Bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng: Chỉ là mức…an ủi!

(ĐTTCO)-Mặc dù mức bảo hiểm tiền gửi đã được tăng gấp đôi so với quy định hiện hành lên 75 triệu đồng nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng mức này còn rất thấp so với điều kiện kinh tế hiện nay.
 
Người gửi tiền được bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng.
Người gửi tiền được bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi.

Đối tượng áp dụng bao gồm: người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Theo quyết định, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2017.

Như vậy, mức bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ tháng 8 sẽ tăng 50% so với quy định hiện hành. Trước đó, hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và tăng lên 50 triệu đồng từ năm 2005. Trong khi đó hiện nay ở nhiều nước châu Âu mức bảo hiểm là 50.000 Euro, ở Hàn Quốc cũng là 200.000 USD...

Nhiều người gửi tiền cho rằng, khi có tiền nhàn rỗi để gửi ngân hàng hưởng lãi suất nhưng nếu ngân hàng gửi tiền đó bị phá sản thì mức chi trả này quả là rất thấp đối với những người gửi tiền lên tới nhiều tỷ đồng.

Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quyết định tăng mức chi trả bảo hiểm tiền gửi lên tới 50% nhưng số tuyệt đối quá nhỏ để có thể tính đến cải tổ toàn diện hệ thống ngân hàng.

Con số 75 triệu đồng này quá ít, vì vậy, nếu chỉ trông chờ vào Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, rõ ràng người dân gửi tiền sẽ không được đảm bảo quyền lợi. Tất nhiên người gửi tiền không chỉ trông chờ vào Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mà phần nhiều trông chờ vào tiền thu được từ hoạt động thanh lý tài sản ngân hàng khi phá sản.

Tuy vậy, việc giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người gửi cũng theo trình tự ưu tiên. Ngân hàng sẽ tiến hành chi trả cho chủ nợ là cơ quan thuế đầu tiên, tiếp đến chính là người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, thứ tư là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là cổ đông của ngân hàng.

Quá trình tiến hành phá sản ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh lý tài sản, có thể mất một khoảng thời gian dài, gây ra tâm lý tiêu cực cho người gửi tiền.

Chủ trương của Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước khi xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trong đó thực hiện thí điểm phá sản ngân hàng yếu kém, hai yêu cầu lớn đặt ra là bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và quyền lợi của người gửi tiền.

Khi đề cập đến các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Những ngân hàng bê bết quá thì không thể tồn tại được. Chính phủ sẽ đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Có thể nói hạn mức 75 triệu đồng thực tế là vẫn chưa phù hợp và còn thấp cho người gửi tiền, song như nhiều chuyên gia tài chính nói, mức bảo hiểm này sẽ dần nâng lên theo điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam.

Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện hành, bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. 

Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi được bảo hiểm là tiền đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Các tin khác