Tiểu đường và những biến chứng về mắt

(ĐTTCO) - Tiểu đường là một bệnh chuyển hóa gây tăng đường huyết mãn tính. Khi đường máu tăng cao lâu ngày dẫn đến tổn thương một số cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh, tim và những mạch máu nhỏ.
Tiểu đường có thể gây ra một số bệnh ở mắt như đục thủy tinh thể hay còn gọi là cườm khô và võng mạc tiểu đường (do các mạch máu trên màng thần kinh hay còn gọi là võng mạc của mắt bị tổn thương).
Trong hai bệnh này bệnh võng mạc tiểu đường là nguyên nhân chính gây mù mắt. Bệnh lý võng mạc tiểu đường là biến chứng của bệnh tiểu đường. Sau 20 năm bị tiểu đường gần như tất cả bệnh nhân tiểu đường type 1 và trên 60% bệnh nhân tiểu đường type 2 sẽ bị võng mạc tiểu đường. Mức độ trầm trọng của bệnh lý võng mạc tiểu đường cũng liên quan đến thời gian bị tiểu đường. Thí dụ tần suất của bệnh võng mạc tiểu đường tăng từ 0% với những bệnh nhân tiểu đường dưới 5 năm, lên đến 25% với những bệnh nhân bị tiểu đường 15 năm.

Triệu chứng
Mao quản võng mạc có 2 lớp tế bào gọi là tế bào nội mô và chu bào. Bình thường, tỷ lệ giữa 2 loại này tương đương nhau 1:1. Trong bệnh võng mạc tiểu đường, lớp chu bào bị mất và tỷ số này giảm. Mất chu bào dẫn tới hình thành những vi mạch, hậu quả của thành mạch máu bị giãn. Thành mạch máu giãn sẽ gây xuất huyết và xuất tiết trên võng mạc. Nếu các xuất huyết và xuất tiết này nằm ngay trung tâm của mắt (được gọi là hoàng điểm) sẽ gây giảm thị lực. 
Tiểu đường và những biến chứng về mắt ảnh 1
Đường huyết tăng cao gây dày màng đáy và mất hoàn toàn các mao mạch. Các mao mạch này mất chức năng cung cấp máu cho võng mạc. Các vùng võng mạc không được cấp máu sẽ sản sinh ra yếu tố tăng sinh mạch gây nên tân mạch trên gai thị, võng mạc và cuối cùng dẫn đến một loạt biến chứng gây mù mắt như: phù hoàng điểm, xuất huyết pha lê thể, bong võng mạc.
Triệu chứng chính trong những bệnh nhân bị tiểu đường là mờ mắt. Một số bệnh nhân thấy khó khăn khi đọc sách do lượng đường trong máu dao động ảnh hưởng đến sự điều tiết của thủy tinh thể. Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể thấy đột ngột mất thị lực. Trong những trường hợp đục thủy tinh thể còn ít hoặc bệnh lý võng mạc chưa ảnh hưởng đến vùng trung tâm của mắt, bệnh nhân sẽ không có triệu chứng gì hết. Vì vậy quan trọng nhất là đi khám mắt ngay khi có bệnh tiểu đường.

Điều trị
Đục thủy tinh thể là một biến chứng thường gặp trong bệnh tiểu đường. Phẫu thuật tương đối đơn giản, bác sĩ sẽ lấy thủy tinh thể bị đục đi và thay vào đó bằng một thủy tinh thể nhân tạo trong suốt.
Điều trị võng mạc tiểu đường: Võng mạc tiểu đường có 2 vùng tổn thương là võng mạc trung tâm hay còn gọi là vùng hoàng điểm và võng mạc ngoài hoàng điểm. Tổn thương vùng hoàng điểm thường được điều trị bằng chích thuốc vào trong mắt để làm giảm phù mắt, giúp cải thiện thị lực. Võng mạc ngoài hoàng điểm thường có những mạch máu mới phát sinh, những mạch máu này sẽ được điều trị bằng tia laser. 
Tiểu đường và những biến chứng về mắt ảnh 2 Mờ mắt do biến chứng bệnh tiểu đường.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh võng mạc tiểu đường bao gồm: bệnh nhân bị tiểu đường kéo dài; đường trong máu cao; tiểu đường đi kèm cao huyết áp đặc biệt có kèm triệu chứng thận; phụ nữ có thai mắc bệnh tiểu đường. Giai đoạn bệnh sớm, trên võng mạc có rất nhiều chấm xuất huyết và xuất tiết, những chấm này nếu nằm ngay trung tâm mắt sẽ gây mờ mắt. Nếu được phát hiện và điều trị trong giai đoạn này bệnh nhân sẽ tránh khỏi mù lòa. Giai đoạn trễ, trên võng mạc có rất nhiều mạch máu mới phát sinh, những mạch máu này rất dễ vỡ và gây chảy máu trong mắt khi đó bệnh nhân sẽ đột ngột nhìn mờ. 

Các biện pháp phòng ngừa mù lòa 
Bác sĩ sẽ dùng những dụng cụ đặc biệt để phát hiện sớm những tổn thương trên võng mạc như chụp hình màu võng mạc, chụp hình võng mạc có chích thuốc cản quang để phát hiện sớm các tổn thương. 
Các phương pháp điều trị bệnh bao gồm: dùng tia laser chiếu lên võng mạc để đốt những mạch máu bất thường như vậy sẽ làm bệnh ngưng tiến triển. Trong trường hợp có biến chứng nặng bác sĩ phải can thiệp bằng phẫu thuật  để giữ lại thị lực cho bệnh nhân. 
Điều quan trọng đầu tiên là nên giữ lượng đường trong máu ở mức độ cho phép. Ngoài ra, nên đi khám mắt định kỳ đừng chờ đợi cho đến khi có các triệu chứng mờ mắt mới đi khám, càng bắt đầu điều trị sớm, càng có nhiều cơ hội phòng ngừa mù lòa. Khuyến cáo thời gian đi khám mắt định kỳ đối với bệnh nhân dưới 30 tuổi bị tiểu đường sau 5 năm đầu điều trị. Sau đó khám định kỳ hai năm một lần. 
Bệnh nhân trên 30 tuổi nên khám mắt ngay khi được phát hiện có bệnh tiểu đường. Bệnh nhân có cao huyết áp và bệnh thận nên khám thường xuyên hơn. Phụ nữ có thai và bị tiểu đường nên đi khám mắt. Một khi đã có bệnh lý võng mạc tiểu đường ở bất cứ mức độ nào, bệnh nhân nên được đưa tới gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức. 
Những số liệu thống kê tại Mỹ cho thấy, mỗi năm có tới 40.000 trường hợp mù mới trong nhóm bệnh tiểu đường và võng mạc tiểu đường là nguyên nhân chính gây mù ở nhóm bệnh này. Trong bối cảnh bệnh tiểu đường ngày càng có nguy cơ tăng cao như hiện nay thì việc duy trì một chế độ dinh dưỡng, tập luyện và kiểm tra sức khỏe thường xuyên là hết sức cần thiết đối với mỗi người. 

Các tin khác