Áp lực bơm vốn cuối năm

(ĐTTCO) - Nếu tăng trưởng tín dụng khoảng 21-22%, ngành NH sẽ phải bơm ra nền kinh tế khoảng 700.000 tỷ đồng. 
Với yêu cầu này, NHNN phải đảm bảo có nguồn thanh khoản để các NHTM cho vay. Còn các NHTM phải đảm bảo tín dụng đến đúng địa chỉ, đúng lĩnh vực để kích thích tăng trưởng GDP, song hành với mục tiêu đảm bảo không phát sinh ra nợ xấu.
Lo thiếu thanh khoản

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty vào ngày 12-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thống đốc NHNN có kế hoạch, lộ trình để làm sao bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21-22%.
Đây là kênh rất quan trọng cho phần tăng trưởng. Đầu năm 2017, NHNN đặt mục tiêu tín dụng tăng 18%, nhưng trong Nghị quyết 46/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2017, Chính phủ yêu cầu phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 vượt mức kế hoạch 18% với cơ cấu tín dụng hợp lý, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống. 

Tỷ lệ cho vay ngắn hạn của các NHTM lớn tăng cao, có nghĩa nguồn vốn đang phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ngắn hạn, cho vay cá nhân, hộ gia đình và cho vay tiêu dùng. Đây cũng là xu hướng tốt. Nếu dòng vốn tiếp tục chảy vào lĩnh vực này sẽ giúp kích thích tăng trưởng GDP.
Đến phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN đưa tín dụng tăng trưởng bằng hoặc cao hơn mức 20% và đến thời điểm này, mức tăng trưởng tín dụng đã được yêu cầu xem xét nới lên đến 21-22%, cao hơn mục tiêu NHNN đặt ra 3-4%.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với yêu cầu tín dụng tăng lên mức 21-22%, từ nay đến cuối năm, ngành NH sẽ bơm ra nền kinh tế khoảng 700.000 tỷ đồng. Với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, nguồn vốn này sẽ được hấp thụ hết nhưng vấn đề còn lại là làm sao để đảm bảo thanh khoản cung ứng vốn cho thị trường. 

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tháng 7-2017, thanh khoản hệ thống NH khá dồi dào. Cụ thể, lãi suất liên NH các kỳ hạn giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, giảm từ 0,6-1 điểm % so với thời điểm cuối tháng 6 và giảm từ 3-4% so với đầu năm. Tính đến ngày 25-7, lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm chỉ ở mức 0,9%/năm, lãi suất 1 tuần 0,9%/năm và lãi suất 1 tháng 1,9%/năm. Giao dịch qua kênh OMO duy trì ở mức thấp, đặc biệt nửa đầu tháng 7 gần như không có giao dịch. Trong tháng 7, NHNN hút ròng khoảng 37.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2017, NHNN đã hút ròng 48.632 tỷ đồng qua kênh OMO. 

Nguyên nhân thanh khoản khá dồi dào trong thời gian qua chủ yếu do NHNN mua thêm một lượng ngoại tệ đáng kể để tăng dự trữ ngoại hối, từ đó tăng cung VNĐ ra thị trường. Tuy nhiên, theo số liệu của NHNN tính đến ngày 30-6, tín dụng tăng trưởng 9,06%, huy động vốn tăng 7,43% so với cuối năm 2016. Con số này cho thấy tốc độ huy động vốn đang chậm hơn tốc độ cho vay.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, dự báo trong những tháng cuối năm, thanh khoản của các NH sẽ có nhiều áp lực vì nhu cầu vay vốn sẽ tăng theo mùa vụ và tỷ giá cũng thường có biến động trong những tháng cuối năm.
Áp lực bơm vốn cuối năm ảnh 1 Ảnh minh họa: LONG THANH 
NHNN sẽ bơm tiền?
Theo TS. Trần Du Lịch, với yêu cầu tăng tín dụng 21-22%, muốn đẩy tín dụng NHNN sẽ phát hành tiền nếu thấy không gây lạm phát. Nguồn tiền này sẽ dùng để tái cấp vốn trên thị trường. Lý do NHNN giảm lãi suất điều hành gần đây cũng nhằm có thể tăng cung.
Đây cũng là điều được đề nghị từ lâu nhưng chưa được thực hiện. Hiện lạm phát cơ bản loại trừ giá gạo, giá dầu thô trong 6 tháng đầu năm mới chỉ ở mức 1,66% và lạm phát cơ bản là căn cứ để NHNN điều hành chính sách tiền tệ. Kỳ vọng từ đây đến cuối năm giá dịch vụ, y tế không tăng nữa, như vậy dự kiến lạm phát cơ bản lên mức 2,5%, NHNN sẽ có điều kiện tăng tổng M2 và tăng tín dụng, từ đó kích thích tăng trưởng.

TS. Trần Du Lịch cho biết thêm, lúc này cách kích thích tăng trưởng nhanh nhất là tăng tổng cầu, thể hiện qua tăng tín dụng, chi tiêu chính phủ, chi tiêu tư nhân, phải tăng xuất khẩu lên để giảm nhập siêu, tăng đầu tư bằng cách từ nay đến cuối năm giải ngân toàn bộ đầu tư ngân sách, tăng tín dụng để tư nhân tăng đầu tư và tăng tiêu dùng, như vậy tổng cầu sẽ tăng, theo đó GDP sẽ tăng. 

Áp lực đưa vốn đến đúng nơi

Ở góc độ NH, Phó Tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ, với mục tiêu tăng tín dụng từ 21-22%, các NHTM sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn trong thời gian tới. Bởi ngành NH đang thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng để tránh rủi ro trong vấn đề nợ xấu. Với nền kinh tế mà doanh nghiệp chủ yếu hoạt động dựa vào vốn vay NH, vốn bơm ra thị trường mức độ nào cũng có thể hấp thụ hết, nhưng để kiểm soát chất lượng, vốn phải bơm đúng đối tượng.
Hiện nay, NHNN yêu cầu các NHTM phải kiểm soát chặt dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, BOT, các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, Chính phủ yêu cầu tăng tín dụng nhưng phải đảm bảo chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản, bảo đảm chỉ tiêu lạm phát… giải ngân không được giật cục mà rải đều. 

Trong bối cảnh như vậy, nhiều NH cho biết xu hướng tín dụng trong những tháng tới sẽ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các DNNVV và lĩnh vực tiêu dùng và chủ yếu là cho vay ngắn hạn để đáp ứng được yêu cầu tăng tín dụng, giảm rủi ro. Hiện nay hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200% sẽ khấu trừ vô công thức tính chỉ số an toàn vốn (CAR), làm cho chỉ số CAR của nhiều NHTMCP giảm xuống.
Nếu vẫn rót vốn ồ ạt vào lĩnh vực này như trước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ số CAR, nên nguồn vốn vào thị trường bất động sản cũng đang giảm dần. Đồng thời, 7 tháng qua cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trung, dài hạn và tăng tỷ trọng ngắn hạn.
Tỷ trọng tín dụng ngắn hạn của cả hệ thống đạt 46,1% trong khi cuối năm 2016 đạt 44,9%, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn giảm từ 55,1% cuối năm 2016 xuống còn 53,9%. Xu hướng này xuất phát từ yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 40% vào năm 2018. 

Các tin khác