Chỉ chọn 1 trong 2

(ĐTTCO) - Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua có những quy định, điều khoản mới nhằm hạn chế vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống TCTD hiện nay. 
Chỉ chọn 1 trong 2
Trong đó, đáng chú ý là chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc của một TCTD không được đồng thời là chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của bất kỳ một doanh nghiệp (DN) khác.
Trong khi đó, hiện đang có khá nhiều NH mà tại đó chủ tịch HĐQT của NH kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc tại các DN khác như: SHB, ABBank, SeABank, TPBank, KienlongBank, NamABank, Sacombank, Techcombank, VietABank, VIB… Vấn đề đang được quan tâm là các ông chủ sẽ chọn NH hay chọn DN để đáp ứng yêu cầu của các TCTD. 
Cho đến thời điểm này chỉ mới có ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết sẽ từ chức Chủ tịch HĐQT tại Công ty Him Lam để tập trung vào quá trình tái cơ cấu Sacombank để thực hiện theo quy định sửa đổi của Luật các TCTD được áp dụng từ tháng 1-2018. Còn lãnh đạo các NH khác vẫn chưa có ý kiến về vấn đề này. Tại NCB, 10 ngày trước khi Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua đã có sự chuyển giao chiếc ghế chủ tịch HĐQT.
Theo đó, bà Trần Hải Anh đã được miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tiến Dũng trở thành tân Chủ tịch HĐQT NCB song ông lại là người sáng lập và nhiều năm giữ chức Chủ tịch HĐQT Gami Group. Do Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung đã được lấy ý kiến và bàn bạc trong suốt thời gian qua, nên dù thông tin ông Dũng làm Chủ tịch NCB được công bố trước khi luật thông qua, nhưng nhiều dự báo cho rằng vị này sẽ lựa chọn buông vị trí lãnh đạo tại DN để giữ chức danh mới vừa được bầu tại NCB. 
Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cũng lo ngại về tính hiệu quả trên thực tế của quy định này. Bởi vì trước đó NHNN cũng đã có quy định giới hạn cấp tín dụng giữa các công ty con của NH, giữa NH với các thành viên công ty con, “sân sau”, các công ty có liên quan tới ông chủ nhà băng không được vay hoặc phải được sự thông qua của HĐQT.
Vì vậy, để công ty sân sau vay được vốn từ NH, một số lãnh đạo DN không ngồi vào chiếc ghế HĐQT tại NH mà thay bằng người thân hoặc ngược lại. Do đó, với quy định mới, chủ các NH cũng có thể lách luật bằng cách thay thế vị trí tại NH hay DN bằng những người khác có liên quan để đáp ứng về mặt pháp lý, nhưng trên thực tiễn cả NH lẫn DN vẫn được điều hành dưới quyền lực của ông chủ đó.
Do đó, để hạn chế sự chi phối, thao túng, lợi ích nhóm phía sau không chỉ cần có quy định này mà cần phải giải quyết tận gốc, tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát chặt chẽ từ phía NHNN đối với hoạt động của các TCTD để phát hiện và xử lý kịp thời.

Các tin khác