Thoát vị đĩa đệm, bệnh của cuộc sống hiện đại

(ĐTTCO) - Thoát vị đĩa đệm là bệnh khá phổ biến tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Hằng năm, số người mới mắc đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm chiếm từ 5 - 10% dân số. 

Dễ mắc, khó chữa

Là căn bệnh dễ mắc nhưng lại khó điều trị, thoát vị đĩa đệm ngày càng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Đĩa đệm là tấm đệm nằm giữa hai thân đốt sống, có tác dụng như lò xo giảm chấn, giảm áp lực lên cột sống. Theo thời gian, các đốt sống và đĩa đệm dần bị mất nước, trở nên giòn và dễ vỡ. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi một trong các thành phần cấu tạo của đĩa đệm bị trượt ra khỏi vị trí và chèn ép vào tủy sống, dây thần kinh.

Mới đây, Bệnh viện Gia An 115 tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân H.N.Q, sinh năm 1966, ngụ tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Trước đó, bệnh nhân cảm thấy đau lưng lan xuống mông, đùi và cẳng chân bên trái. Đi khám ở bệnh viện tại địa phương, ông Q. được điều trị bằng thuốc nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm. Những cơn đau ngày một nặng dần khiến ông đi lại khó khăn, thậm chí nằm ngồi cũng không thoải mái. Ông Q. cho biết, cách đó không lâu, ông còn bị chấn thương do tai nạn trong sinh hoạt khi mang vật nặng khiến tình trạng càng thêm tồi tệ.

Thoát vị đĩa đệm, bệnh của cuộc sống hiện đại ảnh 1Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân

 Từ Lâm Đồng, ông Q. được vợ đưa vào TPHCM để tiếp tục điều trị. Ban đầu, ông được điều trị bằng thuốc kết hợp với tập vật lý trị liệu. Sau khi tập, ông cảm thấy tình trạng đau có thuyên giảm nhưng chỉ được 2-3 tuần, cơn đau lại tiếp diễn. Ông Q. cho biết, ông đau không thể nằm thẳng được, chân trái không thể duỗi ra, đi đứng vô cùng khó khăn. Sau khi khám, chụp MRI, các bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 phát hiện bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng L5-S1 bên trái, có mảnh đĩa đệm vỡ rời chèn ép rễ thần kinh. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật vi phẫu lấy nhân đệm, giải ép rễ. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe ông Q. diễn tiến rất tốt. Chỉ sau 6 ngày, bệnh nhân đã được xuất viện.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.T.T.T, sinh năm 1967, ngụ tại TX. Cai Lậy, Tiền Giang. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau phần mông, đùi, cơn đau dữ dội đến mức không thể đi lại, ngồi cũng khó chịu. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5-S1 và được mổ lấy đĩa đệm thoát vị ngày 20/5. Bệnh nhân hết đau nhanh, đi lại được ngay sau mổ.

Thận trọng trong sinh hoạt

BS.CK1. Trần Công Năng, Bệnh viện Gia An 115 cho biết, thoát vị đĩa đệm thường xảy ra nhất ở cột sống lưng, sau đó là cột sống cổ. Tùy vị trí nơi đĩa đệm thoát vị và mức độ thương tổn mà triệu chứng mỗi người bệnh khác nhau. Tuy nhiên, một số triệu chứng thường gặp cảnh báo thoát vị đĩa đệm là đau ở mông, đùi, cẳng chân, có thể lan tới một phần bàn chân hoặc đau vùng vai, gáy, cánh tay; yếu cơ... Các nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thường gặp là do người bệnh bị thoái hóa, chấn thương hoặc có bệnh lý về cột sống.

Bên cạnh đó, người thường xuyên làm các công việc nặng nhọc, ngồi sai tư thế lâu ngày hoặc mắc các bệnh lý đái tháo đường, viêm đa khớp dạng thấp, gút,…đều có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm. Bệnh thường khởi phát sau một thời gian dài đau lưng âm ỉ hoặc khởi phát đột ngột sau khi cúi người xuống làm việc nặng. Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm thường là đau lưng dữ dội, cơn đau giảm khi nằm nghỉ nhưng sẽ tái phát khi ngồi, đi lại hoặc thậm chí khi hắt hơi.

Theo các chuyên gia y tế, những cơn đau do thoát vị đĩa đệm làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trường hợp nặng có thể khiến người bệnh yếu liệt, không kiểm soát được khả năng tiêu tiểu. Rất nhiều trường hợp thoát vị đĩa đệm trước đó đã điều trị sai phương pháp, chẳng những gây tốn kém thời gian, chi phí điều trị mà còn khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Hiện tại trong dân gian còn tồn tại một số quan điểm sai lầm về điều trị thoát vị đĩa đệm như đắp lá, đắp thuốc, nắn xương, bấm huyệt, đau đâu chích đó…

Các phương thức này thường không có tác dụng điều trị hoặc chỉ giúp giảm triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, những quan điểm tập luyện sai lầm như khuyên người bệnh đi bộ nhiều, khom cúi nhiều hay xoay bẻ cột sống có thể làm cho tình trạng thoát vị nặng thêm. Khi có các triệu chứng nêu ở trên thì người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác, tránh việc tự ý chữa trị làm tình trạng bệnh nặng thêm. Người dân cần phải tránh làm việc mang vác nặng, khom cúi không đúng tư thế, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn đủ chất bổ dưỡng, uống đủ nước, có chế độ tập luyện thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi, phù hợp tình trạng sức khỏe giúp nâng cao sức khỏe nói chung, tránh thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm nói riêng.

Các tin khác