Shinhan Việt Nam và VietinBank. Sản phẩm này tại các cửa hàng Thế giới di động, Viettel Store, FPT Shop cũng được Home Credit và FE Credit áp dụng chương trình trả góp 0%. Chiêu thức bán hàng này đã thu hút không ít người tiêu dùng trong thời gian gần đây. 

Từ 2 trường hợp trên cho thấy trả góp 0% đang là giải pháp tối ưu giải quyết được sức mua của thị trường, trong đó nhà sản xuất có thể tăng nhanh doanh số, còn người tiêu dùng cảm thấy thoải mái hơn khi mua sắm. Ghi nhận của ĐTTC tại các trung tâm điện máy, cửa hàng điện thoại di động tại TPHCM trong thời gian gần đây, cứ khoảng 10 người mua hàng có đến 5 người hỏi nhân viên bán hàng về chương trình mua trả góp.
Theo một nhân viên kinh doanh của siêu thị điện máy Chợ Lớn, trước đây các trung tâm điện máy lâm vào cảnh ế ẩm, nhưng bắt đầu từ năm 2015, khi các công ty tài chính (CTTC) liên kết cho vay trả góp để mua sắm, việc kinh doanh đã thuận lợi hơn. Hình thức mua hàng trả góp cũng đa dạng. Mua trả góp có lãi suất, người mua sẽ được tăng kỳ hạn trả nợ, khoản tiền góp mỗi tháng thấp hơn. Còn nếu mua trả góp 0%, kỳ hạn trả nợ chỉ 6 tháng, khoản tiền góp hàng tháng cao hơn. Tùy theo khả năng trả nợ, người mua có thể lựa chọn hình thức phù hợp. 

Nhìn chung, so với các chương trình trả góp có lãi suất, các chương trình trả góp 0% đang được tăng cường hơn. Sản phẩm được áp dụng lãi suất bằng 0 cũng rất đa dạng, từ điện thoại, tivi, máy lạnh, tủ lạnh đến hàng gia dụng đều có trong danh mục này. Tháng 9-2016, Home Credit còn cho vay trả góp mua xe máy có giá từ 9-300 triệu đồng không lãi suất tại một số cửa hàng có hợp tác với CTTC này. Khách hàng chỉ phải trả trước 40% giá trị sản phẩm, phần còn lại sẽ được tài trợ trong vòng từ 6-12 tháng, hồ sơ vay gồm CMND và hộ khẩu với thời gian duyệt vay 15 phút.
Gần đây, nhiều CTTC tiếp tục mở rộng cho vay trả góp 0% đến các lĩnh vực như học ngoại ngữ, mua bảo hiểm, trang sức, vàng bạc, du lịch, chữa bệnh… Các trang mua sắm trực tuyến như Tiki.vn, Lazada cũng tham gia chương trình trả góp lãi suất 0% bằng thẻ tín dụng áp dụng cho đơn hàng từ 3 triệu đồng trở lên.
Cho vay lãi suất 0% tiềm ẩn rủi ro? ảnh 1 Cho vay mua hàng lãi suất 0% về lâu dài sẽ thiếu bền vững. 
Lợi bất cập hại
Rõ ràng chương trình trả góp 0% đang mang lại lợi ích là kích cầu được sức mua của thị trường, nhưng câu hỏi đặt ra là các TCTD cho vay tiêu dùng có lợi gì khi triển khai rầm rộ hình thức này? Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, CTTC và NHTM cung cấp tín dụng 0% chỉ khi họ đạt đươc thỏa thuận với nhà cung cấp sản phẩm, chẳng hạn để áp dụng lãi suất 0% cho sản phẩm máy điều hòa, nhà sản xuất phải cho CTTC hưởng 20% số tiền bán ra. Còn theo tìm hiểu thực tế của ĐTTC, các CTTC và NHTM cũng hưởng thêm một phần chênh lệch với các khoản phí áp dụng cho người vay.  Cụ thể, khi vay trả góp chiếc điện thoại hơn 21 triệu đồng từ CTTC Home Credit, người vay phải trả phí bảo hiểm 210.900 đồng và phí thu hộ 13.000 đồng/tháng. Tổng giá trị sẽ cao hơn giá bán chính thức 1,3 triệu đồng. Còn nếu vay FE Credit, phí bảo hiểm 175.750 đồng và phí thu hộ 12.000 đồng/tháng, chênh lệch so với giá bán chính thức cao hơn khoảng 1,1 triệu đồng. Đối với hình thức trả góp thẻ tín dụng, khách hàng phải chịu một số mức phí như phí chuyển đổi từ giao dịch mua hàng sang hình thức trả góp ưu đãi khoảng 2-3%/giá trị giao dịch, thanh toán trước hạn khoản trả góp phạt 2% trên dư nợ hiện tại, phí quản lý tài khoản 1%/tháng…
Như vậy, khi cho vay lãi suất 0%, các TCTD vẫn được lợi từ 2 phía. Trong khi đó, khi bán hàng trả góp 0%, nhà sản xuất, đơn vị bán lẻ thường cắt giảm các chương trình khuyến mại tặng phiếu mua hàng hoặc hoàn tiền nếu mua bằng thẻ tín dụng đối với khách hàng

Ở góc độ nhà cho vay, ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng giám đốc HD Saison, chia sẻ các CTTC cũng đau đầu với chương trình trả góp 0%. Chương trình này đang rất tốt, nhưng về lâu dài hình thức này làm xói mòn nghiêm trọng việc trả nợ, vì người tiêu dùng nghĩ rằng việc vay tiền không trả lãi trở thành một điều bình thường. Và thực hiện lâu dài, các TCTD cũng sẽ khó khăn. Biên lợi nhuận bán hàng đang giảm dần nên nhà sản xuất, nhà bán lẻ không thể tài trợ mãi hình thức trả góp 0% và các CTTC cứ chạy đua cạnh tranh nhau như vậy dù người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng thực sự điều đó lại gây hại cho họ rất nghiêm trọng.
Do đó, cần phải từng bước loại trừ dần dần hình thức này, không phải trong năm nay mà có thể phải mất 1-2 năm và cần phải có Hiệp hội các CTTC để giúp các đơn vị kết nối phối hợp để có giải pháp tốt hơn. 

Đại diện FE Credit, ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị, cho biết đối với cho vay tiêu dùng, tập trung của FE Credit không phải trả góp 0% mà là trả trước 0 đồng, mua hàng không cần trả trước nhưng vẫn có khoản lãi suất nhất định. 

Các tin khác