Cảnh báo đa cấp tài chính qua mạng (Kỳ 2)

(ĐTTCO) - Nhằm đạt được tổng giá trị hóa đơn 1.250USD (hơn 28 triệu đồng) để nhận lại được tối đa 250USD khi tham gia vào Saivian các thành viên phải ráo riết săn mua lại hóa đơn thanh toán thẻ Visa, Master của bất kỳ ai. 
Điều đáng nói là việc mua bán hóa đơn thanh toán qua NH là hành vi sai trái nhưng các thành viên của công ty đa cấp tài chính này vẫn khẳng định đây là việc làm thêm hợp pháp, không gây ảnh hưởng đến ai.

Kỳ 2: Hệ lụy mua bán hóa đơn bất hợp pháp

Công khai mua bán hóa đơn
Trong vai là thành viên của Saivian khi trao đổi về cách thức kiếm tiền từ các thành viên bạn, chúng tôi cũng chia sẻ điều kiện hóa đơn do Saivian đưa ra quá khó, bởi muốn nhận được 250USD để đóng phí duy trì thành viên 125USD/tháng và được hưởng 125USD, mỗi thành viên phải tải lên ứng dụng này các hóa đơn thanh toán với tổng giá trị hơn 28 triệu đồng.
Trong khi hiện nay thu nhập của người Việt Nam dù đã có cải thiện nhưng nhìn chung các gia đình không thể chi tiêu hàng tháng đến mức này và không phải ai cũng sử dụng thẻ Visa, Master Card. Một thành viên của Saivian tên M.Đ. đã tư vấn: “Với gần 5.000 thành viên gia nhập sau 3 tháng xuất hiện ở Việt Nam cho thấy kiếm tiền từ Saivian là công việc rất hấp dẫn.
Về việc tải hóa đơn lên ứng dụng không phải lo lắng, bởi Saivian chấp nhận hóa đơn thanh toán của bất kỳ ai, do đó các thành viên có thể xin hóa đơn của bạn bè, người thân hoặc thậm chí là mua hóa đơn thanh toán thẻ Visa, Master Card từ người khác và chỉ cần chụp lại tờ hóa đơn bằng smart phone rồi tải lên là ok”.
Để chứng minh, M.Đ. đã gửi một loạt thông tin rao mua hóa đơn được đăng trên Facebook gần đây như: “Dự án thu thập dữ liệu Big Data của công ty Saivian thông qua hóa đơn tiêu dùng thanh toán qua thẻ Visa hoặc Master, tải lên hóa đơn của bất kỳ ai khi thanh toán qua hai loại thẻ trên sẽ nhận về 20% trên tổng số tiền trong hóa đơn đó, nếu bạn muốn tham gia là thành viên Saivian".
“Tôi hiện tại đang cần mua lại hóa đơn thanh toán qua thẻ Visa và Master của bất cứ ai trong mọi lĩnh vực như mua sắm, tiêu dùng, ăn uống, du lịch, khách sạn, vé máy bay... Liên hệ qua số điện thoại 016581… sẽ mua lại với 0,5% trên tổng giá trị hóa đơn”. “Tôi đang cần gom hóa đơn thanh toán mua hàng bằng thẻ Visa hoặc Master Card, ai có nhắn tin để trao đổi thêm.
Cảnh báo đa cấp tài chính qua mạng (Kỳ 2) ảnh 1 Các thành viên Saivian công khai mua bán hóa đơn thanh toán qua NH trên mạng xã hội.
Đây là một công việc làm thêm hợp pháp. Công việc quá đơn giản chỉ cần chụp hình và gửi qua đã có tiền hoặc có quen biết có hóa đơn nhiều giới thiệu sẽ có tiền hoa hồng”.
Thậm chí có những mẩu tin đẩy giá hoa hồng lên như: “Tôi cần mua lại các hóa đơn mua hàng trả bằng thẻ Visa hoặc Master Card với giá 3% tổng giá trị hóa đơn tại mọi cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, thời gian không giới hạn, hóa đơn của bất kỳ ai. Các bạn làm kế toán, thu ngân, nhân viên bán hàng chỉ cần chụp hóa đơn gửi sẽ có tiền ngay”… 
Cảnh báo đa cấp tài chính qua mạng (Kỳ 2) ảnh 2
Rủi ro khó lường
Trong khi đang tìm hiểu hoạt động của Saivian tại Việt Nam, ĐTTC cũng đã nhận được thông tin phản ánh từ phó giám đốc chi nhánh một NHTM tại quận 4, TPHCM cho biết, NH này có một hệ thống máy cà thẻ (POS) rất lớn và mới đây, cán bộ NH báo cáo đang xuất hiện nhiều người liên hệ thu mua hóa đơn máy POS của NH. Cụ thể, khi cà thẻ thanh toán tiền hàng, máy POS sẽ in ra 3 liên gồm liên giao cho khách hàng, liên dành cho đơn vị đặt máy POS lưu trữ và liên của NH.
 Tôi khẳng định mua bán hóa đơn thanh toán bằng thẻ Visa hay Master Card là một hành vi sai trái, NHNN chi nhánh TPHCM ghi nhận trường hợp khá mới mà ĐTTC điều tra phản ánh. Vì vậy, trước hết các NH cần kiểm tra, giám sát và làm việc với các đơn vị chấp nhận thanh toán máy POS, đề nghị cấm các nhân viên bán hàng tham gia vào hoạt động mua bán hóa đơn để tránh xảy ra tiêu cực, và yêu cầu các đơn vị phát hành thẻ rà soát lại vấn đề này.
Ông Nguyễn Hoàng Minh,
 Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM
Theo đó, người mua hóa đơn hỏi mua liên dành cho khách hàng và đưa ra giá rất cao, ban đầu chỉ mua với giá 0,1-0,2% tổng giá trị hóa đơn, nhưng hiện nay đã lên đến 2-3%, tức mỗi hóa đơn 10 triệu được mua lại với giá 200.000-300.000 đồng. Tình trạng thu mua hóa đơn này đã có từ vài tháng trước nhưng bắt đầu rộ lên trong những tháng gần đây. Lúc trước, họ mua tờ hóa đơn được in ra, nhưng về sau chỉ yêu cầu chụp ảnh gửi. 

Đối chiếu với thông tin được tư vấn từ các thành viên của Saivian cho thấy, việc mua bán hóa đơn thanh toán bằng thẻ Visa, Master Card là điều đang diễn ra trong thực tế chứ không chỉ dừng lại ở những thông tin rao vặt trên mạng xã hội. Khi hỏi về việc rộ lên tình trạng mua hóa đơn và lo ngại việc mua bán hóa đơn không hợp pháp, những thành viên Saivian cho biết hiện số lượng thành viên của Saivian ngày càng tăng lên, nhu cầu tải lên hóa đơn để nhận tiền ngày càng nhiều.
Công việc của các thành viên chỉ là khảo sát cho công ty nước ngoài, vì công ty không thể dàn trải nhân sự đi khắp nơi để tìm hiểu mặt hàng nào bán chạy, độ tuổi người mua hàng, số tiền mua hàng nên phải xây dựng mô hình này để tiết kiệm chi phí và hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, lý do trên thiếu sức thuyết phục, vì các hóa đơn này chỉ thể hiện số tiền thanh toán, không thể hiện các chi tiết hàng hóa như lý giải.
Một điểm đáng lưu ý là trên hóa đơn thể hiện 4 số cuối của thẻ thanh toán và tên của chủ thẻ. Do vậy có thể khẳng định việc các công ty đa cấp tài chính dùng hóa đơn để che đậy hình thức bán hàng đa cấp. Nếu đặt giả thiết họ dùng hóa đơn này vào mục đích khác như lấy thông tin khách hàng, dùng thuật toán đối chiếu và sử dụng thủ thuật để làm thẻ giả sẽ dẫn đến rủi ro rất lớn cho khách hàng lẫn NH.
Chính vì vậy, phó giám đốc chi nhánh NHTM nói trên cho biết, từ lúc chưa rõ mục đích mua hóa đơn, NH đã chỉ đạo nhân viên gửi thông báo cảnh báo các đơn vị chấp nhận thẻ phải thực hiện đúng quy định về giao hóa đơn: một liên trả cho khách hàng, một liên lưu lại để có cơ sở đối chiếu khi phát sinh khiếu nại, nếu không sẽ chịu trách nhiệm, và một liên giao cho NH. NH cũng siết lại quy trình nhận lại hóa đơn và lưu trữ đầy đủ khi xảy ra sự cố và có cơ sở để giải quyết. Vị lãnh đạo NH này cũng nhấn mạnh, vấn đề này cần sớm được thông tin, phản ánh đến cộng đồng để tránh tình trạng đổ xô đi mua hóa đơn của NH.
 Thêm một công ty Tresmore tương tự Saivian
 Hiện nay, tại Việt Nam còn có công ty Tresmore hoạt động tương tự như Saivian: thành viên tải hóa đơn mua sắm lên ứng dụng được hoàn tiền 20% và có thể kiếm từ 5-3.000USD/ngày khi thực hiện chia sẻ cộng đồng. Tresmore mới bắt đầu hoạt động từ 5-2017 và mới bắt đầu vào Việt Nam từ tháng 8-2017.
Theo giới thiệu trên trang Tresmore Việt Nam: “Tresmore sở hữu lượng dữ liệu khách hàng tiêu dùng qua thẻ Visa và Master Card để khai thác nhu cầu, thói quen mua sắm nhằm mục đích kinh doanh Big Data như Google, Facebook. Yêu cầu tải hóa đơn mua sắm cũng sẽ làm thay đổi thói quen người tiêu dùng chuyển dần sang thanh toán bằng thẻ Visa, Master hoặc tiền ảo Bitcoin, Ethereum, kết nối nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ trên toàn cầu với khách hàng sử dụng thẻ Visa hoặc Master Card do Tresmore phát hành. Do ra đời sau nên Tresmore hiện đại hơn so với Saivian, điểm khác biệt là chấp nhận hóa đơn thanh toán qua Master Card, Visa, Paypal, Bitcoin, Ethereum, người tham gia hoa hồng hưởng thu nhập 5% nếu có thêm thành viên tham gia và có thể sở hữu cổ phiếu…”. 
Để đáp ứng điều kiện về hóa đơn, hiện một số thành viên của Tresmore cũng đang tích cực liên hệ để mua hóa đơn thanh toán qua thẻ tín dụng quốc tế. Điều kiện hóa đơn tiêu dùng từ 125.000 đồng đến 7,5 triệu đồng, hóa đơn vé máy bay, khách sạn từ 1,25 triệu đồng đến 7,5 triệu. Người bán hóa đơn chụp hình gửi qua đủ 32 triệu sẽ được nhận 150.000 đồng.

Các tin khác