Tương lai xe máy ở Việt Nam sẽ ra sao?

(ĐTTCO)-Xe máy hiện đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo, trong tương lai, dù thu nhập tiếp tục tăng thì khả năng cao xe máy sẽ vẫn được sử dụng.
Hà Nội đang lên kế hoạch để đến năm 2030 Hà Nội sẽ đủ điều kiện dừng hoạt động xe máy đi vào khu vực nội đô.
Hà Nội đang lên kế hoạch để đến năm 2030 Hà Nội sẽ đủ điều kiện dừng hoạt động xe máy đi vào khu vực nội đô.
Ủy ban ATGT Quốc gia vừa ký kết hợp tác về ATGT năm 2018 với Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam chiều 27-9 tại Hà Nội.

Tại lễ ký kết, nhóm nghiên cứu về “Vai trò của xe máy trong hiện tại và tương lai tại Việt Nam” do TS Vũ Anh Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, Trường đại học Việt Đức đã công bố một nghiên cứu mới về nhu cầu sử dụng xe máy tại Việt Nam trong năm 2017.

Theo kết quả nghiên cứu, xe máy hiện đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với mọi đối tượng. Trong tương lai, khi thu nhập tiếp tục tăng thì khả năng cao xe máy sẽ vẫn được sở hữu và sử dụng.

Nguyên nhân, do điều kiện cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, mức thu nhập cá nhân còn khá thấp và các dịch vụ giao thông công cộng mới đáp ứng chưa đầy 1% nhu cầu đi lại, ngoại trừ Hà Nội và TP.HCM.

“Riêng đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mặc dù có hệ thống đường phát triển nhất nước, hệ thống giao thông công cộng đáp ứng 8-10% nhu cầu đi lại thì mật độ đường trên diện tích đất và số lượng xe buýt trên một triệu dân trong những thập niên vừa qua vẫn thấp hơn nhiều lần so với các thành phố châu Á khác”, TS Vũ Anh Tuấn nói.

Vẫn theo nghiên cứu, các đô thị, thành phố tại Việt Nam đang lúng túng trong việc ứng xử với xe máy với nhiều giải pháp được đưa ra như kịch bản phát triển bình thường, quản lý, hạn chế, hoặc đề xuất cấm.

Tuy nhiên những đề xuất trên đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi, đồng thời xuất hiện những quan ngại về tính khả thi và hiệu quả thực sự của từng giải pháp.

Từ kinh nghiệm quốc tế, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng môi trường với các điều kiện thuận lợi cho lưu thông xe máy an toàn thông qua khung chiến lược an toàn giao thông xe máy với 4 thành phần: Chính thức đưa xe máy vào các chính sách, pháp luật về an toàn giao thông; cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông an toàn cho lưu thông xe máy; cung cấp chương trình giáo dục, đào tạo về an toàn giao thông xe máy cho mọi đối tượng đi đường và đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật – công nghệ an toàn cho xe máy.

Nghiên cứu cũng đã lựa chọn một số giải pháp, chính sách có tỷ lệ ủng hộ cao của người dân để các cơ quan nhà nước xem xét triển khai trong những năm tới, gồm quy định trẻ em dưới 6 tuổi đội mũ bảo hiểm, quy định trẻ 16 - 18 tuổi có chứng chỉ lái xe an toàn (50cc, e-bike), bổ sung nội dung lái xe đường trường vào bài thi cấp bằng lái xe máy, phổ biến sổ tay điều khiển xe máy an toàn…

Các tin khác