Hành trình lấy lại ánh sáng

(ĐTTCO) - Tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2, thị lực của cả 5 bệnh nhân mù lòa dần cải thiện sau khi được phẫu thuật cấy ghép giác mạc từ những người Mỹ mới qua đời, hiến tặng. Cơ hội thấy lại sáng sau bao năm mòn mỏi ngóng chờ của họ đang thành hiện thực, khi những mảnh ghép ngày càng trong. 
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 đang tiến hành cấy ghép giác mạc cho bệnh nhân.
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 đang tiến hành cấy ghép giác mạc cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, theo ước tính tại Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. 
Viết tiếp những dự định dở dang
42 tuổi, bị thoái hóa giác mạc, không nhìn rõ thứ gì ròng rã 20 năm nay, nhưng sau khi được ghép giác mạc tại bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 vào ngày 3-6 vừa qua, thị lực của anh Đỗ T. đã tiến triển rất tốt, có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh.
Trong niềm vui hạnh phúc tột cùng khi nhìn lại ánh sáng cuộc đời, anh Đỗ T. chia sẻ: “20 năm về trước, nhận thông báo từ bác sĩ tôi vô cùng hoang mang và suy sụp, không biết tương lai, sự nghiệp rồi sẽ ra sao. Lúc mất đi ánh sáng, tôi mới thấy đôi mắt quan trọng như thế nào. Nhiều lúc muốn buông xuôi tất cả vì tôi đang tuổi lao động là chỗ dựa chính cho gia đình thì bỗng bất lực do đôi mắt không nhìn rõ”. 
“Cách đây ít ngày, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2, gọi điện thông báo, tôi là 1 trong số 5 bệnh nhân được chọn ra từ hơn 500 bệnh nhân khác để ghép giác mạc. Tôi vui mừng lắm. Kiểm tra lại lần cuối và nhận thông tin chính thức được ghép giác mạc, cảm xúc trong tôi như vỡ òa sau bao năm ước mong” - anh Đỗ T. tâm sự.
Cùng chung niềm vui hạnh phúc vô bờ, khuôn mặt người đàn ông 52 tuổi Đỗ Hữu M. đến từ Phú Thượng, TP Huế vừa được ghép giác mạc luôn nở nụ cười tươi mới. “Tôi đã có thể tiếp tục các dự định dang dở, kiếm tiền nuôi mẹ già cùng vợ và các con” - ông Đỗ Hữu M. bị sẹo trắng ở giác mạc, thị lực giảm còn dưới 1/10 kể từ khi phỏng nhiệt cách đây 2 năm chia sẻ. 
Cùng với anh Đỗ T. và ông Đỗ Hữu M. ngày 3-6 vừa qua, 3 bệnh nhân khác đã được bác sĩ Edward Charles Kondrot, thành viên Hội Nhãn khoa Hawaii và Tổ chức SEE International (Mỹ) phối hợp với các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 phẫu thuật cấy ghép thành công giác mạc mới, mang lại hy vọng đổi đời cho bản thân và gia đình khi được sáng mắt. 5 chiếc giác mạc cấy ghép lần này đều lấy từ nguồn 10 chiếc giác mạc do bác sĩ Edward Kondrot với sự hỗ trợ của Hội Nhãn khoa Hawaii và Tổ chức SEE International đưa về Việt Nam vào ngày 2-6.
Còn 5 chiếc giác mạc kia được tặng cho Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương thông qua Trung tâm Điều phối và Ghép tạng Quốc gia và hiện đã ghép cho các bệnh nhân khác.
“Vậy là tâm nguyện của những người Mỹ quá cố cùng gia đình cuối cùng đã thành hiện thực, dù họ không còn nhưng một phần thân thể của họ vẫn giúp ích những người còn sống tìm thấy ánh sáng” - bác sĩ Edward Charles Kondrot, cùng vợ là bà Ly Kondrot vừa hoàn thành trọng trách làm cầu nối đưa 10 giác mạc mà người Mỹ qua đời hồi cuối tháng 5-2019 hiến tặng, chia sẻ trước khi về lại Mỹ, chuẩn bị cho những đợt thiện nguyện mới.
Hành trình lấy lại ánh sáng ảnh 1 Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau 1 tuần cấy ghép giác mạc.
Ai cũng có thể hiến giác mạc
Phẫu thuật ghép giác mạc được Bệnh viện Trung ương Huế áp dụng điều trị cách đây 25 năm và hiện đạt trình độ tiên tiến, hiện đại với đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn. Nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. 
Bác sĩ Phạm Như Vĩnh Tuyên, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 cho biết, khi giác mạc bị tổn thương, mắt sẽ bị mất thị lực. Nếu tổn thương ở cả hai mắt người bệnh sẽ phải sống chung với bóng tối suốt đời. Do vậy, ghép giác mạc như một phép màu giúp cho người bệnh tìm lại nguồn sáng cho đôi mắt của mình. 
“Nếu ví con mắt là một cái máy ảnh thì giác mạc là một thấu kính rất quan trọng trong hệ thống quang học của máy ảnh đó. Giác mạc giúp cho hình ảnh có thể đi qua và tập trung vào võng mạc (màng thần kinh phía sau nhãn cầu - giống như phim của máy ảnh- PV), từ đó hình ảnh được truyền lên trung tâm thị giác vỏ não qua thị thần kinh và chúng ta có thể cảm nhận được hình ảnh từ thế giới xung quanh. Khi bị bệnh lý làm cho giác mạc không còn trong suốt nữa, người bệnh sẽ bị giảm thị lực và trường hợp nặng có thể dẫn đến mù lòa” - bác sĩ Tuyên cho biết.
Hiện mỗi năm cả nước có hàng chục nghìn ca chờ ghép giác mạc. Song số lượng giác mạc được hiến tặng vẫn rất hạn chế, khoảng 150 ca/năm từ các nguồn khác nhau, trong khi số bệnh nhân có nhu cầu ghép giác mạc ước tính trên 200.000 người. Đặc biệt với quan niệm mang tính duy tâm, nhiều người đã từ chối hiến tặng giác mạc. Ngoài giác mạc từ những người tình nguyện hiến tặng sau khi qua đời, nguồn giác mạc hiện nay còn có từ những người bị chấn thương phải bỏ nhãn cầu nhưng giác mạc vẫn còn tốt hoặc được nhận từ nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn cung cấp này cũng rất hạn chế vì chi phí lưu trữ và vận chuyển từ nước ngoài rất cao. Trong khi, giác mạc sống càng để lâu thì chất lượng càng giảm, không có lợi cho người được cấy ghép. 
Hiện Đơn vị Điều phối ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế đã sẵn sàng tiếp nhận giác mạc người hiến, bảo quản giác mạc người hiến để ghép cho những bệnh nhân cần ghép. Đặc biệt với sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối và Ghép tạng Quốc gia, trong thời gian đến Bệnh viện Trung ương Huế sẽ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô/tạng sau khi chết/chết não trong đội ngũ nhân viên Bệnh viện góp phần tuyên truyền vận động người tình nguyện hiến tặng mô/tạng sau khi chết/chết não rộng rãi trong mọi người dân.
“Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính, bệnh lý trước khi qua đời. Đặc biệt, Bệnh viện sẽ cố gắng kết hợp với các tổ chức từ thiện trong nước và quốc tế để có thể hỗ trợ tối đa cho nhiều bệnh nhân phải ghép giác mạc” - GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết.

Các tin khác