Cẩn trọng lý lịch nợ xấu

(ĐTTCO) - Tiềm năng phát triển của thị trường tài chính bán lẻ Việt Nam còn rất lớn và các tổ chức tín dụng (TCTD) đang tích cực khai thác. 
Cẩn trọng lý lịch nợ xấu

Tuy nhiên, việc phát triển cho vay tiêu dùng cơ quan quản lý cần tăng cường kiến thức vay tiêu dùng và hoàn thiện cơ chế pháp lý, yêu cầu các TCTD công bố rõ ràng các điều khoản, thay vì mập mờ thiếu thông tin dẫn đến nhiều tình huống rơi vào nợ xấu không đáng có.

Thiếu kiến thức, dễ vào sổ đen

 Xu hướng tín dụng tiêu dùng vẫn còn phát triển mạnh, gia tăng cả về lượng khách hàng cũng như số tiền vay, nhưng hành lang pháp lý chưa đáp ứng hết yêu cầu, những người dân chưa hiểu biết nhiều về luật pháp và tài chính sẽ khiến dễ bị thiệt thòi khi vay vốn. Do đó, cần có thêm khung pháp lý để bảo vệ người vay và lợi ích chính đáng của bên cho vay.
Tháng 7-2017, bà Hoàng Việt Thu Thủy, đại diện hợp pháp của Công ty TNHH Thương mại Hoành Tường (quận Bình Tân, TPHCM), đã gửi kiến nghị đến Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ). Theo đó, bà Thu Thủy cho biết Hoành Tường là một công ty nhỏ, trước nay phải đi thuê mặt bằng để chứa hàng và đặt văn phòng công ty.
Mới đây, công ty đã quyết định mua một mảnh đất để làm văn phòng và kho. Sau khi đặt cọc tiền, bà Thủy đợi NH duyệt cho vay, nhưng phía NH thông báo bà đang vướng nợ xấu với số tiền... 6 triệu đồng tại công ty tài chính (CTTC) Home Credit. Số tiền tuy không nhiều nhưng ảnh hưởng rất lớn vì sẽ không một NH nào trên lãnh thổ Việt Nam cho vay, khách hàng phải đi xóa nợ và thời gian rất lâu mới được duyệt cho vay. Vì vậy, bà mong muốn cơ quan chức năng xem xét giải quyết, giúp trong thời gian sớm nhất có thể để công ty được tiếp cận vốn của NH nhằm tiến hành tiếp thủ tục nhà đất, giảm bớt thiệt hại cho công ty.

Kiến nghị này đã được Văn phòng Chính phủ chuyển đến NHNN để xem xét, xử lý và trả lời doanh nghiệp theo thẩm quyền. Theo đó, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC thuộc NHNN) đã có văn bản trả lời về trường hợp này.
Cụ thể, sau khi nghiên cứu nội dung phản ánh của doanh nghiệp và kết quả rà soát dữ liệu do Home Credit báo cáo, CIC nhận thấy vướng mắc theo phản ánh của Công ty TNHH Thương mại Hoành Tường nằm ở việc đại diện theo pháp luật của công ty là bà Hoàng Việt Thu Thủy đang có khoản nợ xấu 6 triệu đồng phát sinh từ năm 2012 tại CTTC PPF Việt Nam (hiện đổi tên thành Home Credit) đến nay vẫn chưa tất toán.
Ngày 1-8, CIC đã liên lạc, giải thích rõ lý do và hướng dẫn bà Thủy thanh toán hết nợ đối với Home Credit. Đến  ngày 2-8, bà Thủy đã tất toán khoản nợ nêu trên và tại ngày 7-8, CIC đã cập nhật lại ngay thông tin của khách hàng (không còn nợ xấu) theo dữ liệu báo cáo của Home Credit. 

Chị Thu Phương, quận Thủ Đức, cũng chia sẻ trước đây chị đứng tên vay hộ người thân một khoản tiền để mua xe máy và giao hẹn hàng tháng người này đến điểm thu tiền để nộp tiền cho CTTC. Tuy nhiên, sau vài tháng, người này bị giảm thu nhập nên thường xuyên không trả góp, trễ hạn nhưng phía CTTC chỉ gọi điện thoại cho người đứng tên vay đốc thúc nộp tiền. Cuối cùng, gia đình chị đã hỗ trợ để hoàn trả toàn bộ khoản nợ.
Gần đây, chị muốn vay tiền để sửa chữa nhà nên có liên hệ NH, nhưng khi thực hiện thủ tục vay tiền, nhân viên NH thông báo chị có điểm tín dụng rất thấp, xếp loại khách hàng rủi ro cao nên không được vay vốn. Dù có giải thích là chỉ đứng tên vay tiền hộ, nhưng lý do này không được chấp nhận và lịch sử tín dụng này sẽ tồn tại trên CIC tối thiểu 5 năm sau mới có thể được vay khoản mới. 

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cũng cho biết, khi vay nợ tại CTTC, họ thường đóng tiền tại các điểm thu hộ nên có những kỳ đóng trễ hạn nhưng không biết về tiền phạt, đến cuối cùng CTTC cộng dồn khoản phạt đóng trễ khá cao, xếp loại khách hàng có nợ xấu dẫn đến việc tiếp cận vốn từ TCTD về sau rất khó khăn.

Cân nhắc trước khi vay

Hiện nay với hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng hơn, như theo Thông tư 43 hạn mức cho vay tiêu dùng tối đa lên đến 100 triệu đồng/khoản vay, các CTTC đang có một danh mục cho vay khá đầy đủ từ tiền mặt đến xe máy, điện thoại. Mức tổng dư nợ này không áp dụng với cho vay tiêu dùng mua ô tô và sử dụng ô tô đó để làm tài sản đảm bảo, nên nhiều NH cũng mở rộng cho vay tiêu dùng với hạn mức lên đến 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, khuyến cáo dù vay tiêu dùng dễ dàng nhưng người vay cần cân nhắc năng lực tài chính trước khi quyết định vay vốn, thu nhập 10 triệu đồng mà vay 100 triệu đồng chắc chắn sẽ rủi ro. Đồng thời, khi vay vốn phải đọc kỹ những điều kiện, điều khoản, thanh toán, lãi suất và phải thanh toán vay tiêu dùng đúng hạn, nếu không lãi suất phạt sẽ rất cao. Đặc biệt, không nên tùy tiện cho bạn bè, người thân mượn giấy tờ cá nhân và ký thay hợp đồng tín dụng. 

Ở góc độ quản lý, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho biết thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam đang phát triển khá nhanh, trong đó các NHTM chiếm vai trò chủ đạo, với 90% thị phần nếu bao gồm cả các khoản vay để mua nhà, và 80% thị phần nếu không tính các khoản này.
Để quản lý hoạt động tín dụng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng, NHNN đã ban hành Thông tư 39/2016 và Thông tư 43/2016 nhưng vẫn còn nhiều điểm cần phải quan tâm. Cụ thể, các TCTD khi cho vay còn chạy theo số lượng nên đánh giá khả năng trả nợ chưa kỹ, dẫn đến không ít khách hàng thiếu kiến thức để hiểu hết rủi ro của khoản vay nên đã chịu gánh nặng nợ nần. 

Hiện nay, hoạt động cho vay tiêu dùng ở các nước đều có quy định để bảo vệ người tiêu dùng, như Singapore quy định các TCTD phải thông báo đầy đủ các rủi ro trong việc cho vay quay vòng, cho vay mua nhà thế chấp, Malaysia quy định hạn mức tín dụng không được quá 2 lần thu nhập hàng tháng của chủ thẻ, dư nợ tín dụng tại tất cả các NH của một cá nhân tại Brunei không vượt quá 60% thu nhập hàng năm.
Đồng thời khi cho vay, các TCTD phải ghi rõ các điều kiện, thông tin trên hợp đồng để người vay có thể hiểu được trước khi ký vay vốn. 

Các tin khác