Vẫn còn 17 điểm đen tai nạn giao thông

(ĐTTCO)-Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trên địa bàn TP hiện còn 37 điểm ùn tắc giao thông, trong đó có đến 17 điểm đen về tai nạn giao thông. 
 
Điểm đen giao thông tại vòng xoay Mỹ Thủy. Ảnh: CAO THĂNG
Điểm đen giao thông tại vòng xoay Mỹ Thủy. Ảnh: CAO THĂNG
Cẩn trọng khi lưu thông trên các điểm đen
Theo thống kê từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, ùn tắc giao thông thường tập trung tại 12 tuyến đường. Cụ thể, khu vực trung tâm TP thường xảy ra ùn tắc tại vòng xoay ngã 6 Dân Chủ, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y; khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra ùn tắc tại đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Kiệm, Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyệt; khu vực Cảng Cát Lái thì xảy ra ùn tắc tại xa lộ Hà Nội, đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định. Ngoài ra, khu vực cửa ngõ TP thường xuyên ùn tắc tại trục Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1A, Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập, ngã tư An Sương… 
Qua theo dõi, Sở GTVT cũng lưu ý, TP còn tồn tại 17 điểm đen về tai nạn giao thông (TNGT). Trong số đó, có gần 10 điểm đen nằm liền kề nhau trên các tuyến đường vào các cảng biển, cảng cạn (ICD). Cụ thể, đường Vành đai 2 - đoạn từ chân cầu Phú Mỹ phía quận 2 đến vòng xoay Mỹ Thủy (cắt với đường Nguyễn Thị Định) vào Cảng Cát Lái - dài khoảng 3km, xuất hiện 5 điểm có nguy cơ cao về TNGT do mặt đường xuống cấp.
Chạy dọc đoạn đường này, không chỉ mặt đường bị bong tróc, lồi lõm mà tình trạng giao thông rất hỗn loạn, nhiều người chạy xe gắn máy lấn sang làn đường dành cho xe tải, xe container. Xe container từ khu vực kho bãi Tân Cảng - Mỹ Thủy ra, xung đột với dòng xe từ cầu Phú Mỹ lưu thông về hướng Cảng Cát Lái, lấn sang làn đường dành cho xe máy gây tình trạng ùn ứ. Điều nguy hiểm là nhiều người đi xe máy liều mình luồn lách qua giữa đầu và đuôi các xe tải, xe container, rất dễ xảy ra tai nạn. Theo Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Cát Lái, tại đoạn đường trên, chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra 3 vụ TNGT khiến 1 người chết.
Tương tự, trục đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) là tuyến đường lưu thông huyết mạch nối các quận 1, 4 và 7; lượng ô tô, xe tải, xe container ra vào Cảng Sài Gòn, vận chuyển xăng dầu từ Nhà Bè, lưu thông rất đông, nhưng mặt đường chỉ rộng khoảng 7m cho mỗi chiều đường. Đường nhỏ, xe đông nên ngày nào tuyến này cũng xảy ra tình trạng ùn ứ.
Theo Sở GTVT, trên tuyến đường này có 3 điểm đen về TNGT: trước nhà số 155, 428 và 404 thuộc quận 4. Các vụ tai nạn xảy ra thường có nguyên nhân do va chạm giữa mô tô với xe tải, xe container. Theo Ban An toàn giao thông TP, do mặt đường Nguyễn Tất Thành không thể mở rộng được nữa, trong khi mật độ giao thông tăng nhanh, nên nguy cơ xảy ra tai nạn luôn rình rập. Ngoài ra, ở các khu vực cửa ngõ về miền Tây, như quốc lộ 1A đoạn thuộc huyện Bình Chánh và khu vực phía Tây Bắc, là những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe cũng như TNGT.
Xóa điểm đen bằng cách nào?
Nhằm giải quyết các điểm đen trên trục đường Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 Nguyễn Vinh Ninh cho biết, hàng loạt giải pháp đã được triển khai như: lắp đèn chớp vàng liên tục cảnh báo trên cả tuyến đường, lắp biển báo đi chậm, đóng các điểm mở dải phân cách...
Về giải pháp lâu dài, theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, trước tình hình kẹt xe và nguy cơ TNGT ngày càng trầm trọng, năm 2017, TPHCM sẽ đầu tư 39.263 tỷ đồng để làm 80 dự án giao thông. Trong đó, một số dự án khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giúp giảm tình hình kẹt xe cho cả khu vực. Hiện tại sở đã triển khai các dự án cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - Hồng Hà (quận Tân Bình) và tại nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), những khu vực được coi là điểm nóng về kẹt xe tại TPHCM thời gian qua.
Ngoài ra, giai đoạn 2 sẽ xây dựng hầm chui qua đường Trường Sơn theo hướng từ cửa ra nhà ga quốc nội đi sang đường Hồng Hà. Khi cả cầu vượt và hầm chui hoàn thành, dòng xe vào sân bay sẽ đi lên cầu vượt, không còn xung đột ở nút giao Trường Sơn - Hồng Hà và chắc chắn sẽ giảm bớt được ùn tắc. “Đối với điểm nóng khu vực Cảng Cát Lái, dự án cầu vượt và hầm chui ở vòng xoay Mỹ Thủy đang trong giai đoạn về đích.
Sau khi hoàn thành, sẽ tách được các dòng xe đi từ xa lộ Hà Nội vào Cảng Cát Lái với dòng xe đi từ cầu Phú Mỹ và Cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; các dòng xe không còn phải xếp hàng chờ đợi để đi qua vòng xoay Mỹ Thủy như hiện nay. Bên cạnh đó, các dự án nằm ở khu trung tâm là 2 nhánh cầu Nguyễn Văn Cừ và 3 nhánh cầu Nguyễn Tri Phương hoàn thành trong năm nay sẽ giúp giải tỏa kẹt xe ở điểm giao giữa đường Trần Hưng Đạo (quận 1) với đầu cầu Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Tri Phương để sang khu Nam”, ông Cường nói.
Ngoài những dự án nói trên được đầu tư từ vốn ngân sách TP, một số dự án khác được làm theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), như nút giao ngã 5 Đài liệt sĩ, quận Bình Thạnh (giải tỏa ùn tắc ở khu vực Bến xe miền Đông); nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7; nút giao ngã tư Thủ Đức..., sau khi hoàn thành sẽ làm giảm đáng kể tình hình ùn tắc ở các cửa ngõ dẫn vào TP. Tuy nhiên, thời gian để hoàn thành các dự án này cũng phải mất từ 3 - 5 năm nếu được bố trí nguồn vốn.

Các tin khác