Bancassurance cất cánh

(ĐTTCO) - Kênh phân phối bảo hiểm qua NH (bancassurance) đã phổ biến khá lâu tại Việt Nam, nhưng từ giữa năm 2017 đến nay mới bắt đầu rộ lên xu hướng hợp tác độc quyền.
 Theo các chuyên gia, xu hướng này xuất phát từ doanh thu phí và dịch vụ bảo hiểm đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2017, trong khi nhu cầu tăng thu dịch vụ của NH ngày càng đặt nặng hơn.
Nở rộ hợp tác độc quyền
Mới đây, VietABank và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam vừa hợp tác triển khai mô hình phân phối bảo hiểm qua NH. Theo đó, VietABank sẽ trở thành đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm cho duy nhất một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Chubb Life Việt Nam trong thời hạn 10 năm.
Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, Vietcombank đã chỉ định Credit Suisse làm đơn vị tư vấn nhằm tìm kiếm đối tác phân phối bảo hiểm mới. Tập đoàn Credit Suisse Group AG là một NH chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính uy tín bậc nhất thế giới và đang có trụ sở tại Zurich, Thụy Sỹ. Năm 2015, Credit Suisse chính thức trở thành tổ chức tư vấn tài chính cho Vietcombank. Hiện Vietcombank đang có kế hoạch mời thầu các công ty bảo hiểm cho hoạt động phân phối bảo hiểm trên toàn bộ chi nhánh của NH.
Dự kiến, hợp đồng này giữa Vietcombank và đối tác có thời hạn ít nhất trong 10 năm và có giá trị khoảng 1 tỷ USD. Trước đó năm 2017, Sacombank cũng đã ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm tương tự với Dai-ichi Life với thời hạn lên đến 20 năm.
Theo đó, Dai-ichi Life Việt Nam là đối tác duy nhất độc quyền phân phối tất cả các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các quyền lợi bổ trợ ưu việt nhất theo lựa chọn của khách hàng Sacombank thông qua mạng lưới NH trên toàn quốc. Hay Techcombank hợp tác bảo hiểm độc quyền kéo dài 15 năm với Manulife.
Bancassurance cất cánh ảnh 1
Đây là mối quan hệ hợp tác đầu tiên được phát triển nâng tầm từ phi độc quyền sang độc quyền tại Việt Nam, cho phép Manulife Việt Nam cung cấp các giải pháp bảo hiểm nhân thọ tới tất cả khách hàng của Techcombank. Tương tự, VPBank cũng bắt tay với AIA phân phối bảo hiểm độc quyền các sản phẩm của AIA qua hệ thống NH tới năm 2032. Hợp đồng này đã ngay lập tức mang về cho VPBank khoản hỗ trợ ban đầu 900 tỷ đồng do AIA chi trả. 
Kỳ vọng nguồn thu lớn
Xu hướng bancassurance ngày càng được các NH chú trọng cũng là điều dễ hiểu, khi năm 2017 nhiều NH ghi nhận những khoản lãi khủng đến từ hoạt động này. Chẳng hạn Techcombank đã ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lên đến 3.811 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2016 và đạt cao nhất trong hệ thống NH.
Đóng góp lớn vào con số này là khoản phí đại lý trả một lần liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, cụ thể thu nhập từ dịch vụ ủy thác và đại lý của Techcombank tăng vọt từ 61 tỷ đồng năm 2016 lên 1.543 tỷ đồng năm 2017. Tổng mức phí bảo hiểm khai thác mới của NH này cũng dẫn đầu ngành NH với mức tăng trưởng 44%, đạt gần 649 tỷ đồng. 
Tại MB, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2017 cũng ghi nhận mức tăng 7,8%, đạt 1.850 tỷ đồng. Hay trong khoản lãi thuần 1.355 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần năm 2016) của SHB, nguồn đóng góp nổi trội nhất đến từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Còn trong 1.461 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VPBank, thu từ kinh doanh bảo hiểm và dịch vụ bảo hiểm cũng đóng góp gần 700 tỷ đồng. Sacombank dự kiến sau khi ký kết độc quyền với Dai-ichi Life, phí hoa hồng bảo hiểm sẽ đóng góp khoảng 3.000 tỷ đồng cho doanh thu dịch vụ trong vòng 5 năm tới. 
Tổng giám đốc một NHTMCP cũng chia sẻ, trước đây xu hướng NH hợp tác với công ty bảo hiểm để phân phối bảo hiểm cũng đã diễn ra phổ biến, tuy nhiên mức độ thành công không cao, tỷ lệ bán bảo hiểm thông qua NH vào năm 2015-2016 chỉ đạt khoảng 3%.
Điều này xuất phát từ các NHTM, bởi vì NH thời gian trước chú trọng rất nhiều vào tăng trưởng tín dụng, các hoạt động NH truyền thống và bỏ ngỏ tăng trưởng dịch vụ, trong đó có bancasurance. Song thời gian gần đây, các NH đã dịch chuyển dần các trọng tâm, cơ cấu lại các khoản thu nhập và tài sản NH nghiêng về dịch vụ hơn. 
Theo tổng hợp của Tổng công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare), kênh bacassurance năm 2017 đã có sự đột phá với mức tăng trên 30%, đóng góp từ 10-12% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường (bao gồm cả phi nhân thọ và nhân thọ).
Có thể nói, hiện nay mỗi NH đi theo một hướng, có NH hợp tác độc quyền, có NH chỉ hợp tác phân phối một vài sản phẩm với các công ty bảo hiểm, nhưng rõ ràng xu hướng chung là các NH đang chú trọng nhiều hơn gia tăng dịch vụ bảo hiểm trong NH nên có thể tin tưởng tỷ trọng này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, mang lại lợi nhuận cao hơn cho các NHTM.
Hiện nay bancassurance trở thành một cuộc đua mới của các NHTM. Lãnh đạo VPBank chia sẻ, NH xem việc phát triển bancassurance là một trong những chiến lược trọng tâm, trong đó chú trọng cung cấp bảo hiểm nhân thọ cho các phân khúc khách hàng mục tiêu, nhất là cho những khách hàng cá nhân có khả năng tài chính tốt, cũng như cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ gia đình. Còn theo SHB, cam kết hợp tác lâu dài với Dai-ichi Life Việt Nam, kèm theo đó có những chiến lược mang tầm vĩ mô để đầu tư cho kênh bancassurance phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. 
Ở góc độ công ty bảo hiểm, ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng giám đốc FWD Việt Nam cho rằng, trong mối quan hệ bancasurance, sự phát triển của hợp tác độc quyền rất quan trọng, vì điều này sẽ khuyến khích sự đầu tư của công ty bảo hiểm trong việc xây dựng hệ thống kinh doanh tại NH thật hoàn chỉnh hơn. Đây cũng chính là lý do dẫn đến xu hướng NH đang chạy đua hợp tác độc quyền với các doanh nghiệp bảo hiểm, và tự tin đặt ra con số doanh thu khủng trong các thời gian hợp tác.

Các tin khác