Bỏ thuế cứu ô tô nội

(ĐTTCO) - Bộ Công Thương vừa có đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ô tô. 
Nếu được thông qua, đây sẽ là ưu đãi lớn chưa từng có cho các liên doanh hoặc doanh nghiệp làm phụ trợ ô tô, mở ra kỳ vọng tăng khả năng cạnh tranh cho xe nội.
Áp lực cạnh tranh

Từ đầu năm đến nay, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN mới giảm 10% xuống còn 30% so với năm ngoái, đã tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Theo lộ trình, đến năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô sẽ về 0%, áp lực này sẽ còn lớn hơn. Đó là người tiêu dùng sẽ có tâm lý chờ đợi giá ô tô rẻ hơn, bên cạnh làn sóng nhập khẩu ô tô từ khối ASEAN, sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Thậm chí, có thể khiến một số nhà sản xuất ô tô trong nước đưa dây chuyền ra nước ngoài, sau đó xuất khẩu trở lại Việt Nam. Nếu như vậy, ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước vốn đang trầy trật để tồn tại, đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 5-2017 doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô trong nước đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch tăng 6%; xe thương mại giảm 9% và xe chuyên dụng giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 7% trong khi xe nhập khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Một thực tế khác là xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN bắt đầu tăng mạnh. 

Số liệu của Tổng cục Hải quan trong 5 tháng đầu năm, cho thấy kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 43.300 chiếc, trị giá 878 triệu USD, tăng 5,3% về lượng, giảm 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 15.900 chiếc, trị giá 288 triệu USD, tăng 27,2% về lượng và 27,4% về trị giá; từ Indonesia 8.700 chiếc, trị giá 150 triệu USD, tăng 6,1 lần về lượng và 8,8 lần về trị giá; xe ô tô nguyên chiếc các loại xuất xứ Trung Quốc (chủ yếu là xe tải các loại) đạt 2.700 chiếc, trị giá 105 triệu USD, giảm 52,2% về lượng và 52,2% về trị giá…
Ô tô dưới 9 chỗ ngồi xuất xứ từ Indonesia trong 5 tháng với 7.200 chiếc, tăng mạnh so với con số hơn 100 chiếc của cùng kỳ năm 2016; xuất xứ từ Thái Lan với 5.800 chiếc, tăng 90,5%; xuất xứ từ Ấn Độ đạt 4.900 chiếc...
Bỏ thuế cứu ô tô nội ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Những giải pháp mạnh
Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương vừa có báo cáo về chiến lược phát triển ngành ô tô trong nước với nhiều giải pháp, trong đó đề xuất 3 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, tạo dựng thị trường tiêu thụ đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, khuyến khích sử dụng xe sản xuất trong nước. Có các biện pháp đảm bảo sự phát triển minh bạch thông qua các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.
Thứ hai, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với các sản phẩm chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, khả năng cạnh tranh cao, trong đó không đánh thuế TTĐB đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ô tô. Thứ 3, đề nghị Chính phủ, Bộ KH-ĐT thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn, sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các tập đoàn và dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN.

Theo các chuyên gia, trong 3 giải pháp trên, việc giảm TTĐB những phần giá trị tạo ra trong nước sẽ giúp việc lắp ráp trong nước có những lợi thế nhất định trước ô tô nhập khẩu. Dự báo năm 2020 quy mô thị trường, sức tiêu thụ và khả năng sản xuất của ngành ô tô Việt Nam sẽ vượt qua Philippines (nước hiện có ngành sản xuất ô tô lớn thứ tư trong ASEAN).
Hiện nay, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) - một trong những nhà sản xuất ô tô có thị phần lớn nhất trong nước - vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động lắp ráp. Thaco vừa khởi công xây dựng Nhà máy Mazda công suất 100.000 xe/năm để đưa vào hoạt động giữa năm 2018; đưa nhà máy xe buýt mới công suất 20.000 xe/năm vào hoạt động đúng kế hoạch ngày 1-7 tới. Đơn vị này còn có định hướng đầu tư nâng cấp toàn diện Nhà máy Kia, triển khai xây dựng nhà máy xe tải mới, đầu tư xây dựng nhà máy khung gầm xe buýt và nhà máy sản xuất xe buýt chuyên dụng…

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, Nhà máy Thaco khởi công xây dựng trong bối cảnh xe nguyên chiếc được nhập khẩu gia tăng, các công ty liên doanh trong nước đang thu hẹp quy mô tiến tới ngưng lắp ráp chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc.
Nhưng Thaco vẫn tự tin theo đuổi và đầu tư vào sản xuất, bởi mẫu xe có sản lượng cao mới đạt 18% tỷ lệ nội địa hóa. Sau năm 2018 Thaco sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt cho dòng xe con, với mức phấn đấu 40% và tiến đến xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN.

Các tin khác