Áp trần lãi suất cho vay?

Đầu tuần này, thị trường lãi suất nóng lên khi Hãng Reuters đưa tin NHNN nâng lãi suất trên thị trường mở (OMO) thêm 100 điểm cơ bản (1%) từ mức 14% lên 15%/năm, vượt trần lãi suất tiền gửi của dân cư. Nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ khiến cuộc đua lãi suất “ngầm” trong hệ thống NHTM căng thẳng hơn. Tuy nhiên, theo nguồn tin của ĐTTC, đây là giải pháp mở đường cho NHNN cân nhắc áp trần lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Đầu tuần này, thị trường lãi suất nóng lên khi Hãng Reuters đưa tin NHNN nâng lãi suất trên thị trường mở (OMO) thêm 100 điểm cơ bản (1%) từ mức 14% lên 15%/năm, vượt trần lãi suất tiền gửi của dân cư. Nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ khiến cuộc đua lãi suất “ngầm” trong hệ thống NHTM căng thẳng hơn. Tuy nhiên, theo nguồn tin của ĐTTC, đây là giải pháp mở đường cho NHNN cân nhắc áp trần lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Nhất quán quan điểm thắt chặt

Dù chưa công bố chính thức trên webisite nhưng thông tin nâng lãi suất OMO từ một hãng tin nước ngoài đã làm thị trường lãi suất và thị trường ngoại hối đầu tuần biến động. Đồng loạt NHTM nâng giá mua, bán USD sát trần cho phép khiến nguồn tiền gửi dân cư chựng lại. Nhiều người gửi tiền chọn kỳ hạn gửi ngắn 1-2 ngày hoặc 1-2 tuần vì kỳ vọng lãi suất huy động 14%/năm sẽ được nới lên sau khi NHNN nâng lãi suất OMO.

NHNN đang xem xét khả năng có thể áp trần lãi suất cho vay trong thời gian tới. Ảnh: LÃ ANH

NHNN đang xem xét khả năng có thể áp trần
lãi suất cho vay trong thời gian tới. Ảnh: LÃ ANH

Nếu đúng như những thông tin đã đưa, tính từ đầu tháng 11-2010 đến nay, lãi suất trên thị trường OMO đã được NHNN điều chỉnh tăng tới 800 điểm cơ bản với các đợt điều chỉnh liên tục được đưa ra trong thời gian rất ngắn. Theo một chuyên gia NH, việc NHNN không công bố tăng lãi suất OMO trên website mà chỉ gửi văn bản đến các NHTM cũng là tất yếu, vì nếu công bố, lãi suất cho vay của NHNN cao hơn lãi suất huy động của dân cư là điều vô lý. Nhưng động thái này của NHNN thể hiện quan điểm nhất quán trong chính sách tiền tệ chặt chẽ nhằm chặn đà tăng của lạm phát thông qua điều tiết lượng cung ứng tiền.

Nhìn ở khía cạnh khác về dòng chảy của nguồn vốn để lý giải việc NHNN nâng lãi suất OMO, một thông tin cho biết NHNN đã có tuần thứ 2 liên tiếp trong tháng 5 hút ròng về 2.458 tỷ đồng trên thị trường mở. Tỷ lệ đăng ký/chào thầu cả 2 tuần đầu tháng 5 đều thấp hơn 2 tuần đầu tháng 4 (thời điểm NHNN bơm ròng).

Trong khi đó, lãi suất liên NH bất ngờ giảm mạnh, kỳ hạn qua đêm ở mức 20%/năm đã xuống 14%/năm. Diễn biến này cho thấy một lượng tiền lớn đã chảy vào các NHTM khi NHNN tranh thủ điều kiện thị trường ngoại hối thuận lợi để mua USD vào tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, cung tiền đồng ra cho NHTM cũng nhiều hơn. Đồng thời, NHNN cũng thông qua thị trường mở nâng lãi suất lên hút bớt tiền đồng về để đảm bảo tiền đồng không bị cung quá nhiều.

Theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, 4 tháng đầu năm lượng tiền gửi của hệ thống NHTM trên địa bàn TPHCM giảm 5%, nhưng từ đầu tháng 5 đến nay tăng nhẹ, khoảng 0,08%. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết các NHTM lách lãi suất huy động hút vốn vào chủ yếu cho vay trên thị trường liên NH, vì với mức lãi suất cho vay cao như hiện nay doanh nghiệp đều ngại vay. Dòng tiền của các NHTM hiện chạy lòng vòng giữa các NH với nhau để giải quyết thanh khoản trước mắt chứ không chảy ra nền kinh tế qua kênh tín dụng.

Trần lãi suất cho vay có bị lách?

Nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất để chấm dứt cuộc đua lãi suất hiện nay NHNN nên đặt trần lãi suất cho vay, thay vì thả nổi để các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh có cơ hội tiếp cận vốn. Hiện tại NHNN đang cân nhắc những điều kiện phù hợp với thị trường để ra quyết định cụ thể.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của ĐTTC, NHNN đang xem xét khả năng có thể áp trần lãi suất cho vay trong thời gian tới. Theo đó, có 2 phương án lựa chọn. Thứ nhất, áp dụng trần lãi suất cho vay đối với tất cả NHTM. Thứ hai, chỉ áp dụng trần lãi suất cho vay 18%/năm cho 5 NHTM nhà nước, đồng thời thông qua nghiệp vụ thị trường mở tái cấp vốn cho các NHTM quốc doanh với lãi suất 15%/năm.

Theo một chuyên gia NH, mức lãi suất cho vay 18%/năm doanh nghiệp có thể chịu đựng được trong bối cảnh hiện nay. Nhưng nếu áp dụng phương án thứ nhất có thể sẽ có tác động đến các NH nhỏ. Đối với phương án thứ hai, NHNN sẽ phải có cơ chế giám sát cho vay đối với NHTM quốc doanh. Nếu áp dụng hiệu quả sẽ giúp các NHTM tìm được khách hàng tốt, loại bớt những nhu cầu tín dụng có độ rủi ro cao, giúp giảm cầu tín dụng của hệ thống NHTM. Điều này cũng tạo áp lực buộc các NHTM nhỏ phải giảm lãi suất cho vay để giữ khách hàng tốt không chạy qua NHTM quốc doanh. Điều cơ bản việc áp dụng trần lãi suất cho vay chắc chắn sẽ có tác động giúp bình ổn thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thêm một biện pháp hành chính chưa chắc xử lý triệt để căn bệnh lãi suất ở các NHTM nhỏ hiện nay. Xuất phát của tình trạng này chính từ những yếu kém của hệ thống NH, nhất là các NHTM nhỏ trong việc quản lý thanh khoản. Tình trạng "bóc ngắn, cắn dài" lạm dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn thời gian qua đã đẩy nhiều NH đứng trước rủi ro thanh khoản. Đây cũng là cơ hội cho các NHTM lớn bắt tay nhau nâng lãi suất liên NH để bắt chẹt các NHTM nhỏ.

Nếu áp trần lãi suất cho vay sẽ làm thị trường lãi suất thêm méo mó, trong khi các NH lách luật, càng khiến thị trường hỗn loạn, thiếu minh bạch. Vì vậy, nếu áp trần lãi suất cho vay, NHNN phải tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý những bất ổn nội tại ở các NHTM nhỏ thông qua các công cụ lãi suất hay các nghiệp vụ của NHNN.

Các tin khác