Nỗi lo trẻ chậm tăng trưởng

(ĐTTCO) - Theo các chuyên gia, hiện số trẻ đến khám và điều trị chậm tăng trưởng tại các cơ sở y tế ngày một gia tăng. Nhiều phụ huynh có con bị chậm tăng trưởng lo lắng tìm mọi cách để nâng chiều cao, mà không biết rằng nếu không đúng biện pháp thì có thể gây hại đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. 
Tìm đủ cách tăng chiều cao cho trẻ
Sợ con trai sẽ lùn do cả bố và mẹ đều có chiều cao hạn chế nên ngay từ khi con mới 7 tuổi, chị Lê Thị Thanh Hải (40 tuổi, ngụ quận 10) đã tìm các loại thực phẩm chức năng (TPCN) bổ sung để con trở nên cao lớn. Thấy nhiều quảng cáo trên mạng xã hội về các loại TPCN cải thiện chiều cao có xuất xứ từ Mỹ, Australia, chị Hải không ngần ngại đầu tư cả chục triệu đồng để mua. Tuy nhiên, sau 3 tháng sử dụng, chiều cao của con chị không hề cải thiện, ngược lại, một số vị trí như các đầu khuỷu tay, chân có dấu hiệu đau nhức…
Nắm bắt tâm lý của nhiều phụ huynh, hiện nay trên thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm được giới thiệu hỗ trợ tăng chiều cao cho trẻ có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia… Đa số, thành phần ghi trên nhãn của các sản phẩm này chủ yếu là nano canxi, protein, vitamin A, quả óc chó, nhung hươu, hải sâm…
Nỗi lo trẻ chậm tăng trưởng ảnh 1 Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh đang thăm khám cho bệnh nhi   
Nỗi lo trẻ chậm tăng trưởng ảnh 2  
TS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Phòng khám Nhi - Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ, như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng...
“Sai lầm của một số phụ huynh là vì quá lo lắng khi thấy con mình phát triển chậm so với các bạn đồng trang lứa nên đã tự ý mua các loại TPCN cho trẻ sử dụng. Chưa biết có tăng chiều cao “thần kỳ” như lời quảng cáo hay không, nhưng việc cho trẻ sử dụng các loại TPCN mà không có sự tư vấn của các chuyên gia y tế rất dễ dẫn đến việc trẻ bị dư thừa chất”, bác sĩ Quỳnh chia sẻ. 
Cũng theo các bác sĩ, đa phần sản phẩm tăng chiều cao đều chứa canxi, tuy nhiên nếu lạm dụng có thể gây sỏi thận, suy thận, vôi hóa mô mềm… Bác sĩ Ngô Minh Vinh, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng các vitamin A và D3 trong TPCN hay thuốc tăng chiều cao phải được dùng thận trọng, có thể gây tăng áp lực sọ não, khô da, rụng tóc, chán ăn, ngưng tăng trưởng…
Ngoài ra, có nhiều loại vitamin còn chống chỉ định với một số bệnh. “Để theo dõi việc tăng trưởng của trẻ, phụ huynh cần thường xuyên cân đo và đánh dấu sự phát triển của con mình trên biểu đồ tăng trưởng. Nếu biểu đồ tăng trưởng đi xuống hoặc đi ngang, hay điểm cân nặng, chiều cao nằm ở kênh thấp nhất, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị đúng phác đồ, phụ huynh không nên tự ý bổ sung canxi hoặc các TPCN”, bác sĩ Ngô Minh Vinh khuyến cáo.
Cần can thiệp sớm
Theo các bác sĩ, một nguyên nhân phổ biến khiến trẻ chậm tăng trưởng là do thiếu hormone tăng trưởng. Hiện nay trên thế giới, tỷ lệ bệnh thiếu hormone tăng trưởng là 1/4.000. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải khi bị chấn thương đầu nặng, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não, một số khác không xác định được nguyên nhân.
Tại BV Đại học Y Dược TPHCM, năm 2018 đã thực hiện tầm soát cho 300 trẻ có chiều cao dưới độ lệch chuẩn, hoặc tốc độ tăng trưởng giảm, dựa trên các xét nghiệm định hướng nguyên nhân của chậm tăng trưởng. Sau xét nghiệm sàng lọc nguyên nhân, có 65 bệnh nhi được điều trị bằng hormone tăng trưởng. Sau thời gian từ 3 - 6 tháng điều trị, các bé đáp ứng với thuốc điều trị tốt, trung bình mỗi bé cao thêm 0,8cm - 1cm/tháng. 
TS Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tổng hợp - BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết tại BV, việc chẩn đoán và điều trị cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao được chia thành 2 giai đoạn; giai đoạn cho những trẻ nhỏ được điều trị tại chuyên khoa nội tiết nhi; khi trẻ ở độ tuổi thiếu niên sẽ được điều trị tại chuyên khoa nội tiết người lớn. Việc phát hiện sớm, tìm được nguyên nhân, có hướng điều trị đúng và kịp thời sẽ giúp cải thiện quá trình tăng trưởng chiều cao cho trẻ đạt hiệu quả.
“Để điều trị hiệu quả và cải thiện chiều cao, tốt nhất là trẻ được phát hiện sớm việc thiếu hormone tăng trưởng khi tuổi còn nhỏ. Sau khi tổng hợp các dữ kiện, bác sĩ nội tiết sẽ có chẩn đoán xác định chính xác chậm tăng trưởng có do giảm hormone tăng trưởng hay không, để chỉ định điều trị.
Giai đoạn đầu, bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi sẽ chỉ định dùng bổ sung hormone tăng trưởng và theo dõi tới tuổi thiếu niên. Trong giai đoạn chuyển tiếp thành người lớn, trẻ sẽ được đánh giá lại rối loạn hormone tăng trưởng và tiếp tục điều trị lâu dài nếu vẫn còn dấu hiệu của chậm tăng trưởng”, bác sĩ Trần Quang Nam nói.
 Theo khung phát triển chiều cao chuẩn, thông thường trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50cm. Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ tăng 25cm và tăng thêm 10cm mỗi năm trong 2 năm kế tiếp. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm khoảng 5cm. Nếu trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi, thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao và sẽ thấp hơn so với các bạn cùng lứa.

Các tin khác