Áp lực lạm phát, lãi suất khó giảm

(ĐTTCO) - Lạm phát có chiều hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước đã tạo áp lực lạm phát năm 2018 lớn hơn năm 2017. Điều này sẽ làm cho việc giảm lãi suất có thể gặp khó khăn, và giữ lãi suất ổn định trong năm nay đã là một thành công.

Áp lực lạm phát, lãi suất khó giảm
Lạm phát trước nhiều áp lực
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2018 tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 2,22% so với tháng 12-2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2018, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017.
 Cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn NH giảm lãi suất cho vay để tăng sức cạnh tranh, nhưng giảm lãi suất chỉ có thể thực hiện trong một môi trường lạm phát thấp. Đặt trong tình hình hiện nay, những giải pháp mà cơ quan quản lý đang triển khai cũng thể hiện nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này, và việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay năm nay ổn định như năm ngoái đã có thể xem là thành công.
Lạm phát cơ bản tháng 6-2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với cùng kỳ năm 2017.
Hồi tháng 5-2018, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra một số nhận định về tình hình lạm phát trong những tháng cuối năm 2018.
Đó là diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới do tình hình bất ổn chính trị ở một số nước trong khối OPEC, có thể dẫn đến ảnh hưởng giá xăng dầu trong nước. Một số thách thức từ các chính sách mới sắp thực thi có thể sẽ làm gia tăng mức lạm phát, như quyết định lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ tăng thêm 6,5%, bằng một nửa so với mức đề xuất ban đầu 13,3%; điều chỉnh giá điện bình quân áp dụng từ 1-12-2017 với mức giá mới 1.720,65 đồng/kWh, tăng gần 100 đồng/kWh so với mức cũ cũng tác động tới mặt bằng giá cả trong năm.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc quỹ Bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế và tăng giá nhóm dịch vụ giáo dục cũng sẽ tác động vào CPI. Có hai kịch bản lạm phát của năm 2018: Nếu GDP tăng 6,83% lạm phát duy trì ở mức 4,5%, và nếu GDP đạt khoảng 7,02% lạm phát trung bình có thể ở mức 4,8%.
Để kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra, thời gian qua Chính phủ đã chủ trương tạm dừng điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý trước tình hình giá cả tăng cao, điển hình là chỉ đạo Bộ Công thương chưa tăng giá điện trong năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng CPI từ đầu năm và đặc biệt là mức tăng của tháng 5, tháng 6 đã gây áp lực lên việc thực hiện mục tiêu CPI cả năm. Hiện nay, trên thị trường thế giới giá dầu thô vẫn đang trong xu hướng tăng. 
Song song đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang leo thang và dự kiến sẽ tác động đến nhiều quốc gia, theo đó một số mặt hàng có liên quan đến những sản phẩm nằm trong danh mục hàng hóa bị đánh thuế trong cuộc chiến này cũng sẽ tăng giá. Trong nước, thời gian tới khi giá thực phẩm (đặc biệt là thịt heo) dự báo hồi phục về mức như trước khủng hoảng dư cung thịt lợn năm 2017, lúc đó đóng góp vào CPI của nhóm hàng ăn uống dự kiến sẽ còn lớn hơn.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4% cần nỗ lực hết sức của các cấp, đặc biệt chính sách tiền tệ chặt chẽ của NHNN.

Khó giảm lãi suất
6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 6,7% so với cuối năm 2017, thấp hơn mức 8,7% của cùng kỳ năm trước. Còn tăng trưởng huy động vốn đạt khoảng 8%, cao hơn mức 6,8% của cùng kỳ năm ngoái.
Thêm vào đó, thanh khoản hệ thống còn được bơm thêm khoảng 65.200 tỷ đồng nhờ NHNN mua vào 11 tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh đó, một số NH đã chủ động giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%/năm đối với khách hàng tốt do thanh khoản tương đối dồi dào. 
Hồi đầu năm, mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 cũng được Chính phủ và NHNN nhắc đến nhiều lần, tạo nên tâm lý kỳ vọng cho giới doanh nghiệp. Tuy nhiên, với diễn biến lạm phát đột nhiên tăng tốc trong 2 tháng gần đây, kỳ vọng này đã xa vời hơn. Vì đối với các NHTM, giải pháp tối ưu nhất để giảm lãi suất cho vay hiện nay là giảm lãi suất huy động. Trong khi đó, lãi suất huy động hiện phổ biến ở mức 7%/năm, với mục tiêu lạm phát năm nay là 4%, gửi tiết kiệm vẫn đảm bảo mức thực dương 3%.
Tuy nhiên, với việc lạm phát tăng tốc trong tháng 5 và tháng 6 cộng với những áp lực lên lạm phát trong những tháng cuối năm, tạo kỳ vọng lạm phát cũng tăng lên, nếu các NH giảm lãi suất huy động VNĐ sẽ thu hẹp mức thực dương. Theo đó, dòng tiền từ kênh tiết kiệm có khả năng sẽ chuyển sang kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán, tác động đến thanh khoản của các NHTM.  
Trong bối cảnh VNĐ đang giảm giá so với USD, việc giảm lãi suất cũng sẽ khó tiếp tục diễn ra. Bởi vì hiện lãi suất USD đang tăng lên và dự kiến còn 2 lần tăng nữa trong năm nay, trong khi chính sách tiền tệ của Việt Nam thực hiện đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu tập trung cho ổn định tỷ giá.
Theo đó, NHNN phải giữ chênh lệch lãi suất huy động VNĐ mức độ hợp lý để thu hút dân gửi tiết kiệm bằng VNĐ thay vì nắm giữ USD. Nhìn chung trong thời điểm kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị VNĐ, ổn định tỷ giá vẫn đang là trọng tâm điều hành của Chính phủ trong giai đoạn hiện tại, lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ sẽ khó có điều kiện giảm.

Các tin khác