Cho thuê tài chính kênh vốn bị bỏ quên

(ĐTTCO) - Cho thuê tài chính (CTTC) là một giải pháp tối ưu về vốn trung và dài hạn, để các doanh nghiệp (DN) nhất là DN nhỏ và vừa có điều kiện ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất kinh doanh với chi phí phù hợp. Tuy nhiên, tại Việt Nam hoạt động CTTC vẫn chưa phát triển vì còn nhiều rào cản lớn.
Hoạt động yếu ớt
Trên thế giới, thuê tài chính là một kênh huy động vốn phổ biến và tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu hàng năm lên tới 1.000 tỷ USD. Tại Hoa Kỳ, 80% các DN lớn nhỏ nằm trong danh sách Fortune 500 đều thuê một phần máy móc thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Nhật Bản, doanh số CTTC hàng năm khoảng 50 tỷ USD. Ở Trung Quốc, lĩnh vực CTTC có 3.200 công ty hoạt động. Đây là hoạt động tín dụng trung và dài hạn thông qua việc cho DN thuê một phần hoặc toàn bộ máy móc, thiết bị phương tiện vận chuyển.
Hoạt động này chủ yếu hướng đến DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ hoặc những DN không có đủ khả năng tiếp cận nguồn vốn NH hay huy động vốn trên thị trường chứng khoán, giúp những DN này có cơ hội đổi mới công nghệ (thực tế nhiều DN lớn cũng tham gia để tối ưu hóa hoạt động). Bởi các DN nước ngoài quan niệm, tài sản nào tăng giá họ sẽ mua, tài sản nào mất giá sẽ đi thuê. 
 CTTC ra đời và phát triển ở Việt Nam hơn 20 năm nhưng hoạt động vẫn còn khá mờ nhạt, khi chỉ có 11 DN CTTC với dư nợ chỉ 383 triệu USD, tương đương 8.700 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ của các TCTD.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhận định tại Việt Nam, thuê tài chính là một phương tiện tài chính mà rất ít DN nghĩ đến.
Ở các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ, hơn 90% DN bên cạnh vay vốn NH sẽ đến các công ty CTTC để thuê trang thiết bị dụng cụ. Các DN có thể thuê với 2 dạng là thuê vận hành (thuê máy móc trang thiết bị) và thuê tài chính cho những trang thiết bị lớn. Thậm chí, ngay cả những hãng máy bay lớn cũng đi thuê tài chính khi muốn mua trang thiết bị có giá trị lớn cho sản xuất kinh doanh.
Theo đó, họ đàm phán với các công ty CTTC và thường thuê với hợp đồng 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm. Mỗi tháng, DN trả tiền thuê cho công ty CTTC. Đến cuối kỳ, DN có quyền mua trang thiết bị với giá trị còn lại của trang thiết bị. Đây là công cụ về tài chính rất hữu hiệu, tại các quốc gia xung quanh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, hình thức này cũng rất phát triển nhưng công cụ CTTC tại Việt Nam lại hoạt động rất yếu ớt.

Vừa thiếu vừa yếu
Với số lượng DN nhỏ và vừa chiếm đến 90% tổng số DN, lẽ ra hoạt động CTTC tại Việt Nam được đánh giá là đầy tiềm năng. Nhưng nguyên nhân dẫn đến CTTC không khai thác được tiềm năng vì rất nhiều DN hiện vẫn không biết đến CTTC, thậm chí có DN còn cho rằng đây là công ty cho vay trả góp. Hơn nữa, các công ty CTTC có nguồn vốn khá mỏng nên cũng không mở rộng phạm vi hoạt động. Trong số 11 DN CTTC chỉ có vài công ty có 2-3 chi nhánh, phòng giao dịch còn lại đa số chỉ có 1 chi nhánh, phòng giao dịch, hoạt động ở TPHCM và Hà Nội. 
Theo Thông tư 36/2014 của NHNN, các công ty CTTC chỉ được tài trợ tối đa cho một khách hàng trong hạn mức 25% vốn tự có. Hiện nay xét về quy mô vốn, tổng vốn điều lệ của 11 DN CTTC đang hoạt động chỉ đạt gần 4.620 tỷ đồng.
Trong đó, Vietinbank Leasing là công ty CTTC đứng đầu nhóm này với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, các công ty còn lại có vốn điều lệ phổ biến từ 200-400 tỷ đồng. Theo số liệu của NHNN, tổng vốn tự có bao gồm của các công ty tài chính và công ty CTTC tính đến tháng 8-2017 cũng chỉ ở mức 21.871 tỷ đồng. Trong khi chi phí mua máy móc thiết bị thường rất cao, nhưng giới hạn về vốn lẫn quy định cấp hạn mức tín dụng như vậy đã hạn chế rất lớn khả năng phát triển của lĩnh vực này.
Một yếu tố cản trở sự phát triển của CTTC nữa là hạn chế từ nguồn vốn đầu vào. Theo quy định, các công ty CTTC chỉ được huy động vốn từ các TCTD hoặc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, kênh huy động vốn bằng trái phiếu ít khả thi vì các công ty chưa có nhiều hoạt động nổi bật.
Còn với kênh huy động vốn từ các TCTD, các công ty CTTC phải vay vốn trung và dài hạn nên lãi suất vay vốn cao, dẫn đến lãi suất CTTC cũng cao tương ứng. Trong điều kiện như vậy, các công ty CTTC hoạt động khá chật vật. Thống kê trong các năm qua cho thấy, chỉ có khoảng 4-5 công ty CTTC hoạt động có hiệu quả, còn lại đều lỗ lũy kế kéo dài và nợ xấu cao.
Nguyên nhân vì vốn điều lệ ít, vốn huy động cũng không nhiều, nhưng các công ty CTTC lại ký hợp đồng cho thuê tài sản có giá trị lớn dẫn đến thiếu hụt thanh khoản. Tính từ khi hình thành đến nay, NHNN cũng đã 2 lần thu hồi giấy phép hoạt động của 2 công ty CTTC. 

Cần giải pháp hỗ trợ
Theo một chuyên gia tài chính, lĩnh vực CTTC tại Việt Nam cũng từng có một giai đoạn phát triển khá tốt, nhưng trong vòng 3 trở lại đây gặp nhiều khó khăn. Hành lang pháp lý cho thị trường CTTC chưa được quy định phù hợp, gây ra nhiều vướng mắc và không ít khó khăn đối với hoạt động của các công ty CTTC.
Đã vậy trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, những vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức để tháo gỡ. Chẳng hạn như các giao dịch CTTC chỉ được áp dụng với động sản như máy móc thiết bị nên sản phẩm dịch vụ cung cấp ra thị trường theo đó cũng hạn chế. Đồng thời, CTTC thường không có tài sản thế chấp nên rủi ro của DN CTTC cũng lớn. 
Trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu để có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động CTTC. Vì khi CTTC hoạt động tốt sẽ trở thành một kênh truyền dẫn vốn trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh của cộng đồng DN, một nhu cầu đang phổ biến và cần thiết để DN phát triển vững mạnh.
Thêm nữa, khi các công ty CTTC có điều kiện để mở rộng dịch vụ, các DN khởi nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ mới áp dụng vào dự án thông qua việc đi thuê tài chính với chi phí hợp lý. Theo đó, DN Việt Nam sẽ có điều kiện để tiếp cận được thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất kinh doanh, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Các tin khác