Trái phiếu chính phủ: Chậm giải ngân, khó kích tăng trưởng

(ĐTTCO) - Năm nay, trái phiếu Chính phủ (TPCP) tiếp tục được mùa khi tính đến cuối tháng 7, Kho bạc Bhà nước (KBNN) đã hoàn thành đến 76,9% kế hoạch cả năm. 
Đáng chú ý, nhu cầu mua TPCP đang tập trung vào các kỳ hạn dài và lãi suất huy động TPCP về mức thấp nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, cũng như những năm trước, việc giải ngân vốn TPCP vẫn diễn ra chậm chạp.
Thuận lợi đầu vào

Trong quý II-2017, KBNN đã đấu thầu thành công 69.247 tỷ đồng TPCP, vượt kế hoạch đặt ra ban đầu 66.000 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, KBNN đã huy động thành công 125.745 tỷ đồng TPCP qua đấu thầu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hoàn thành 68,6% kế hoạch cả năm 2017. Đặc biệt, hiện lượng TPCP được phát hành tập trung vào các kỳ hạn dài. 

Hồi đầu năm, KBNN thông báo kế hoạch phát hành TPCP huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển trong năm 2017 với tổng mức phát hành 183.300 tỷ đồng. Khối lượng dự kiến chi tiết theo kỳ hạn như sau: kỳ hạn dưới 1 năm 18.000 tỷ đồng, kỳ hạn 2-3 năm 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm 80.300 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm 25.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm 20.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm 15.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, ngày 25-7, KBNN đã ban hành Công văn 3446 về điều chỉnh kế hoạch phát hành TPCP năm 2017. Theo Công văn này, tổng mức phát hành trong năm 2017 vẫn giữ ở mức 183.300 tỷ đồng, nhưng khối lượng dự kiến chi tiết theo kỳ hạn có sự thay đổi, chỉ phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Cụ thể khối lượng huy động kỳ hạn 5 năm là 49.300 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm 31.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm 20.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm 27.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm 23.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm 33.000 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý nữa là lãi suất TPCP hiện nay đã giảm khá mạnh. Theo số liệu từ phòng chào giá các nhà tạo lập thị trường của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, lợi suất giao dịch TPCP tại thời điểm cuối tháng 6-2017 đã giảm ở tất cả các kỳ hạn so với cuối tháng trước. Cụ thể, kỳ hạn 1 năm giảm 6,9 điểm, kỳ hạn 2 năm giảm 23,1 điểm, kỳ hạn 3 năm giảm 22,2 điểm, kỳ hạn 5 năm giảm 11,1 điểm, kỳ hạn 7 năm giảm 16,6 điểm, kỳ hạn 10 năm giảm 20,1 điểm và kỳ hạn 15 năm giảm 32,7 điểm.
Còn trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết thị trường TPCP tiếp tục diễn biến khả quan với tỷ lệ phát hành đạt 76,9% kế hoạch tính đến ngày 31-7-2017, tỷ lệ trúng thầu cao với mức 82,5%, lãi suất trúng thầu giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn (lãi suất trúng thầu bình quân các kỳ hạn giảm 0,93% so với tháng đầu năm) và mức độ quan tâm và nhu cầu của thị trường tốt. 

Điều này được dẫn dắt bởi 2 yếu tố là thanh khoản của hệ thống NH dồi dào và sự tham gia mạnh mẽ của của khối bảo hiểm và các nhà đầu tư khác ngoài NH. Dự báo với tốc độ huy động trung bình 20.000 tỷ đồng/tháng như hiện nay, KBNN sẽ hoàn thành kế hoạch huy động cả năm trong 2 tháng nữa. Tại các phiên đấu thầu gần đây nhất, lãi suất trúng thầu TPCP kỳ hạn 5 năm ở mức 4,6%/năm, kỳ hạn 7 năm 5,19%/năm, kỳ hạn 15 năm 6,25%/năm, kỳ hạn 20 năm 5,82%/năm, kỳ hạn 30 năm 6,1%/năm.
Trong khi đó, trong các phiên đấu thầu diễn ra đầu tiên của năm 2017, lãi suất trúng thầu TPCP kỳ hạn 5 năm 5,25%/năm, 7 năm 7,2%/năm, 15 năm 7,25%/năm, 20 năm 7,69%/năm và 30 năm 7,98%/năm. Hiện lãi suất TPCP đang ở mức thấp nhất kể từ khi thị trường TPCP vận hành chuyên biệt cho đến nay.
Trái phiếu chính phủ: Chậm giải ngân, khó kích tăng trưởng ảnh 1
Vướng mắc đầu ra
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, TPCP là kênh đầu tư an toàn và có thanh khoản cao. Hiện nay nhà đầu tư quan tâm TPCP kỳ hạn dài vì sản phẩm này có thể kinh doanh như chứng khoán. Còn các doanh nghiệp bảo hiểm tích cực tham gia mua TPCP kỳ hạn dài vì đây là một hình thức dự trữ tài chính, TPCP ít biến động nên sẽ an toàn hơn đối với việc đầu tư, bảo tồn nguồn tiền khách hàng của các công ty này.  Tính an toàn cao cũng là một trong những nguyên nhân đưa lãi suất TPCP được điều chỉnh dần xuống mức thấp. Hiện có ý kiến lo ngại lãi suất TPCP của Việt Nam giảm liên tục từ đầu năm 2017 đến nay sẽ tạo ra rủi ro cho các nhà đầu tư nắm giữ ở thời điểm này và sau giai đoạn TPCP được mua ào ạt có thể xảy ra tình trạng bán tháo, nhất là các loại TPCP có kỳ hạn dài từ 20-30 năm.  Tuy nhiên, về bản chất TPCP là sản phẩm có thanh khoản nên việc nhà đầu tư sở hữu TPCP giao dịch bán ra nếu lãi suất tăng là bình thường. Trước đây vào năm 2008-2009, trên thị trường cũng xảy ra tình trạng nhà đầu tư nước ngoài bán tháo TPCP dưới mệnh giá. Lúc đó, NH Liên Việt mới thành lập đã gom hết và sau đó nhờ kinh tế ổn định, họ bán trở lại lượng TPCP đó và hưởng lãi đậm.
Với những đặc điểm như vậy, thành phần tham gia vào thị trường TPCP ngày càng nhiều, không chỉ các TCTD muốn đầu tư nguồn thanh khoản nhàn rỗi mà các định chế tài chính khác như các công ty bảo hiểm, các quỹ mở cũng rất quan tâm đầu tư kênh này.

Thế nhưng, trong khi huy động TPCP tiếp tục diễn biến thuận lợi thì việc giải ngân vốn TPCP lại tiếp tục chậm chạp, gây lãng phí nguồn lực công. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến cuối tháng 6-2017, vốn TPCP mới chỉ giải ngân được 5.200 tỷ đồng, chiếm 10,4% kế hoạch năm nay. Trong khi đó, Nghị quyết của Quốc hội giao tổng số chi đầu tư phát triển năm 2017 là 357.150 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách nhà nước 307.150 tỷ đồng, vốn TPCP 50.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, trong quý III phải cơ bản giải ngân các dự án đầu tư của năm 2017 đúng theo tiến độ. Nhưng muốn vậy phải sớm gỡ vướng thủ tục vì hiện nay giải ngân đầu tư công chậm do thủ tục đầu tư xây dựng còn phức tạp; công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt. 

Để thúc nguồn vốn TPCP chảy mạnh, ngày 3-8, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 70/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo đề nghị của Bộ Kế hoạch-Ðầu tư. Giải pháp đã có, vấn đề còn lại là cần triển khai quyết liệt để có được những chuyển biến rõ nét về giải ngân trong những tháng tới để nguồn TPCP được sử dụng hiệu quả, kích thích các dòng vốn khác cùng chuyển động, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng như Chính phủ đề ra.

Các tin khác